Úc không chấp nhận Trung Quốc hành động hung hăng trên Biển Đông, nhưng vẫn đồng ý để hải quân Trung Quốc (PLAN) tham dự cuộc tập trận hải quân quốc tế Kakadu vào cuối tháng 8 này, với điều kiện PLAN không được bắn đạn thật.
Trong một thư điện tử ngày 1.8, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne giải thích hải quân Trung Quốc sẽ cùng 26 nước khác tập trận chung ở miền bắc Úc, nhưng không cho phép hải quân Trung Quốc tham gia bắn đạn thật.
Bà Payne không giải thích lý do, chỉ nói các nước tham gia cuộc tập trận nhằm xây dựng mối quan hệ phòng thủ, nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho sự tin cậy lẫn nhau và hoạt động minh bạch.
Bộ trưởng Payne viết: “Chính phủ Úc quyết duy trì quan hệ trên tinh thần xây dựng dài hơi với Trung Quốc, dựa trên các quyền lợi chung và tôn trọng lẫn nhau. Úc - Trung đã xây dựng quan hệ phòng thủ tích cực, tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Trung Quốc dự kiến tham gia nhiều hoạt động gồm liên lạc giữa các tàu, tiếp nhiên liệu và triển khai lực lượng trên biển và tuần tra”.
Năm 2016, Trung Quốc là quan sát viên cuộc tập trận chung Kakadudo Úc tổ chức 2 năm/lần. Theo báo Australian Financial Review, năm nay PLAN sẽ cử một tàu hộ vệ tham dự cuộc tập trận Kakadu
Anh không tham gia cuộc tập trận chung này, nhưng Úc có mời đồng minh Mỹ vốn từng loại PLAN khỏi cuộc tập trận chung rầm rộ Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) hồi tháng 5, như một phản ứng của Mỹ trước việc Bắc Kinh ngang ngược xây các đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông và quân sự hóa chúng.
Úc đã thể hiện sự ủng hộ ngoại giao với kế hoạch tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông, trong khi tàu chiến Úc cũng đã có nhiều lần đối đầu với tàu chiến Trung Quốc ở Biển Đông hồi tháng 4.
Cuộc tập trận chung Kakadu sẽ bắt đầu từ cuối tháng 8 này, kéo dài đến giữa tháng 9 tới, diễn ra trên vùng biển chiến lược phía bắc Darwin, nơi mà chính quyền thành phố đã cho một công ty tư nhân Trung Quốc thuê một cảng biển, điều khiến Mỹ cực lực phản đối Úc.
Theo Reuters, Úc đã gởi lời mời Trung Quốc tập trận chung Kakadu hồi tháng 9.2017, một dấu hiệu mà các nhà phân tích cho rằng có dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng Úc - Trung.
Việc PLAN tham dự cuộc tập trận chung Kakadu cũng vào lúc quan hệ Úc - Trung xuống thấp. Bắc Kinh tức vì luật cấm nước ngoài can thiệp của chính phủ Thủ tướng Turnbull, Úc lo ngại tình hình Biển Đông và dự án Một Vành Đai Một Con Đường của Trung Quốc nhằm tăng cường tầm ảnh hưởng với khu vực.
Chủ nhiệm Peter Jennings của Viện Chính sách chiến lược Úc nói: Chính phủ Úc muốn cho thấy sự tham gia của PLAN là một tín hiệu hạ nhiệt quan hệ song phương, nhưng cũng nhằm cho Bắc Kinh hiểu rõ hơn về quân sự phương Tây, cũng như cho thấy Úc là một thế lực lớn.
Ông Jennings còn nói cuộc tập trận còn để Trung Quốc đánh giá cao Úc cả về kinh tế lẫn quân sự. Ông cũng cho rằng Úc nên noi theo Mỹ, cắt quan hệ quân sự với Trung Quốc, để khẳng định PLAN sẽ phải trả giá khi quân sự hóa các đảo nhân tạo xây trái phép trên Biển Đông: “Trung Quốc chưa hề bị trừng phạt về những hậu quả từ những hành động mà họ gây ra”.
Bích Ngọc (theo Reuters, Australian Financial Times)