“Tín dụng đen” đang trở thành một vấn đề nhức nhối, khiến bao người phải tan nhà nát cửa. Nhưng tại sao người dân vẫn cứ lao vào tín dụng đen, bất chấp lãi suất “cắt cổ”?

Bài cuối: ‘Tín dụng đen’ hoành hành vì tín dụng ‘sạch’ làm khó đủ kiểu!

Lưu Hảo | 25/01/2019, 10:26

“Tín dụng đen” đang trở thành một vấn đề nhức nhối, khiến bao người phải tan nhà nát cửa. Nhưng tại sao người dân vẫn cứ lao vào tín dụng đen, bất chấp lãi suất “cắt cổ”?

Thế chấp nhà cửa, vẫn không vay được tiền ngân hàng

Ông T., người dân ở P.An Hội, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, kể rằng, gia đình ông hành nghề mua bán bất động sản nhỏ lẻ để “kiếm cơm”. Một dạo, ông T. cần tiền mua 1 miếng đất ở cùng quận, nên liên hệ ngân hàng làm thủ tục vay vốn bằng hình thức thế chấp tài sản. Sau khi xem xét hồ sơ, nhân viên ngân hàng cho biết, ông T. không thể vay vốn. Bức xúc, ông T. đến ngân hàng hỏi lại, vì tài sản thế chấp là “sổ đỏ” nhà đất mà ông đang ở và sở hữu, nhưng lại không vay vốn được?

Theo giải thích của nhân viên ngân hàng, hiện nay, mỗi ngân hàng đều có quy định về… độ tuổi người vay vốn. Thường là tối đa 65 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ. Hiện nay, ông T. đã 63 tuổi, nếu như vay vốn, sẽ phải trả trong thời hạn 2 năm (đến năm 65 tuổi). Trong khi ông vay số tiền là 500 triệu đồng, rất khó để trả nợ trong thời gian ngắn như vậy. “Tui là công dân, đang rất khỏe mạnh, nhưng ngân hàng nói chỉ cho vay đến 60 tuổi, thật là vô lý, trong khi tui đã thế chấp tài sản hợp pháp cũng không vay được”, ông T. cho biết.

Sau nhiều lần thượng lượng, nhân viên ngân hàng tư vấn cho ông T. 1 giải pháp để “lách luật”. Theo đó, ông T. sẽ đứng ra ký bảo lãnh thế chấp tài sản, rồi nhờ 1 người thân trong gia đình có tên trong hộ khẩu đứng tên vay vốn. Để làm điều này, ông T. đã về nhà thủ thỉ với người con trai ruột (anh L.), sau đó, anh này đồng ý đứng tên vay tiền cho cha mình. Tuy nhiên, khi ông T. và con trai ra ngân hàng làm thủ tục, thì nhân viên lại yêu cầu phải có cả vợ anh L. cùng ký tên vay vốn mới được.

“Tui là con trai ruột, đứng ra vay vốn cho cha mình thì không nói. Đằng này họ bắt cả vợ tui phải cùng ký tên chịu trách nhiệm khoản vay. Điều này rất khó lòng, vì vợ tui là con dâu, lại không vay tiền nhưng phải ký nhận nợ. Quy định này rất vô lý, thậm chí gây lục đục trong gia đình. Tại sao cha tui đã thế chấp tài sản hợp pháp vẫn không vay được”, con trai ông T. bức xúc.

Trường hợp của ông H. ở Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ, còn tréo ngoe hơn. Ông H. năm nay 48 tuổi, đủ điều kiện xin vay ngân hàng theo hình thức thế chấp tài sản. Tuy nhiên, khi đem sổ đỏ đến ngân hàng làm thủ tục cũng không vay được.

Khi vay nóng, người vay phải làm hợp đồng chuyển nhượng tài sản trước, ra công chứng. Nếu không trả, chủ nợ sẽ ung dung lấy tài sản- Ảnh: Thanh Thanh

“Họ nói tui đủ tuổi vay vốn, rồi xuống nhà thẩm định. Tui tưởng mọi thứ đều xong, ai ngờ họ kêu phải chứng minh thu nhập. Tui kinh doanh bất động sản nhỏ lẻ, có khi bán được miếng đất lời vài trăm triệu, thậm chí cả tỉbạc. Nhưng họ nói nguồn thu nhập đó không chứng minh được qua giấy tờ. Rồi hỏi tui có lương hưu, có bảng lương hoặc có giấy phép kinh doanh gì không? Tui trả lời không, vậy là không vay được”, ông H. bức xúc.

Phía ngân hàng nói gì?

Theo giải thích của những cán bộ ngân hàng, những điều kiện trên đều thuộc quy định chung của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Một số nơi thông thoáng hơn thì độ tuổi tối đa được vay tiền là 75 tuổi. Tuy nhiên, khi thỏa mãn yếu tố này thì người vay phải chứng minh được qua giấy tờ là có nguồn thu nhập ổn định. Nếu không, cũng sẽ không thể vay vốn.

Khi PV đặt câu hỏi: “Họ đã thế chấp tài sản hợp pháp, sao lại không cho vay?”. Nhân viên trả lời rằng: “Việc thế chấp tài sản chỉ nhằm đảm bảo cho nguồn vốn vay, chứ không phải ngân hàng cho vay nhằm mục đích lấy tài sản. Do vậy, người vay cần phải chứng minh nguồn thu nhập ổn định để có thể trả vốn gốc và lãi hàng tháng”.

Những ngày thu thập thông tin cho bài viết, PV phát hiện ra một nghịch lý, là người dân có tài sản nhưng không vay được tiền, nhưng khi họ không có tài sản lại vay được khá dễ với hình thức vay tín chấp. Đây là hình thức vay rất phổ biến và đang được các ngân hàng, công ty tài chính mở rộng hoạt động. Mộtcông dân, chỉ cần có hợp đồng lao động, bảo hiểm, sim điện thoại lâu năm, hóa đơn điện nước… là có thể vay từ 10-70 triệu đồng.

Nếu là cán bộ công chức, quân nhân, công an… có “bảng lương đẹp” vào khoảng 15 triệu đồng/tháng, một số ngân hàng sẽ cho vay tối đa lên đến 300 triệu đồng. Đặc biệt, người vay chỉ cần sao kê thu nhập 3 tháng gần nhất, cộng thêm sao y một số giấy tờ như: hộ khẩu, chứng minh thư… là hoàn tất thủ tục. Thậm chí, ngân hàng không xuống nhà thẩm định, người thân trong gia đình (kể cả vợ, chồng, cha, mẹ…) đều không biết việc vay vốn này.

Tại sao không thế chấp tài sản lại được vay vốn rất dễ dàng với số tiền lớn. Còn những người có tài sản thế chấp lại vay tiền không được? Trả lời cho nghịch lý này, mộtnhân viên ngân hàng nói: “Mỗi hình thức vay đều có quy định riêng. Vay tín chấp, hiểu nôm na là vay vốn, thế chấp bằng uy tín. Trong trường hợp này, bên cho vay chỉ cần xác minh cá nhân vay vốn, có nơi thậm chí không cần tìm hiểu, xác minh người thân mà chỉ xem qua giấy tờ”.

Đơn giản hơn là họ chỉ gọi điện (số máy bàn) đến cơ quan công tác của người vay vốn để xác minh nơi làm việc. Sau đó, người vay sẽ nhận được một cuộc gọi thẩm định, nếu ổn thỏa là vay được tiền. Tuy nhiên, nói là dễ, nhưng không phải ai cũng vay được. Bởi thu nhập của mỗi người khác nhau, nên hạn mức cho vay cũng khác nhau. Quan trọng nhất là họ có thể chứng minh được bằng giấy tờ theo quy định hay không?

Điêu đứng vì vay nóng

Có tài sản thế chấp trị giá hàng tỉ đồng, nhưng đi vay ngân hàng vài trăm triệu mà không được; nhiều người dân buộc lòng tìm đến những nguồn vay nóng hoặc tín dụng đen.

Một nhóm tín dụng đen bị công an bắt- Ảnh: Thanh Nguyên

Ông T.ấm ức: “Do không vay được ngân hàng, tui phải nhờ người quen giới thiệu vay nóng bên ngoài. Tui và bên cho vay làm hợp đồng, sau đó, ra công chứng thế chấp tài nguyên, rồi nhận vay 500 triệu đồng với lãi suất 5%/tháng. Như vậy mỗi tháng tui phải đóng lãi tới 25 triệu đồng”. Vay được nửa năm, ông T. không còn kham nổi tiền lãi nên đã hỏi vay người thân để trả nợ, lấy sổ đỏ về. Giờ ông T. vẫn còn nợ những người xung quanh số tiền khá lớn.

Trường hợp của bà K. (ở Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) còn bức xúc hơn. Do không vay được tiền ngân hàng, bà K. đi vay nóng 300 triệu đồng bên ngoài với lãi suất 6%/tháng. Được hơn nửa năm, bà K. hết khả năng đóng lãi, và chấp nhận bỏ luôn miếng đất thế chấp trước đó. “Miếng đất của tui có giá trị tới 500 triệu đồng, trong khi tui chỉ vay 300 triệu. Nhưng tiền lãi mẹ đẻ ra lãi con, từ vay 300 thành 500 triệu, tui phải bỏ luôn miếng đất cho chủ nợ”, bà K. nói.

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay, có rất nhiều trường hợp “ăn nên làm ra” nhờ vào hoạt động cho vay thế chấp tài sản như vừa nói. Anh V. - người ở Q.Ninh Kiều, chuyên làm nghề này, kể rằng: “Do người dân không vay được tiền ngân hàng nên họ tìm đến vay chỗ chúng tui. Khi vay, người vay vốn phải làm 1 hợp đồng sang tên tài sản (nhà, đất…) cho chủ nợ, ra công chứng. Sau đó, chủ nợ sẽ làm 1 bản giống như hợp đồng vay vốn. Trong đó thể hiện số tiền vay, lãi suất…”.

Đặc biệt là kèm theo điều khoản: “Nếu bên vay không đóng lãi, hoặc chậm đóng lãi thì người vay sẽ mất tài sản thế chấp cho chủ nợ”. Anh V. cho biết, nhiều trường hợp đóng lãi không nổi đã bỏ luôn tài sản. Do có sẵn hợp đồng chuyển nhượng, nên chủ nợ ung dung lấy tài sản này bán ra thị trường và kiếm lời thêm từ vài chục, có khi cả trăm triệu.

Ông T. bức xúc nói: “Người dân có tài sản lại vay vốn không được, buộc lòng phải đi vay nóng. Đây là điều rất vô lý. Nếu những quy định này không được sửa chữa, nó sẽ là một trong những nguyên nhân đẩy người dân vào tín dụng đen, do họ không thể tiếp cận được những nguồn vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng…”.

Song Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài cuối: ‘Tín dụng đen’ hoành hành vì tín dụng ‘sạch’ làm khó đủ kiểu!