“Đã đến lúc Mỹ ngăn chặn Trung Quốc ở Biển Đông” là tiêu đề một bài viết trên trang National Interest ngày 17.5, xoay quanh những phân tích vì sao Mỹ nên sớm có hành động ở Biển Đông. Một Thế Giới xin lược dịch.
Đã hơn 50 năm từ khi huyền thoại bóng chày Yogi Berra ra sân chơi lần cuối, nhưng sự khôn ngoan trong các thủ thuật của ông mà người ta gọi là “chủ nghĩa Yogi” vẫn còn rất chính xác, ngay cả đối với lĩnh vực chính trị quốc tế.
Thứ ba tuần trước, tờ Wall Street Journal đưa tin Lầu Năm Góc “đang cân nhắc sử dụng máy bay chiến đấu và tàu hải quân trực tiếp đến khu vực tranh chấp mà TQ tuyên bố chủ quyền và xây dựng nhanh chóng trên đó hàng loạt đảo nhân tạo. Theo các quan chức Mỹ thì đây là một động thái làm tăng căng thẳng trong thế giằng co xem ai là kẻ kiểm soát được vùng biển tranh chấp ở Biển Đông”.
Nếu Yogi có mặt ở Châu Á lúc này, chắc ông sẽ nhận xét rằng “ký ức ảo giác” đang được tái hiện. Tháng 4.2014, Wall Street Journal từng đưa tin tương tự rằng “quân đội Mỹ đã chuẩn bị nhiều phương án để phản ứng với bất kỳ hành động khiêu khích nào của TQ trong tương lai ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Bất cứ động thái mới nào của TQ trong khu vực nhằm khẳng định chủ quyền một cách đơn phương cũng sẽ gặp phải thách thức từ phía Mỹ”.
Chúng ta đều thấy vào thời điểm đó, TQ đã tiến hành cải tạo đất ở Biển Đông. Có lẽ chính quyền Obama đã hy vọng việc tiết lộ kế hoạch quân sự mới sẽ khiến Bắc Kinh chùn bước, nhưng có vẻ chính quyền của Tập Cận Bình không hề nao núng. Thật vậy, chỉ tuần sau đó, TQ đã ngang nhiên đưa giàn khoan dầu khổng lồ vào vùng biển tranh chấp để khẳng định chủ quyền.
Chưa đầy một năm, TQ hiện đã cải tạo đất tại 7 địa điểm ở Biển Đông. TQ xây dựng đảo trên các rạn san hô, sau đó thiết lập cơ sở trên các đảo này, gồm cả các căn cứ quân sự. Bắc Kinh tạo ra những vùng đất mới, và như vậy cũng có nghĩa là đang tạo thế khó cho các nhà lãnh đạo của họ khi đàm phán với bên ngoài. Không ai có thể chắc rằng Mỹ hay áp lực ngày càng nhiều từ quốc tế sẽ khiến TQ rút lại những bước đi của mình, vì làm thế đồng nghĩa với việc làm suy yếu vị trí của đảng cầm quyền TQ ở cả chính quốc lẫn nước ngoài.
Nghịch lý thay, giờ Tập Cận Bình lại có ít lựa chọn hơn để thay đổi cách tiếp cận của ông tại vùng lãnh thổ tranh chấp, khi Mỹ tuyên bố xem xét những hành động thật sự chứ không chỉ bằng lời nói để bảo vệ quyền lợi của Mỹ ở Biển Đông, gồm tự do trên biển và bầu trời, và duy trì hòa bình ổn định khi vực.
Dĩ nhiên người TQ bị đánh động. Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Hoa Xuân Oánh miêu tả những động thái của Mỹ là “nguy hiểm và khiêu khích”. Nhưng nếu Nhà Trắng quyết định tiến hành các kế hoạch của Lầu Năm Góc thì cũng không phải là biện pháp làm gia tăng căng thẳng. Quyết định của TQ khi xây đảo nhân tạo, dùng tàu khu trục để bảo vệ tàu hút bùn và củng cố các cơ sở đang xây dựng mới là những bước đi làm gia tăng căng thẳng. Như vậy, kế hoạch dùng quân đội để phản ứng lại của Mỹ là chuyện hợp lý.
Hãy tưởng tượng cảnh Mỹ đưa hàng loạt giàn khoan dầu ngoài khơi bờ biển TQ, không xa vùng lãnh hải TQ là bao, rồi sau đó trang bị trên giàn khoan dầu những tên lửa và máy bay phòng thủ, Tomahawks và tàu khu trục. Giờ hãy tưởng tượng thêm rằng Washington khẳng định những giàn khoan dầu này nằm trong hải phận và không phận mà Mỹ đã tuyên bố chủ quyền. Phép ẩn dụ này có vẻ không hoàn hảo nhưng lại minh họa rõ nét những hành động phi pháp của TQ ở quần đảo Trường Sa. Phản ứng chậm trễ của Mỹ không thay đổi sự thật rằng TQ vốn đã chọn cách đối đầu, và cách thức này chắc chắn sẽ gia tăng khủng hoảng.
Cũng may, trong trường hợp này, Mỹ hành động trễ còn hơn là ngồi yên không làm gì. Mặc dù những đảo nhân tạo đã được xây dựng vẫn nằm đó, nhưng phản ứng của Mỹ ít ra có thể làm được 3 điều.
Đầu tiên, cách tiếp cận cứng rắn của Washington sẽ khiến Tập Cận Bình làm dịu lại cách hành xử của TQ, chẳng hạn như không tiến hành những cuộc nạo vét mới và quyết định thay tàu khu trục bằng tàu bảo vệ bờ biển ở các cảng mới.
Thứ hai, mặc dù các đồng minh và đối tác của Mỹ nhìn chung là hoan nghênh chính sách “tái cân bằng sức mạnh” của chính quyền Obama ở Châu Á, họ vẫn hoài nghi về cam kết bảo đảm an ninh và vai trò giám hộ hòa bình trong khu vực mà Mỹ đã hứa. Chuyện sẵn sàng đối đầu với Bắc Kinh theo một cách có ý nghĩa sẽ làm dịu những lo ngại đang lan nhanh trong các nước đồng minh.
Thứ ba, bằng cách bay qua những đảo nhân tạo mà TQ xây dựng như thể đó không phải là những đảo nhân tạo và đưa tàu vào khu vực cách các rạn san hô trước đây 12 hải lý, quân đội Mỹ sẽ bảo vệ được tự do vùng biển và vùng trời ở Biển Đông. Đây không chỉ là bước đi quan trọng cho Không quân và Hải quân Mỹ hoạt động tự do ở Biển Đông mà còn ở phạm vi rộng hơn – toàn cầu.
Trong ngắn hạn, Lầu Năm Góc dường như sẽ tự do tiến hành các bài tập trận như dự tính, và là dấu hiệu tốt. Nhưng hiện Washington đã đưa ra những cảnh báo của họ, quan trọng là tổng thống Obama phải sớm quyết định hành động. Càng chần chừ, hành động của TQ sẽ càng cực đoan hơn, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Tờ Wall Street Journal từng đưa tin quân đội Mỹ không hoạt động trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mới của TQ, nghĩa là Mỹ có khả năng ngầm thừa nhận giới hạn tự do hàng hải ở Biển Đông. Nói cách khác, TQ đã thành công trong quá trình tái định hình Biển Đông để phù hợp với lợi ích của mình và sẽ tiếp tục “tung hoành” như thể Mỹ vô hình. Vẫn chưa quá muộn để Mỹ hành động, nhưng thời gian đã khá cấp bách.
Khánh Nguyên (Theo National Interest)