Mục tiêu của chiến dịch tiêm chủng rộng rãi vắc xin COVID-19 là xây dựng nên miễn dịch cộng đồng – tình trạng có rất ít người dễ bị lây nhiễm khiến vi rút không còn vật chủ.

Bao nhiêu người tiêm vắc xin COVID-19 mới đạt miễn dịch cộng đồng?

Cẩm Bình | 29/12/2020, 10:15

Mục tiêu của chiến dịch tiêm chủng rộng rãi vắc xin COVID-19 là xây dựng nên miễn dịch cộng đồng – tình trạng có rất ít người dễ bị lây nhiễm khiến vi rút không còn vật chủ.

Câu hỏi bao nhiêu người tiêm vắc xin rất quan trọng đối với chính quyền các nước. Tiêm chủng không chỉ bảo vệ từng cá nhân, mà còn bảo vệ một phần dân số đủ lớn để dập dịch.

Nếu quá ít người tiêm, vi rút vẫn tìm được vật chủ lan truyền qua đó tiếp tục gâp áp lực lên hệ thống y tế, làm trì hoãn phục hồi kinh tế, buộc chính quyền kéo dài quy định giãn cách xã hội. Đặc biệt dịch bệnh chắc chắn tái bùng phát một khi vắc xin dần mất tác dụng.

vaccine00.jpg
Nhiều quốc gia đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng rộng rãi vắc xin COVID-19 - Ảnh: Reuters

Nỗ lực đạt miễn dịch cộng đồng đối mặt với không ít thách thức lớn. Khảo sát đầu tháng 12 do hãng tin AP phối hợp Trung tâm nghiên cứu Quan hệ công chúng NORC thực hiện cho thấy chỉ 46% người Mỹ trưởng thành muốn tiêm vắc xin COVID-19, 26% từ chối, 27% chưa quyết định. Một nhóm nhà nghiên cứu khác phát hiện thông điệp chống tiêm chủng trên mạng xã hội tăng gấp 3 lần kể từ lúc đại dịch xuất hiện.

Thách thức còn đến từ trẻ em và thanh thiếu niên. Đây là nhóm dân số ít mắc COVID-19 hơn nên gần như chưa được chú trọng khi thử nghiệm vắc xin, tuy nhiên muốn đạt miễn dịch cộng đồng thì không thể không tiêm chủng cho đối tượng này.

Nhằm trả lời câu hỏi bao nhiêu người tiêm vắc xin, giới khoa học so sánh xu hướng lây truyền COVID-19 ban đầu với xu hướng lây truyền của một số đại dịch cúm gần đây. Họ cũng đẩy mạnh nghiên cứu và nhận thấy vi rút gây COVID-19 có thời gian ủ bệnh lâu hơn, có thể không gây triệu chứng, dễ lây hơn.

Dựa trên số liệu dịch bệnh ban đầu ở Trung Quốc và Ý, giới khoa học vào tháng 4 đặt ra ngưỡng đạt miễn dịch cộng đồng là 60 - 70% dân số tiêm chủng.

Trong thời gian đầu dịch bệnh bùng phát, các nhà dịch tễ học Mỹ cũng ước tính cần 2/3 dân số nước này tiêm chủng. Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm quốc gia Mỹ Anthony Fauci lúc đó cũng đồng tình với ngưỡng trên.

Nhưng bây giờ họ nói rằng như vậy vẫn chưa đủ. Ông Fauci tuần trước phát biểu: “Muốn đạt miễn dịch cộng đồng bảo vệ cả đất nước thì bạn cần tiêm cho 75 - 85% dân số – thậm chí phải gần 85%”.

vc01.jpg
Ngưỡng đạt miễn dịch cộng đồng liên tục thay đổi - Ảnh: SCMP

Nhiều yếu tố ảnh hưởng

Có 2 cách đạt miễn dịch: mắc bệnh và hồi phục, hoặc tiêm vắc xin. Không cách nào đem lại đảm bảo chắc chắn cả.

Với hiệu quả của vắc xin COVID-19 do Pfizer, Moderna phát triển, ngưỡng đạt miễn dịch cộng đồng tăng lên 74% dân số. Nhưng cũng cần lưu ý rằng vắc xin chỉ mới chứng minh mức độ hiệu quả cao qua những cuộc thí nghiệm được tiến hành nhanh hơn thông thường.

Nhiều yếu tố khác cũng gây ảnh hưởng. Nếu vi rút dễ lây hơn thì ngưỡng đạt miễn dịch cộng đồng cũng phải tăng lên. Nơi dân cư thưa thớt, người dân chấp hành quy định giãn cách thì số người cần tiêm chủng ít hơn.

Ngoài ra, miễn dịch cộng đồng không chỉ là tiêm chủng cho bao nhiêu người, mà còn là tiêm cho đối tượng nào. Cung cấp vắc xin cho nhóm dân số dễ lây lan COVID-19 nhất có thể giúp kiểm soát đại dịch nhanh chóng hơn.

Bài liên quan
Nhà sản xuất vắc xin COVID-19 có mặt đầu tiên ở Việt Nam được vinh danh
AstraZeneca vừa chính thức trở thành 1 trong 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2024, trong đó, công ty ở vị trí thứ 5 toàn ngành dược và thứ 35 trong số những nơi làm việc tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bao nhiêu người tiêm vắc xin COVID-19 mới đạt miễn dịch cộng đồng?