Đối mặt với lần chạm mức trần nợ công thứ 4 kể từ năm 1995, chính phủ Mỹ đang cố ngăn kịch bản vỡ nợ xảy ra vào đầu tháng tới.
Tổng thống Joe Biden sẽ gặp các nghị sĩ dẫn đầu quốc hội vào cuối tuần để đàm phán dỡ bỏ hoặc nâng mức trần nợ. Vỡ nợ dự kiến đem lại hậu quả thảm khốc: công ty tài chính Moody’s Analytics cảnh báo gần 8 triệu người có thể mất việc làm nếu khủng hoảng kéo dài nhiều tháng.
Đảng Cộng hòa hiện kiểm soát Hạ viện Mỹ yêu cầu chính phủ cắt giảm chi tiêu và điều chỉnh chương trình an sinh xã hội thì mới đồng ý nâng mức trần nợ. Tổng thống Biden vẫn đòi hỏi nâng mức trần vô điều kiện.
Để đạt lợi ích lớn nhất, hai bên, đặc biệt là Tổng thống Biden, có thể học hỏi kinh nghiệm từ 3 khủng hoảng trần nợ công trước đây. Nhà đương kim lãnh đạo Mỹ từng là thượng nghị sĩ lúc khủng hoảng thứ nhất xảy ra, ở 2 lần sau ông giữ chức phó tổng thống.
1995 - 1996
Trước những năm 1995, vấn đề mức trần nợ công thường được giải quyết một cách êm đẹp. Mức trần từng được điều chỉnh đến 78 lần kể từ năm 1960.
Nhưng năm 1995 - trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Bill Clinton - lại không được như vậy. Thời điểm đó đảng Cộng hòa giành chiến thắng tại cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ để giành quyền kiểm soát cả Hạ viện lẫn Thượng viện Mỹ . Tân Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich buộc Tổng thống Clinton thông qua một ngân sách cân bằng hơn, nếu không sẽ để Mỹ vỡ nợ lần đầu tiên.
Sau 21 ngày chính phủ ngừng hoạt động, Chủ tịch Gingrich đồng ý đề xuất ngân sách từ Tổng thống Clinton cũng như nâng mức trần nợ.
2011
Lịch sử lặp lại khi đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện Mỹ vào giữa nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Barack Obama. Chủ tịch Hạ viện John Boehner cũng yêu cầu cắt giảm chi tiêu đổi lấy nâng mức trần nợ.
Hai bên giữ vững lập trường cho đến thời khắc cuối cùng, khiến thị trường tài chính náo loạn. Tổ chức xếp hạng Standard & Poor's lần đầu tiên hạ mức tín nhiệm của Mỹ.
Cuối cùng Tổng thống Obama và đảng Cộng hòa đạt thỏa thuận cắt giảm chi tiêu. Ông Obama ký Đạo luật kiểm soát ngân sách vào ngày 2.8, đúng ngày Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo nước này sẽ vỡ nợ.
2013
Chủ tịch Boehner một lần nữa yêu cầu Tổng thống Obama cắt giảm chi tiêu đổi lấy dỡ bỏ mức trần nợ. Nhưng lần này Tổng thống Obama từ chối đàm phán, đảng Cộng hòa chịu nhượng bộ.
Khủng hoảng hiện tại
Một số chuyên gia nhận định nguy cơ giới nghị sĩ tính toán sai, không đạt thỏa thuận ngày càng tăng. Đầu tháng qua nhà phân tích Mark Zandi (Moody’s Analytics) đánh giá nguy cơ vỡ nợ ở mức 10%.
Không như năm 2011, thị trường chưa thể hiện sự lo lắng nào trước khả năng không đạt được thỏa thuận. Ông Zandi lo lắng tình trạng này có thể Mỹ rơi vào cảnh vỡ nợ vì giới nghị sĩ chỉ bị hối thúc hành động khi thị trường hỗn loạn.