Hiện nay, nhiều tàu cá ở cảng biển Gành Hào, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) đánh bắt không mang lại hiệu quả, giá cả các mặt hàng hải sản sụt giảm, khi chi phí cho chuyến đi tăng cao, trong đó có giá nhiên liệu.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Bạc Liêu: Chi phí sản xuất tăng, ngư dân gặp khó

Trần Khải 29/03/2024 10:59

Hiện nay, nhiều tàu cá ở cảng biển Gành Hào, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) đánh bắt không mang lại hiệu quả, giá cả các mặt hàng hải sản sụt giảm, khi chi phí cho chuyến đi tăng cao, trong đó có giá nhiên liệu.

Gành Hào là cảng biển sầm uất, nhộn nhịp bậc nhất tỉnh Bạc Liêu. Tuy nhiên, những ngày qua, không khí lao động nơi đây có phần trầm lắng, ghe tàu cập cảng ít hơn thường lệ. Thời điểm này, nhiều ngư dân địa phương cho phương tiện nằm bờ, nếu có ra khơi đánh bắt cũng chỉ vài ngày là vào đất liền do sản lượng thấp. Các hoạt động cung ứng hàng hóa cho tàu đánh cá như nước đá, nhiên liệu… cũng giảm mạnh.

ca-2.jpg
Hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân Gành Hào gần đây không hiệu quả

Là ngư dân có hơn 20 năm kinh nghiệm trong hoạt động trên biển, nhưng khi nói về tình hình đánh bắt thời gian gần đây, ông Võ Minh Hiếu (ngụ thị trấn Gành Hào) đã chia sẻ với nét mặt đầy trầm tư: “Tàu cá của gia đình vừa cập cảng sau chuyến đánh bắt gần 1 tháng nhưng lượng cá thu về ít, chỉ hơn 4 tấn, chủ yếu là cá nhỏ. Số cá đánh bắt chỉ bán được gần 600 triệu đồng, trong khi chi phí tiền nhiên liệu phục vụ cho chuyến đi đã ngốn hơn 500 triệu, đó là chưa kể phải trả công cho 12 lao động, mỗi người từ 7 đến 8 triệu đồng/chuyến”.

Theo ông Hiếu, chuyến biển này ông lỗ mấy chục triệu đồng. Từ đầu năm tới nay việc đánh bắt rất khó khăn do ngư trường khai thác bị thu hẹp. Theo lẽ thường nếu mất mùa thì được giá, nhưng đằng này giá các mặt hàng thủy sản hiện nay lại sụt giảm, như cá xanh chỉ có 9.000 đồng/kg, cá đù chả 11.000 - 12.000 đồng/kg, giảm mạnh so với thời gian trước.

Đáng nói, mặc dù số lượng hải sản đánh bắt và giá bán sụt giảm, ở chiều ngược lại, chi phí cho chuyến biển lại tăng lên, nhất là giá nhiên liệu. Ông Đặng Quốc Thùy ngụ thị trấn Gành Hào cho hay những chuyến biển gần đây đánh bắt kém hiệu quả, lượng cá bắt được giảm hơn 30% so với những năm trước. Với giá bán như hiện nay, hầu như các chuyến đi đều từ huề vốn đến thua lỗ chứ chẳng có lãi.

“Trước đây, giá dầu tầm 18.000 - 19.000 đồng/lít thì nay tăng lên hơn 21.000đồng/lít. Mỗi chuyến biển, cặp tàu đôi của gia đình cần đến hơn 20.000 lít dầu nên chi phí phải bỏ ra rất lớn. Ngoài ra, lao động khan hiếm, tiền công đi biển chủ tàu phải trả cho nhân công trung bình khoảng 10 triệu đồng/người/tháng và cùng với nhiều khoản chi phí khác”, ông Thùy nói.

Theo chủ một vựa cá lớn ở thị trấn Gành Hào, hoạt động đánh bắt trên biển hiện gặp nhiều khó khăn, lượng tàu cặp cảng bán hải sản rất ít. Các chuyến đi biển không mang lại hiệu quả như mong đợi nên nhiều tàu chấp nhận nằm bờ. Thông thường mùa này đánh bắt thuận lợi, sản lượng cao nhưng năm nay thì ngược lại, ngư dân rất khó khăn.

Ông Lê Thanh Đạm, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão tàu cá tỉnh Bạc Liêu cho hay thời điểm này hoạt động ở cảng cá khá trầm lắng. Lượng phương tiện, hàng hóa ra vào cảng trong quý 1/2024 chí có 383 lượt, lượng thủy sản qua cảng 4.974 tấn, chỉ đạt 16% so với kế hoạch năm 2024. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã cấp 24 giấy xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản đối với sản lượng 391 tấn.

ca.jpg
Chi phí tiền công lao động cũng tăng cao nên việc đánh bắt trên biển càng khó khăn

Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Mười chia sẻ, để giúp ngư dân yên tâm bám biển trong bối cảnh đánh bắt đang gặp khó khăn, đối với các tàu cá đủ điều kiện được UBND tỉnh xét duyệt triển khai chính sách hỗ trợ tiền dầu cho ngư dân đánh bắt xa bờ, mỗi chuyến biển sẽ được hỗ trợ từ 15 đến 70 triệu đồng, mỗi chủ tàu được nhận hỗ trợ không quá 4 chuyến/năm, điều này phần nào giúp ngư dân yên tâm bám biển.

Theo thống kê của địa phương, toàn tỉnh Bạc Liêu có 887 tàu cá đăng ký, đăng kiểm với tổng công suất 204.492 CV, có 5.636 thuyền viên. Số lượng thủy sản khai thác được trong quý 1/2024 ước đạt hơn 31.700 tấn, trong đó tôm trên 2.570 tấn, còn lại là cá và thủy sản khác.

Bài liên quan
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bạc Liêu: Chi phí sản xuất tăng, ngư dân gặp khó