Apple đang cố gắng xoa dịu cuộc khủng hoảng ở Trung Quốc chỉ vài ngày trước khi ra mắt dòng iPhone 15.

Apple vật lộn với tình trạng bất ổn ở Trung Quốc trước khi ra mắt dòng iPhone 15

Sơn Vân | 08/09/2023, 14:05

Apple đang cố gắng xoa dịu cuộc khủng hoảng ở Trung Quốc chỉ vài ngày trước khi ra mắt dòng iPhone 15.

Đây là dự án đầy rủi ro và sẽ thử nghiệm xem các tính năng mới của dòng iPhone 15 có thể thúc đẩy ngành công nghiệp điện thoại di động thoát khỏi suy thoái không.

Buổi ra mắt sản phẩm dự kiến được phát trực tuyến trên toàn cầu từ trụ sở chính của Apple lúc 0 giờ ngày 13.9 (giờ Việt Nam), nhưng có nguy cơ bị lu mờ bởi tình trạng bất ổn ở Trung Quốc - thị trường quốc tế lớn nhất của Apple. Gã khổng lồ công nghệ Mỹ đang phải vật lộn với lệnh cấm các nhân viên chính phủ sử dụng iPhone ngày càng mở rộng và smartphone Mate 60 Pro của Huawei đang tạo ra sự cạnh tranh ở Trung Quốc.

Thế nhưng, mối đe dọa tiềm tàng lớn nhất với Apple có thể là điều gì đó mơ hồ hơn: Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc khiến người tiêu dùng tránh xa iPhone và các thiết bị mang nhãn hiệu nước ngoài khác.

Đây là điều mà Apple từng phải đối mặt trước đây. Gần 5 năm trước, Apple không đạt được dự báo doanh số iPhone XS và XR vào kỳ nghỉ lễ do doanh số bán hàng yếu ở Trung Quốc. Apple công khai đổ lỗi cho cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và nền kinh tế địa phương. Thế nhưng, trong email nội bộ gửi tới hội đồng quản trị công ty, Giám đốc điều hành Apple - Tim Cook trích dẫn chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc và sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các đối thủ địa phương.

Vào thời điểm đó, chính quyền Trump đã đưa Huawei vào danh sách đen thương mại và căng thẳng Mỹ - Trung khiến hoạt động của công ty nước ngoài phụ thuộc nhiều vào quốc gia châu Á này trở nên khó khăn. Doanh thu từ lĩnh vực dịch vụ của Apple giảm trong các năm tài chính 2019 và 2020 trước khi tăng trở lại vào 2021. Apple tạo ra khoảng 1/5 doanh thu từ Trung Quốc, cũng là trung tâm chuỗi cung ứng của công ty.

Câu hỏi bây giờ là liệu Apple có rơi vào tình cảnh tương tự như năm 2019 hay không. Các hạn chế ngày càng tăng của chính phủ Trung Quốc là dấu hiệu đáng lo ngại. Nhân viên các cơ quan chính phủ và công ty nhà nước đang bị cấm sử dụng iPhone trong văn phòng. Tin tức này khiến cổ phiếu của Apple sụt giảm trong hai ngày qua, làm giá trị thị trường mất 190 tỉ USD.

Người phát ngôn Apple (có trụ sở tại của thành phố Cupertino, bang California, Mỹ) từ chối bình luận.

apple-vat-lon-voi-tinh-trang-bat-ono-trung-quoc-truoc-khi-ra-mat-dong-iphone-15.jpg
Sự kiện Wonderlust (Dự kỳ diệu) ra mắt dòng iPhone 15 của Apple diễn ra lúc 0 giờ ngày 13.9 tới - Ảnh chụp màn hình

Các nhà làm luật Mỹ cũng đang giám sát những nhà cung cấp của Huawei, trong đó một số người kêu gọi tạm dừng xuất khẩu tất cả hàng Mỹ cho hãng công nghệ Trung Quốc này. Các nhà làm pháp Mỹ cho biết sự phẫn nộ mới nhất tập trung vào SMIC (hãng sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc) vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ khi sản xuất chip tiên tiến Kirin 9000s cho Mate 60 Pro của Huawei. Các nhà làm luật Mỹ cũng đã đề xuất cấm TikTok, thuộc sở hữu của tập đoàn ByteDance (Trung Quốc).

Trong bối cảnh đó, tâm lý chống Apple đã lan rộng trên mạng xã hội Trung Quốc. Cũng có suy đoán rằng China Mobile, nhà cung cấp dịch vụ không dây của nước này, sẽ không cung cấp dòng iPhone 15, nhưng công ty phủ nhận điều này.

Một video đăng trực tuyến hôm 6.9 cho thấy đám đông tại một cửa hàng Apple ở thành phố Quảng Châu (Trung Quốc), với những lời lẽ chống Apple.

Một người nói: “Chừng nào người tìm việc còn sử dụng điện thoại Apple, tôi sẽ không thuê họ”.

Những người khác viết rằng họ sẽ “không bao giờ mua điện thoại Apple nữa và sẽ tự hào khi mua Huawei”.

Một người nữa nói: “Tại sao chúng ta không thể cấm bán hàng Apple trong khi người Mỹ đã cấm Huawei?”.

Năm ngoái, Trung Quốc đã ra lệnh cho các cơ quan chính phủ và công ty nhà nước thay thế máy tính nước ngoài bằng sản phẩm trong nước trước năm 2024. Cho đến nay, động thái đó không gây ra nhiều rắc rối cho Apple vì chứng kiến hoạt động kinh doanh máy Mac của hãng tăng trưởng 17% trong quý 2/2023 tại Trung Quốc, theo số liệu từ công ty Canalys.

Những hạn chế nêu trên có thể là một phần của xu hướng lâu dài.

Nhà phân tích Amit Daryanani của công ty Evercore ISI cho biết trong một báo cáo hôm 7.9: “Các quan chức Trung Quốc có thể đã tránh sử dụng các sản phẩm của Mỹ tại nơi làm việc trong một thời gian dài trước khi lệnh cấm chính thức có hiệu lực”.

Nếu người tiêu dùng ở Trung Quốc đang muốn từ bỏ Apple, Mate 60 Pro của Huawei có thể là sự lựa chọn thay thế. Mate 60 Pro có màn hình và pin lớn hơn iPhone 15 Pro cao cấp sắp ra mắt. Smartphone 5G mới của Huawei cũng có camera độ phân giải cao và giá thành thấp hơn so với đối thủ tại Mỹ.

Tuy nhiên vẫn chưa có dấu hiệu của sự thay đổi toàn diện từ Apple trên thị trường điện thoại di động. Theo công ty nghiên cứu IDC, Apple là một trong số ít nhà cung cấp smartphone có doanh số tăng trưởng trong quý 2/2023. Công ty lớn hiếm hoi khác có mức tăng trưởng là Huawei, nhưng kết thúc giai đoạn này với thị phần nhỏ hơn Apple.

Hiện tại, thị trường Trung Quốc là điểm sáng của Apple trong thời điểm khó khăn. Tổng doanh số bán hàng của Apple đã giảm trong ba quý liên tiếp và doanh thu có nguy cơ giảm một lần nữa trong quý 3/2023. Nếu vậy, đó mức giảm dài nhất của Apple trong hai thập kỷ. Với những cải tiến như khung titan và camera cao cấp, dòng iPhone 15 có thể giúp Apple thoát khỏi tình trạng khó khăn đó.

Cuối cùng, Trung Quốc có động cơ để không đẩy lệnh cấm iPhone đi quá xa. Apple hỗ trợ hàng triệu công nhân trong nước và chính phủ Trung Quốc sẽ khó có thể trừng phạt công ty Mỹ mà không làm tổn hại đến người dân của họ.

Bài liên quan
Cổ phiếu Apple giảm sâu khi Trung Quốc cấm dùng iPhone tại một số cơ quan chính phủ
Cổ phiếu Apple sụt giảm tồi tệ nhất trong một tháng sau thông tin Trung Quốc ra lệnh cho quan chức và nhân viên tại một số cơ quan chính phủ không được sử dụng iPhone để làm việc hoặc mang smartphone của Apple vào văn phòng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Apple vật lộn với tình trạng bất ổn ở Trung Quốc trước khi ra mắt dòng iPhone 15