Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức giảm xuống mức 44,9%, so với mức 66% của năm 2016.

Báo cáo PCI 2020: Chi phí không chính thức, phân biệt đối xử với DN giảm

Lam Thanh | 15/04/2021, 13:58

Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức giảm xuống mức 44,9%, so với mức 66% của năm 2016.

Theo Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 công bố ngày 15.4, để đo lường sự cải thiện về chất lượng điều hành theo thời gian, nhóm nghiên cứu PCI đã phát triển một công cụ thứ hai, đó là “Chỉ số PCI gốc” được xây dựng từ một nhóm nhỏ gồm 41 chỉ tiêu được duy trì cố định xuyên suốt 15 năm qua (2006-2020).
Kết quả chỉ số PCI gốc cho thấy khoảng cách giữa tỉnh đứng đầu và tỉnh đứng cuối về cả điểm số PCI và PCI gốc ngày càng thu hẹp; xu hướng cải thiện tích cực duy trì.

pci-4.png
!0 thành phần chỉ số PCI

Trong khi những cải thiện của nhóm tỉnh đứng cuối là tín hiệu đáng mừng thì dường như các thành tựu cải cách của nhóm tỉnh đứng đầu PCI mới chỉ dừng lại ở các lĩnh vực dễ cải cách. Các tỉnh đứng đầu cần tiếp tục phát huy sáng kiến để cải cách các lĩnh vực điều hành thách thức hơn.

Mức độ bình đẳng được đánh giá tích cực hơn

Báo cáo cũng cho rằng mức độ bình đẳng của môi trường kinh doanh được đánh giá tích cực hơn. Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá chính quyền địa phương ưu ái các doanh nghiệp có phần vốn nhà nước gây khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân đã giảm từ 37,9% năm 2016 xuống 24,7% năm 2020.

Hiện tượng chính quyền địa phương ưu tiên thu hút đầu tư FDI hơn so với thu hút đầu tư tư nhân trong nước đã giảm đáng kể từ 42,3%.

Ngoại trừ việc doanh nghiệp tư nhân vẫn nhận thấy chính quyền các tỉnh có những ưu tiên trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp FDI hơn so với doanh nghiệp tư nhân, những hình thức ưu ái khác trong việc giải quyết thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai… đã giảm dần qua các năm.

Đáng chú ý là xu hướng ít ưu ái hơn với doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp thân quen. Tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân đồng ý với nhận định “Nguồn lực kinh doanh (hợp đồng, đất đai...) chủ yếu rơi vào doanh nghiệp thân quen cán bộ chính quyền” đã giảm mạnh từ 72,3% năm 2016 xuống còn 57,9% năm 2020.

Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân cho biết sự ưu đãi cho công ty lớn (cả nhà nước và tư nhân) là cản trở đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp năm 2020 vẫn ở mức 53,9%, cho thấy chính quyền các địa phương cần nỗ lực hơn nữa trong việc tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân.

Chất lượng giải quyết các vụ việc qua tòa án có sự cải thiện trong năm 2020; tương tự, tình hình an ninh trật tự tại các địa phương cũng có chuyển biến tích cực.

Niềm tin của các doanh nghiệp với phương thức giải quyết vụ việc qua kênh tòa án gia tăng, khi tỷ lệ doanh nghiệp sẵn sàng sử dụng tòa án để giải quyết tranh chấp kinh tế đã tăng từ 35,8% năm 2016 lên 56,8% vào năm 2020.

Đáng lưu ý, tỷ lệ doanh nghiệp phải trả tiền bảo kê cho các băng nhóm côn đồ, xã hội đen giảm từ 2,9% năm 2017 xuống 1% năm 2020.

Chi phí không chính thức giảm

Chi phí không chính thức tiếp tục giảm. Cộng đồng doanh nghiệp ngày càng đánh giá tích cực hơn về hiệu quả của công cuộc chống tham nhũng, khi một loạt các chỉ tiêu đo lường về tham nhũng (chi phí không chính thức) đã có cải thiện đáng kể.

Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức giảm xuống mức 44,9%, so với mức 66% của năm 2016. Trong một số lĩnh vực cụ thể, mức độ phổ biến của chi phí không chính thức đã có dấu hiệu giảm bớt.

Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra đã giảm từ 51,9% năm 2017 xuống còn 27,7% của năm 2020; Tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “Việc ‘chi trả hoa hồng’ là cần thiết để có cơ hội thắng thầu” đã giảm từ 54,9% năm 2017 xuống còn 40% năm 2020; Tỷ lệ doanh nghiệp lo ngại tình trạng “chạy án” nên không đưa vụ việc tranh chấp qua tòa án cũng đã giảm từ con số 31,6% năm 2017 xuống 23% của năm 2020.

Tuy nhiên, trên một số phương diện vẫn cần có những nỗ lực mạnh mẽ hơn. Ví dụ, tỷ lệ doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh thủ tục đất đai năm 2020 là 32%. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết “Hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến” là 54,1% năm 2020.

chi-so.jpg
Bảng xếp hạng các địa phương

Bên cạnh đó, tính năng động của chính quyền tỉnh được đánh giá tích cực.

Năm 2020 có 81% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “UBND tỉnh/ thành phố linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân”, vượt qua mức cao nhất năm 2019.

72,3% doanh nghiệp nhận thấy “UBND tỉnh/thành phố năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh”, mức cao nhất kể từ trước đến nay.

Khoảng 50,5% doanh nghiệp ghi nhận thái độ tích cực của chính quyền đối với khu vực kinh tế tư nhân, dù có thấp hơn so với kết quả của năm 2019 song về cơ bản, chỉ tiêu này vẫn giữ được xu hướng tăng từ năm 2016 tới nay.

Có tới 73,8% doanh nghiệp cho biết các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp tại tỉnh, năm 2017 là 67%; 80% doanh nghiệp hài lòng với phản hồi và cách giải quyết của cơ quan chính quyền đối với những vướng mắc, khó khăn đã phản ánh, cao hơn đáng kể so với mức 76,7% của năm 2017.

Minh bạch cần tiếp tục cải thiện

Mặc dù môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã có chuyển biến tích cực trong thời gian vừa qua nhưng chất lượng thực thi cấp huyện thị và sở ngành vẫn là một điểm nghẽn lớn.

Cải cách hành chính có bước tiến song cần đẩy mạnh ở một số lĩnh vực. Tuy nhiên, nhìn chung chất lượng giải quyết TTHC (Thủ tục hành chính) đã có chuyển biến tích cực, theo phản ánh của các doanh nghiệp.

Đáng chú ý, số cuộc thanh, kiểm tra doanh nghiệp có xu hướng giảm. Tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra trùng lặp giảm đáng kể xuống còn 8,3% năm 2020 từ con số 14,1% của năm 2016, và giảm khá mạnh so với mức 25,6% năm 2015.

Tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra từ 5 cuộc/năm trở lên giảm từ 11,9% của năm 2016 xuống còn 3% của năm 2020.

Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết cán bộ lợi dụng công tác thanh, kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp đã giảm từ con số 18,9% năm 2017 xuống còn 14,3% năm 2020.

Theo báo cáo, việc tiếp cận thông tin quan trọng, bao gồm các tài liệu quy hoạch, đã có sự cải thiện song vẫn còn nhiều dư địa để chính quyền các địa phương tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận các loại thông tin quan trọng.

Doanh nghiệp gặp khó khăn nhất khi tiếp cận các loại thông tin sau: bản đồ, quy hoạch sử dụng đất (51%), kế hoạch đầu tư công (50%), tài liệu ngân sách (48%), quy hoạch ngành, lĩnh vực (47%), kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mới (45%), chính sách ưu đãi đầu tư (40%).

Ngay cả các văn bản pháp luật do tỉnh ban hành cũng có tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn khi tìm kiếm thông tin (24%).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đồng ý phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 9 ngày liên tục
8 giờ trước Sự kiện
Thủ tướng đồng ý với phương án Bộ LĐ-TB-XH đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 9 ngày liên tục.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo cáo PCI 2020: Chi phí không chính thức, phân biệt đối xử với DN giảm