Các nước Đông Nam Á dự kiến sẽ hoan nghênh đề xuất đàm phán một thỏa thuận không tấn công lẫn nhau với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, nhưng một nhà phân tích cảnh báo đàm phán kéo dài sẽ là cớ để Bắc Kinh càng hành động hung hăng hơn.

ASEAN và Trung Quốc có tránh được vũ lực trong tranh chấp Biển Đông?

02/08/2018, 12:49

Các nước Đông Nam Á dự kiến sẽ hoan nghênh đề xuất đàm phán một thỏa thuận không tấn công lẫn nhau với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, nhưng một nhà phân tích cảnh báo đàm phán kéo dài sẽ là cớ để Bắc Kinh càng hành động hung hăng hơn.

Trung Quốc xây thành phố vũ trang trên Đá Xubi - Ảnh: AP

Trên đây là nhận định của hãng tin AP, trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Ngoại Giao ASEAN (AMM) lần thứ 51 khai mạc ngày 1.8 và kết thúc ngày 4.8 tới ở Singapore.

Các nước tranh chấp Biển Đông sẽ tránh được chiến tranh bằng COC?

Tình hình Biển Đông là nội dung không thể thiếu tại Hội nghị AMM 51, sau khi Hiệp hội 10 nước Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc hồi tháng 5 đã hoàn tất dự thảo khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Trước thềm hội nghị, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah cho biết ông muốn nhanh chóng hoàn tất thảo luận COC, và ông nhận định việc Bắc Kinh xây dựng trái phép và triển khai vũ khí trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông khiến các nước ASEAN lo ngại.

Ông Saifuddin nhấn mạnh: “Tất cả các bên cần tránh những bước đi khiêu khích, có thể gây căng thẳng trong lúc tự kiềm chế và tránh các hành động quân sự", đồng thời nhận định COC hiệu quả hơn Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) trong việc bảo đảm hòa bình tại vùng biển quan trọng với hoạt động thương mại toàn cầu này.

Ngoại trưởng Malaysia nói DOC được Trung Quốc và ASEAN ký kết hồi năm 2002, nhưng hầu như không hiệu quả.

Theo AP, việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông đã gây tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam, Brunei, Malaysia, Philippines (4 thành viên ASEAN) và Đài Loan.

Hãng tin Mỹ nêu dự kiến nhóm tranh chấp này sẽ tuyên bố một thỏa thuận với Bắc Kinh về COC, một bộ quy tắc nhằm đề phòng tranh chấp kéo dài không đẩy đến một cuộc chiến tranh.

AP cho biết đã có được bản nháp một Tuyên bố chung hậu AMM lần thứ 51, trong đó nêu các Bộ trưởng Ngoại giao sẽ hoan nghênh “sự hợp tác giữa ASEAN với Trung Quốc được cải thiện, đạt được những tiến bộ đáng kể trong đàm phán, nhằm hướng tới việc sớm đạt đến một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông theo đúng khung thời gian mà tất cả các bên đồng nhất trí”.

Ngày 31.7, Ngoại trưởng Alan Peter Cayetano của Philippines nói cuộc đàm phán về COC có thể kết thúc trong năm 2018 hoặc năm 2019, nhưng các nhà ngoại giao châu Á khác không lạc quan như thế, theo AP. Một số Bộ trưởng sẽ nhắc lại quan ngại việc Trung Quốc cải tạo 7 bãi san hô tranh chấp thành đảo nhân tạo, gồm 3 bãi đã có đường băng cho máy bay cất - hạ cánh, và nay chúng giống như các thành phố nổi được vũ trang hạng nặng, bao gồm tên lửa phòng không.

Bắc Kinh đang bị chỉ trích mạnh vì hành động quân sự hung hăng này, nhưng Trung Quốc tuyên bố có quyền xây dựng trên “lãnh thổ” của họ và sẵn sàng bảo vệ với bất kỳ giá nào.

Vẫn theo bản dự thảo Tuyên bố chung vốn không nêu tên Trung Quốc, nhưng phản ánh sự phân hóa trong nội bộ ASEAN về vấn đề nhạy cảm Biển Đông, thì các Bộ trưởng “ghi nhận sự quan ngại mà vài quốc gia thành viên ASEAN đã bày tỏ về hoạt động cải tạo đất trên Biển Đông của Trung Quốc, điều đã làm xói mòn sự tin cậy lẫn nhau, làm tăng căng thẳng và có thể đe dọa hòa bình, an ninh và sự ổn định của khu vực”.

AP cho biết Lào và Campuchia, hai quốc gia thành viên ASEAN, đã phản đối việc dùng ngôn ngữ mạnh để phản đối Trung Quốc trong việc tranh chấp Biển Đông.

Ông Greg Poling, chủ nhiệm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI, trụ sở ở Mỹ) có nhiệm vụ theo dõi tình hình Biển Đông, nói việc đề cao dự thảo COC tại AMM sẽ “mang tính sân khấu chính trị hơn là có thực chất vào thời điểm này”, vì nó thiếu sự thỏa thuận về những lĩnh vực thuộc COC, và liệu thỏa thuận này có hiệu lực pháp lý, sau hơn 15 năm đàm phán?

Ông Poling nói nếu không có sự nhượng bộ lớn, nhất là sự nhượng bộ từ Bắc Kinh, cuộc đàm phán COC sẽ kéo dài lê thê, trong khi Trung Quốc vẫn tăng hành động để khẳng định chủ quyền Biển Đông “mà không phải trả giá đắt, vì tiến trình COC cho họ cái cớ để tuyên bố họ muốn tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình và công bằng”.

Ngoại trưởng Mỹ - Triều sẽ nói chuyện với nhau ở ARF?

Ngoài vấn đề Biển Đông, Hội nghị AMM lần thứ 51 cũng thảo luận những vấn đề nóng của thế giới, như thương mại tự do, sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Theo AP, các Bộ trưởng ASEAN cũng sẽ hoan nghênh việc hai miền Triều - Hàn hòa hoãn, cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và người đồng nhiệm Triều Tiên Ri Yong-ho đều sẽ dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) vào ngày 4.8, và các quan chức Mỹ cho biết có thể diễn ra cuộc gặp giữa hai ông Ri - Pompeo, để bàn vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Triều Tiên là thành viên thứ 27 của ARF, một diễn đàn từng tổ chức các cuộc gặp giữa các nhà ngoại giao Mỹ - Triều. Các quan chức Mỹ không xác định sẽ có cuộc nói chuyện giữa hai vị Ngoại trưởng, vào lúc có sự lo ngại mới từ các quan chức tình báo Mỹ, rằng Triều Tiên đang tiếp tục chương trình tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có thể bắn tới lãnh thổ Mỹ.

Ngày 31.7, báo Washington Post đưa tin trên, đồng thời nêu các quan chức Triều Tiên đã bàn kế hoạch “lừa Mỹ” về tầm cỡ kho tên lửa hạt nhân và đầu đạn hạt nhân cùng cơ sở sản xuất của Bình Nhưỡng.

Theo Reuters, Ngoại trưởng Pompeo sẽ không gặp người đồng nhiệm Iran Mohammad Javad Zarif ở diễn đàn ARF.

Bảo Vĩnh (theo AP)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ASEAN và Trung Quốc có tránh được vũ lực trong tranh chấp Biển Đông?