Kế hoạch mở rộng sản xuất điện gió ngoài khơi và điện mặt trời này nhằm để Pháp bắt kịp các chính sách năng lượng của các nước châu Âu láng giềng.

Pháp sẽ ‘tăng tốc’ phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo

Bảo Vĩnh | 23/09/2022, 12:59

Kế hoạch mở rộng sản xuất điện gió ngoài khơi và điện mặt trời này nhằm để Pháp bắt kịp các chính sách năng lượng của các nước châu Âu láng giềng.

Động thái này cũng nhằm đối phó vấn nạn khủng hoảng năng lượng ở châu Âu kể từ sau chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn nước ông càng độc lập hơn về năng lượng sản xuất điện.

Trong chuyến thăm trạm điện gió ngoài khơi đầu tiên của Pháp gần thành phố cảng Saint-Nazaire hôm 22.9, ông Macron nói: “Chiến tranh làm thay đổi tất cả, làm đứt gãy mô hình châu Âu vì nhiều nước lệ thuộc khí đốt Nga để có năng lượng. Và rõ ràng, đây là lần đầu tiên năng lượng trở thành một loại vũ khí chiến tranh”.

Ông cho biết một số biện pháp để tăng tốc phát triển các dự án sử dụng năng lượng tái tạo “ít nhất gấp hai lần”, vào lúc các nước láng giềng đang phát triển các dự án này nhanh hơn và tốt hơn.

Dù Pháp có hàng ngàn km bờ biển, mới chỉ thành phố Saint-Nazaire có trại điện gió ngoài khơi với 80 turbin. Trại này mất 10 năm xây dựng, vừa hòa vào lưới điện quốc gia trong tháng 9 này.

Tổng thống Macron đặt mục tiêu Pháp sẽ có thêm 50 trại điện gió tương tự nhằm đạt 40% sản lượng điện kể từ năm 2050

Ông còn hy vọng nhân gấp 10 lần sản lượng điện mặt trời, và tăng gấp đôi sản lượng điện gió trên bộ trong cùng thời gian nêu trên

Tổng thống Pháp nói các biện pháp mới nhằm giảm sự chậm trễ từ 10-12 năm xuống còn 6 năm, trong công tác xây dựng và đưa vào hoạt động các trại điện gió, và giảm từ 6 năm xuống còn 3 năm đối với các trại quang điện lớn.

Một đạo luật cũng sẽ được công bố trong cuộc họp chính phủ Pháp vào tuần tới. Luật này nhằm sớm đưa sản lượng điện có từ năng lượng tái tạo vào lưới điện quốc gia.

Các kế hoạch khác là xây trại điện mặt trời ở các bãi đất trống dọc theo các cao tốc, đường sắt và ở các bãi đậu xe.

Các công viên điện mặt trời cũng sẽ được khuyến khích xây trên đất nông nghiệp, theo một số điều kiện gồm chỉ xây trại nhỏ nhằm giữ đất phục vụ trồng cây lương thực.

Tổng thống Macron nói luật cần bảo đảm sự chuyển đổi qua năng lượng tái tạo sẽ tạo điều kiện cho các cộng đồng dân cư thụ hưởng những lợi ích.

Ông cũng hy vọng biện pháp “tăng tốc” cũng áp dụng cho việc sản xuất điện hạt nhân (ĐHN) và đơn giản các thủ tục để xây các lò phản ứng mới một cách nhanh hơn.

Tổng thống Pháp tuyên bố từ đầu năm 2023 sẽ tiến hành kế hoạch xây 6 lò phản ứng hạt nhân mới, kéo dài tuổi thọ của các nhà máy ĐHN hiện có, như một phần chiến lược cắt giảm sự thải phát khí nhà kính gây ra hiện tượng trái đất nóng dần lên.

Lâu nay, chiến lược năng lượng của Pháp là dựa vào điện hạt nhân (ĐHN) để cung cấp 67% sản lượng điện cho toàn quốc, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào.

Hiện tại, một nửa trong số 56 lò phản ứng hạt nhân của Pháp (điều hành bởi Tập đoàn Điện lực Pháp - EDF) đang ngưng hoạt động để bảo trì thường xuyên, và trong vài trường hơp là sửa chữa các vấn đề hao mòn.

Chính phủ Pháp đã cho biết EDF cam kết sẽ tái khởi động nhóm lò phản ứng này từ mùa đông tới.

Theo AP, chiến lược mới của Tổng thống Macron được tung ra nhằm là một giải pháp lâu dài đối với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay, nhưng nó sẽ không giúp được gì trước những thách thức ngắn hạn.

Pháp từng đặt mục tiêu tăng sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo lên 23% từ năm 2020, nhưng mới chỉ đạt 19%. Vì thế, Pháp chưa đạt mức trung bình 22% trong khối 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và đứng hạng 17 trong mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo.

Pháp và các nước châu Âu đang lo ngại thiếu điện trầm trọng trong mùa đông tới, vì Nga đã cắt đứt nguồn cung khí đốt giá rẻ mà lâu nay châu Âu dựa vào để phát điện, duy trì hoạt động của các nhà máy và sưởi ấm các hộ gia đình. 

Chính phủ Pháp đã cảnh báo một kịch bản nghiêm trọng nhất có thể dẫn đến việc nhà dân bị cúp điện luân phiên, và chính phủ đã trình kế hoạch “tỉnh táo năng lượng” nhằm đạt mục tiêu giảm sử dụng 10% năng lượng kể từ năm 2024.

Theo AP
Copy Link
Bài liên quan
Anh lên kế hoạch xây dựng nhà máy điện mặt trời trong không gian
Anh đang lên kế hoạch xây dựng một nhà máy điện mặt trời trong không gian và có thể sẽ thử nghiệm trên quỹ đạo vào năm 2035.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Pháp sẽ ‘tăng tốc’ phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo