Kinh tế toàn cầu có thể phải hứng chịu những hậu quả vô cùng nghiêm trọng nếu Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới bị vỡ nợ.

Kịch bản thảm khốc nếu nước Mỹ vỡ nợ

Hoàng Vũ (theo CNN) | 17/05/2023, 22:15

Kinh tế toàn cầu có thể phải hứng chịu những hậu quả vô cùng nghiêm trọng nếu Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới bị vỡ nợ.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hồi đầu năm nay đã đưa ra cảnh báo rằng thất bại trong việc thực hiện nghĩa vụ của chính phủ sẽ gây ra tác hại không thể khắc phục đối với nền kinh tế Mỹ, cũng như ảnh hưởng tới sinh kế người dân Mỹ và sự ổn định của nền tài chính toàn cầu.

Thảm họa nếu Mỹ vỡ nợ

Trong một bức thư mới nhất gửi các nhà lập pháp tại quốc hội Mỹ hôm 15.5, bà Yellen một lần nữa nhấn mạnh về lời cảnh báo của mình. Bà cho biết nước Mỹ có thể vỡ nợ ngay sau ngày 1.6, nếu các nghị sĩ lưỡng đảng và Nhà Trắng không đạt được đồng thuận về việc nới giới hạn nợ công.

"Chúng ta đã có được những bài học về giới hạn trong quá khứ rằng việc đợi đến phút chót để dừng hoặc tăng giới hạn nợ có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, làm tăng lãi vay ngắn hạn đối với người nộp thuế cũng như tác động tiêu cực lên xếp hạng tín nhiệm của Mỹ", bà Yellen cho biết hôm 15.5.

vo-no.png
Nền kinh tế toàn cầu có thể phải đối mặt với hậu quả thảm khốc nếu Mỹ vỡ nợ - Ảnh: Twitter

Nước Mỹ đã đối mặt với nguy cơ vỡ nợ gần như thường trực những năm qua do ngân sách quốc gia liên tục bị thâm hụt, khoảng 6% mỗi năm, nên chính phủ nước này buộc phải vay nợ để chi tiêu công.

Việc vay nợ diễn ra từ dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump và kéo sang thời kỳ đầu trong nhiệm kỳ của người tiền nhiệm Joe Biden để giúp ứng phó với COVID-19, cũng như tác động của đại dịch gây ra cho thị trường lao động và chuỗi cung ứng. Ngoài ra còn có các khoản chi tiêu đột xuất như viện trợ quân sự khổng lồ cho Ukraine hay chi tiêu đảm bản an ninh biên giới.

Việc Mỹ vỡ nợ có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái và khiến thị trường chứng khoán lao dốc nghiêm trọng. Hơn một nửa số dự trữ ngoại tệ của thế giới hiện nay là đồng USD. Do đó, bất kỳ tác động nào đến vào nền kinh tế Mỹ, cho dù do vỡ nợ hay mất ổn định, đều có thể khiến các nhà đầu tư mất niềm tin và bán trái phiếu kho bạc Mỹ làm giảm giá trị đồng USD, khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới suy yếu nhanh chóng.

Hệ quả tất yếu là những đợt cắt giảm việc làm khiến chính phủ liên bang Mỹ điêu đứng khi không có đủ phương tiện hay nhân lực để tiếp tục duy trì tất cả các hoạt động. Lãi vay đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ cũng tăng lên.

Ngoài ra, việc Mỹ vỡ nợ cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của chính phủ cho các khoản an sinh xã hội, hỗ trợ y tế, trợ cấp cựu chiến binh và quân đội của chính phủ Mỹ. Hậu quả sẽ gây tổn hại đến vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ và khả năng bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia.

Phát biểu với báo giới mới đây, Giám đốc truyền thông của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - bà Julie Kozack cho rằng hệ quả sẽ là rất nghiêm trọng không chỉ đối với kinh tế Mỹ mà còn với toàn cầu nếu Mỹ vỡ nợ. Bà cảnh báo về các nguy cơ nghiêm trọng như chi phí vay mượn tăng, bất ổn tài chính toàn cầu và những tác động về kinh tế khác.

Giới chuyên gia cho rằng các quốc gia đang phát triển là những nơi dễ bị tổn thương nhất. Việc giá trị của đồng USD vốn đang giữ vị trí thống trị này giảm đột ngột sẽ khiến các nền kinh tế đang phát triển có nợ công cao phải trả nợ nhiều hơn, các khoản nợ bằng ngoại tệ khác cũng tăng lên khiến những nước này đứng trước nguy cơ khủng hoảng nợ.

Các CEO phố Wall kêu gọi Nhà Trắng, quốc hội ngăn chặn vỡ nợ

Theo CNN, trong một bức thư gửi tới Tổng thống Joe Biden và các nhà lập đảng Cộng hòa, Dân chủ tại lưỡng viện Mỹ hôm 16.5, gần 150 nhà giám đốc điều hành, lãnh đạo cấp cao của các công ty lớn nhất nước Mỹ, bao gồm Goldman Sachs, Pfizer, Nasdaq… đã thúc giục các bên thống nhất trong việc đạt được thỏa thuận nâng trần nợ và tránh một kịch bản tàn khốc có thể xảy ra.

“Chúng tôi viết lá thư này để nhấn mạnh những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra nếu chính phủ liên bang không nhanh chóng thực thi các nghĩa vụ để nâng mức nợ công. Nếu không có nghị quyết, chính phủ có thể sẽ cạn tiền ngay sau ngày 1.6. Chấm dứt cuộc khủng hoảng nợ công là điều cấp bách nhất hiện tại…

Nền kinh tế Mỹ nhìn chung vẫn đang đứng vững, song lạm phát cao đã tạo ra những căng thẳng trên hệ thống tài chính, trong đó có các vụ phá sản ngân hàng trong thời gian qua. Những điều tồi tệ hơn nhiều có thể xảy ra nếu nước Mỹ vỡ nợ. Điều đó sẽ làm suy yếu vị thế của nước Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu”, bức thư cho hay.

Bức thư được đưa ra chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Biden chuẩn bị gặp 4 thành viên hàng đầu của quốc hội để cố gắng đạt được bước tiến mới trong thỏa thuận nâng trần nợ và tránh vỡ nợ.

Quốc hội Mỹ đang chịu trách nhiệm cho việc dỡ bỏ giới hạn vay của chính phủ liên bang, song vẫn còn bất đồng giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ về việc thắt chặt chi tiêu. Đảng Cộng hòa chỉ đồng ý nâng trần nợ công 31.400 tỉ USD nếu kết hợp với việc cắt giảm mạnh chi tiêu, trong khi phe Dân chủ muốn nâng giới hạn vay vô điều kiện.

Các nhà quan sát cho rằng, dù cả lưỡng đảng Mỹ đều tỏ ra khá cứng rắn về lập trường đàm phán, khả năng cao các bên sẽ có thể đạt được nhượng bộ nhất định vào phút chót để tránh tình trạng chính phủ Mỹ vỡ nợ.

Bài liên quan
Toan tính của Mỹ khi điều ‘pháo đài bay’ B-52 gần biên giới Nga
Việc Mỹ triển khai máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress gần biên giới Nga đã gây chú ý đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa NATO và Moscow.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kịch bản thảm khốc nếu nước Mỹ vỡ nợ