Từ khi đưa vào hoạt động, hệ thống cống âu thuyền Ninh Quới ở huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) đã phát huy hiệu quả trong việc ngăn mặn, giữ ngọt, đóng góp quan trọng vào hoạt động sản xuất nông nghiệp cho nhiều tỉnh vùng ĐBSCL.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Bạc Liêu: Cống âu thuyền Ninh Quới phát huy hiệu quả trong việc ngăn mặn, giữ ngọt

Trần Khải 27/03/2024 22:00

Từ khi đưa vào hoạt động, hệ thống cống âu thuyền Ninh Quới ở huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) đã phát huy hiệu quả trong việc ngăn mặn, giữ ngọt, đóng góp quan trọng vào hoạt động sản xuất nông nghiệp cho nhiều tỉnh vùng ĐBSCL.

Cống âu thuyền Ninh Quới do Bộ NN-PTNT quyết định đầu tư, được khởi công xây dựng vào cuối tháng 11.2018 và dự kiến hoàn thành tháng 4.2021. Tuy nhiên, do tính chất cấp bách nên chủ đầu tư đã đẩy nhanh tiến độ và đưa công trình vào sử dụng sớm hơn 1 năm so với dự kiến ban đầu. Từ khi đưa vào sử dụng tháng 1.2020, hệ thống cống âu thuyền Ninh Quới đã phát huy hiệu quả các tính năng, bảo vệ vùng ngọt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nhiều tỉnh vùng ĐBSCL.

nq3.jpeg
Sau hơn 3 năm hoạt động, cống âu thuyền Ninh Quới đã phát huy được hiệu quả ngăn mặn, giữ ngọt

Theo ông Ngô Nguyên Phong, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, khi cống âu thuyền Ninh Quới được đóng lại, nước mặn sẽ không xâm nhập đến vùng ngọt chuyên sản xuất lúa của thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng), ngược lại sẽ được đẩy vào sâu khu vực nuôi trồng thủy sản của huyện Hồng Dân (Bạc Liêu). Quá trình điều tiết nước sẽ đáp ứng được lượng nước cũng như độ mặn phù hợp cho khu vực sản xuất lúa - tôm tại Ngã Ba Đình, Vĩnh Lộc, Vĩnh Lộc A, Lộc Ninh, huyện Hồng Dân.

Vụ lúa đông xuân năm nay, gia đình ông Phạm Văn Vọng (ngụ xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân) xuống giống hơn 4ha. Nhờ thực hiện đúng lịch thời vụ theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, gia đình ông Vọng thu hoạch lúa đạt năng suất cao, trung bình từ 8,4 - 8,5 tấn/ha. Với giá bán 8.300 đồng/kg, trừ các chi phí sản xuất thì ông Vọng lãi hơn 60 triệu đồng/ha.

“Trước khi cống âu thuyền Ninh Quới chưa đưa vào hoạt động, nguồn nước mặn từ cống Hộ Phòng, thị xã Giá Rai (Bạc Liêu) tràn về. Để ngăn chặn xâm nhập mặn, người dân địa phương phải đắp đập tạm, từ đó không đủ nước ngọt bơm xuống ruộng”, ông Vọng nói.

Theo ông Vọng, khoảng 3 năm trở lại đây khi cống âu thuyền Ninh Quới được đưa vào hoạt động, vào mùa nước mặn đổ về thì cống sẽ đóng lại. Khi đó, nước ngọt từ thị xã Ngã Năm chảy xuống rất dồi dào. Điều này không những giúp người dân sản xuất nông nghiệp thuận lợi, còn giúp cho việc vận chuyển máy móc phục vụ thu hoạch, tiêu thụ lúa được dễ dàng. Từ khi có hệ thống cống này, vụ nào trồng lúa cũng trúng mùa.

nq2.jpg
Cống âu thuyền Ninh Quới đã làm tốt vai trò điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho nhiều tỉnh vùng ĐBSCL

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải (ngụ xã Ninh Quới A), trước khi có cống âu thuyền Ninh Quới, vào mùa khô hạn thì nước mặn thường thấm sâu vào nội đồng. Bà con liều bơm nước từ bên ngoài vào nhưng không bao lâu thì lúa bị héo úa dần rồi hư hết. “Từ khi có cống này, nông dân không chỉ trồng lúa hiệu quả mà các hoạt động sản xuất khác cũng thuận lợi vì không phải lo thiếu nước ngọt”, ông Hải nói.

Phó chủ tịch UBND xã Ninh Quới A Nguyễn Văn Khởi cho hay, trước đây, mỗi khi vào vụ lúa đông xuân và hè thu, địa phương phải cho đắp đập vì sợ nước mặn xâm nhập nội đồng. Do đó, không thể lấy nước ngọt từ kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp về, chủ yếu là sử dụng nguồn nước tích trữ từ các kênh, rạch bên trong đập.

Sau khi cống âu thuyền Ninh Quới được xây dựng, các tuyến kênh xung quanh cũng được đầu tư các cống nhỏ và bê tông hóa đồng bộ giúp kiểm soát mặn hiệu quả. Việc vận hành các cống luôn được chủ động để lấy nước theo lịch điều tiết nước của Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu đều đặn 2 tuần/lần. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp của bà con địa phương rất thuận lợi.

Ông Nguyễn Kỳ Phong, cán bộ Trung tâm quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Những năm trước đây vào thời điểm hiện nay thì mặn đã xâm nhập rồi, thậm chí vào sâu nội đồng hơn 10km, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp của địa phương”.

Là địa phương được hưởng lợi từ cống âu thuyền Ninh Quới, ông Hồng Minh Nhật, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ngã Năm đánh giá: “Kể từ khi cống âu thuyền Ninh Quới đưa vào vận hành đến nay đã hơn 3 năm, công trình đã đáp ứng được việc ngăn mặn từ tuyến kênh xáng Phụng Hiệp chảy về địa phương. Nếu không có cống âu thuyền Ninh Quới thì vùng ngọt của Ngã Năm chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng lớn”.

nq.jpg
Nhờ điều tiết nước được thuận lợi nên việc sản xuất nông nghiệp của bà con có hiệu quả cao

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, bài học kinh nghiệm của các đợt hạn mặn khốc liệt vào các năm 2015 - 2016, 2019 - 2020 nên tỉnh Bạc Liêu đã quyết liệt trong công tác chỉ đạo phòng chống hạn mặn. “Đến thời điểm cuối tháng 3.2024, tình hình hạn mặn trong mùa khô 2023 - 2024 tại các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn được kiểm soát, đảm bảo an toàn cho việc sản xuất của bà con”, ông Thiều khẳng định.

Theo thông tin từ ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, trong vụ lúa đông xuân 2023 - 2024, địa phương đã xuống giống hơn 45.000ha. Đến nay, tỉnh đã thu hoạch hơn 10.000ha, năng suất bình quân đạt 8 - 8,5 tấn/ha, dự kiến sẽ thu hoạch dứt điểm vào cuối tháng 4. Đối với vụ lúa - tôm, toàn tỉnh xuống giống hơn 46.850ha, hiện đã thu hoạch dứt điểm, năng suất bình quân đạt hơn 5,8 tấn/ha.

Bài liên quan
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bạc Liêu: Cống âu thuyền Ninh Quới phát huy hiệu quả trong việc ngăn mặn, giữ ngọt