Cuộc bầu cử tổng thống mang tính bước ngoặt vào ngày 14.5 của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ quyết định tương lai của mối quan hệ giữa Ankara và Moscow.

Báo Mỹ: Nga có thể mất một đồng minh quan trọng ở NATO?

Hoàng Vũ (theo Newsweek) | 12/05/2023, 17:41

Cuộc bầu cử tổng thống mang tính bước ngoặt vào ngày 14.5 của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ quyết định tương lai của mối quan hệ giữa Ankara và Moscow.

Mối quan tâm chính của 64 triệu cử tri Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay tập trung vào việc giải quyết tình trạng lạm phát tăng, tỷ lệ thất nghiệp cao và công tác khắc phục hậu quả của thảm họa động đất.

Đương kim Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, 69 tuổi, người đứng đầu Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền tham gia cuộc đua với tư cách là ứng cử viên cho Liên minh Nhân dân cánh hữu chiếm đa số.

nga-tho.png
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin - Ảnh: AFP

Đối thủ chính của ông Erdogan là Kemal Kilicdaroglu, 74 tuổi, Chủ tịch của Đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) trung tả đối lập. Các ứng cử viên tổng thống khác bao gồm Muharrem Ince, 59 tuổi, Chủ tịch Đảng Tổ quốc trung dung mới thành lập. Tuy nhiên, ông Ince đã dừng tranh cử ngay sát ngày bỏ phiếu. Sinan Ogan, 55 tuổi, đại diện cho Liên minh Tổ tiên, cũng tham gia tranh cử.

Nga xích lại gần Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Erdogan

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thúc đẩy quan hệ kinh tế sâu sắc hơn với Nga bất chấp căng thẳng giữa NATO và Moscow liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Ông Erdogan cũng tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư của Nga để duy trì nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ sau những bất ổn.

Ankara đã cân bằng mối quan hệ tốt đẹp với cả Moscow và Kyiv trong suốt cuộc chiến, tổ chức các cuộc đàm phán ngay từ lúc đầu giữa các bên và cũng giúp điều giải một thỏa thuận vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine. 

Dù đồng ý cung cấp vũ khí cho Ukraine và đóng cửa Biển Đen với các tàu chiến của Nga, Tổng thống Erdogan vẫn duy trì quan hệ cá nhân với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ Nga - Thổ, vào tháng trước trong một buổi lễ khánh thành nhà máy hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà máy điện hạt nhân có tên Akkuyu trị giá 20 tỉ USD được xây dựng và sở hữu bởi Rosatom, một tập đoàn hạt nhân nhà nước của Nga.

"Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Thổ Nhĩ Kỳ và... việc tạo ra một ngành công nghiệp công nghệ cao mới, tiên tiến là một ví dụ thuyết phục khác về những gì Tổng thống Erdogan, đang làm cho đất nước của mình, cho sự phát triển của nền kinh tế và cho tất cả công dân Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Putin cho biết.

Cơ hội thắng cử của đối thủ ông Erdogan

Một cuộc thăm dò của Konda, một công ty nghiên cứu và tư vấn ở Thổ Nhĩ Kỳ, cho thấy ứng cử viên phe đối lập Kilicdaroglu dẫn đầu với 49,3% ủng hộ, trong khi ông Erdogan có 43,7%.

Kết quả của cuộc thăm dò, được thực hiện vào ngày 6 - 7.5 và được Reuters trích dẫn cho biết, ông Erdogan thiếu đa số cần thiết để giành chiến thắng trong vòng đầu tiên và cho thấy cuộc bầu cử sẽ diễn ra giữa hai ông vào ngày 28.5.

Bekir Agirdir, quản lý của Konda, nói với trang tin T24 rằng cơ hội thắng cử của Kilicdaroglu tăng lên sau khi ông Muharrem Ince, một ứng cử viên tổng thống khác và là cựu thành viên Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, rút khỏi cuộc đua.

“Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu ông ấy nhận được 51%", Bekir Agirdir, quản lý của Konda, cho biết.

Các cuộc thăm dò dư luận của một số đơn vị truyền thông cũng cho thấy ông Kilicdaroglu dẫn trước Erdogan.

Chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga liệu thay đổi?

Theo CNN, Nga đã tập trung vào việc tăng cường quan hệ kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ với thương mại song phương giữa hai nước vượt 62 tỉ USD vào năm 2022.

Mối quan hệ giữa hai nước cũng trở nên sâu sắc hơn ở cấp độ quân sự khi Thổ Nhĩ Kỳ mua tên lửa S-400 từ Nga vào năm 2019. Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một trung tâm cho các khoản đầu tư khác của Nga bao gồm bất động sản.

James Jeffrey, cựu đại sứ tại Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời là chủ tịch Chương trình Trung Đông tại Trung tâm Wilson (Mỹ), nhận định ngay cả khi ông Kilicdaroglu thắng cử, chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Ukraine và Nga có thể sẽ vẫn được duy trì.

Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đang phụ thuộc nhiều vào năng lượng và các khoản đầu tư của Nga. Quốc gia này nhận khoảng 45% khí đốt tự nhiên từ Nga cùng với một lượng lớn than và dầu.

Iliya Kusa, một nhà phân tích quan hệ quốc tế của Viện Tương lai Ukraine, đã viết trong một báo cáo gần đây do Trung tâm Wilson công bố rằng ông Kilicdaroglu không có lập trường hoàn toàn rõ ràng đối với Ukraine.

Cố vấn chính sách đối ngoại của ứng cử viên đối lập, Unal Cevikoz cũng tiết lộ ông Kilicdaroglu vẫn sẽ duy trì vai trò trung gian hòa giải giữa Ukraine và Nga của Thổ Nhĩ Kỳ nếu ông giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử.

Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây sẽ được cải thiện?

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi máy bay không người lái hỗ trợ chiến sự tại Ukraine, nước này vẫn có cùng quan điểm với Nga về việc phản đối một số động thái của phương Tây. Ứng viên Kilicdaroglu có thể tìm cách xây dựng lại quan hệ với châu Âu và Mỹ vốn đã bị hủy hoại trong nhiệm kỳ của đương kim tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Để cải thiện quan hệ với phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ cần mở ra cơ hội để Thụy Điển nhanh chóng gia nhập NATO - một động thái đã bị ông Erdogan ngăn cản từ lâu.

"Kilicdaroglu có thể sẽ nhanh chóng chấp thuận tư cách thành viên NATO của Thụy Điển. Ứng viên đối lập đã cam kết giảm bớt căng thẳng của Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ liên quan đến các chính sách Đông Âu”, ông Jeffrey nói.

Trong khi đó, chuyên gia quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Nga, bà Evren Balta, Chủ tịch Khoa Quan hệ Quốc tế tại Đại học Ozyegin (Thổ Nhĩ Kỳ), nói với Newsweek hôm 11.5 trong một email rằng chiến thắng của ông Kilicdaroglu sẽ "tượng trưng" cho sự trở lại của mối quan hệ mạnh mẽ hơn với phương Tây.

"Đó sẽ là thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ quay trở lại phương Tây, cụ thể là về các giá trị chuẩn mực mà liên minh phương Tây đại diện. Đây là một liên minh đã cùng nhau tái dân chủ hóa Thổ Nhĩ Kỳ", Balta nói.

Nga mất gì nếu Erdogan bị đánh bại?

Theo Jeffrey, Tổng thống Nga Vladimir Putin từ lâu đã nhận thấy ông Erdogan là người đáng tin cậy vì có chính sách và hùng biện cứng rắn cũng như có kinh nghiệm đối phó với người Nga, song liệu ông có coi trọng Kilicdaroglu hay không vẫn còn là một câu hỏi.

"Putin thích đối phó với các nhà lãnh đạo mà ông ấy cho là mạnh mẽ và có thể đoán trước được. Tôi không nghĩ ông Putin nghĩ Kilicdaroglu sẽ cứng rắn với ông ấy hơn Erdogan. Nhưng chắc chắn Putin sẽ thích tương tác với những người mà ông ấy hiểu rõ và có suy nghĩ giống ông ấy. Đó là Erdogan chứ không phải Kilicdaroglu", Jeffrey nói.

Eleonora Tafuro, một nhà nghiên cứu về Nga tại Viện Nghiên cứu Chính trị Quốc tế (ISPI) cho biết, mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa ông Putin và Erdogan rất quan trọng đối với quan hệ song phương Nga - Thổ. “Bất kỳ động thái nào làm giảm mối quan hệ giữa hai bên sẽ là một sai lầm", bà cho hay.

"Putin chắc chắn ủng hộ Erdogan... nhưng cũng sẵn sàng hợp tác với Kilicdaroglu nếu ông này thắng cử. Mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ rất quan trọng đối với Nga, đặc biệt là vào lúc này. Và ông ấy sẽ không thể đánh mất, ngay cả khi Erdogan rời nhiệm sở", bà Tafuro nhận định.

Bài liên quan
Ứng viên vị trí đặc phái viên của ông Trump phụ trách vấn đề Nga - Ukraine
Hãng Reuters dẫn nguồn tin tiết lộ Tổng thống đắc cử Donald Trump cân nhắc chọn cựu Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ Richard Grenell làm đặc phái viên phụ trách vấn đề Nga - Ukraine.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo Mỹ: Nga có thể mất một đồng minh quan trọng ở NATO?