Những tuần gần đây, Trung Quốc đã mở rộng các biện pháp hạn chế cán bộ nhà nước sử dụng iPhone, yêu cầu nhân viên tại một số cơ quan chính phủ ngừng dùng iPhone tại nơi làm việc, theo các nguồn tin của Reuters.

Trung Quốc mở rộng biện pháp hạn chế cán bộ nhà nước dùng iPhone

Sơn Vân | 07/09/2023, 19:35

Những tuần gần đây, Trung Quốc đã mở rộng các biện pháp hạn chế cán bộ nhà nước sử dụng iPhone, yêu cầu nhân viên tại một số cơ quan chính phủ ngừng dùng iPhone tại nơi làm việc, theo các nguồn tin của Reuters.

Trong bối cảnh căng thẳng Trung – Mỹ leo thang, việc gia hạn lệnh cấm từng được áp dụng hơn hai năm trước báo hiệu những thách thức ngày càng tăng với công ty Mỹ vốn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc để tăng trưởng doanh thu và sản xuất.

Các nguồn tin Reuters cho biết nhân viên của ít nhất ba bộ và cơ quan chính phủ được yêu cầu không sử dụng iPhone tại nơi làm việc. Các nguồn tin này từ chối tiết lộ danh tính vì tính nhạy cảm của tình hình.

Một trong các nguồn tin cho biết họ chưa được đưa ra một hạn chót cụ thể để ngừng sử dụng iPhone.

Trang SCMP cho biết lệnh này đã được ban hành vào tháng 8 cho nhân viên và quan chức tại các bộ chuyên về đầu tư, thương mại và quan hệ quốc tế.

Nhân viên tại các bộ này có thời hạn cho tới cuối tháng 9 để chuyển sang dùng smartphone của hãng khác cho công việc.

Theo các nguồn tin am hiểu tình hình, các hạn chế về việc sử dụng điện thoại không được áp dụng với tất cả các bộ và lệnh này chỉ nhắm tới iPhone (được thiết kế ở bang California, Mỹ) chứ không liên quan đến smartphone khác của các thương hiệu nước ngoài.

Theo dữ liệu từ công ty theo dõi thị trường công nghệ Counterpoint Research, iPhone là thương hiệu smartphone nước ngoài duy nhất có thị phần vượt trội ở Trung Quốc, cụ thể là chiếm 17,2% thị phần ở Trung Quốc, ngang bằng với nhà sản xuất điện thoại nội địa Oppo và chỉ đứng sau Vivo một chút.

Tờ Wall Street Journal dẫn lời những người quen thuộc với vấn đề này cho biết nhân viên tại một số cơ quan chính phủ đã nhận được hướng dẫn qua các nhóm trò chuyện và trong các cuộc họp để ngừng mang iPhone vào văn phòng.

Apple và Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện (nơi thay mặt chính phủ Trung Quốc xử lý các câu hỏi của giới truyền thông) không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận.

Hiện chưa rõ lệnh cấm được thực thi rộng rãi đến mức nào, nhưng nguồn tin thứ ba tại một trong ba bộ cho biết ông vẫn đang sử dụng iPhone và chưa nghe nói về lệnh cấm này.

Nguồn tin thứ tư, tại một cơ quan quản lý của Trung Quốc, cho biết họ không bị cấm rõ ràng nhưng thông báo rằng nhân viên sẽ phải chịu trách nhiệm nếu có bất kỳ vấn đề nào xảy ra với việc sử dụng iPhone của họ.

Theo nguồn tin thứ năm, tại một cơ quan quản lý khác, hai năm trước, các nhân viên cấp cao đã được yêu cầu đổi iPhone lấy smartphone sản xuất trong nước, chẳng hạn Huawei.

trung-quoc-mo-rong-viec-han-che-can-bo-nha-nuoc-dung-iphone.jpg
Camera giám sát được nhìn thấy gần biển quảng cáo iPhone tại một cửa hàng Apple ở Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc ngày 7.9 - Ảnh: Reuters

Vào năm 2020, ấn phẩm tài chính Economic Observer đưa tin một số cơ quan chính phủ đã thực hiện các quy định cấm quan chức sử dụng iPhone do các quy định nghiêm ngặt về quyền riêng tư của Apple khiến các quan chức chống tham nhũng khó tiếp cận và điều tra điện thoại của nghi phạm.

Cổ phiếu của Apple sụt giảm hôm 6.9 và 7.9 sau khi tờ Wall Street Journal lần đầu tiên đưa tin về động thái này, trong bối cảnh lo ngại về hành động ăn miếng trả miếng khi căng thẳng Trung - Mỹ gia tăng.

Hôm 7.9, Bloomberg đưa tin Trung Quốc có kế hoạch mở rộng lệnh cấm dùng iPhone với các công ty và cơ quan nhà nước, trích dẫn các nguồn tin.

Cổ phiếu của Apple và các nhà cung cấp giảm

Các nhà phân tích của ngân hàng Citi lưu ý rằng tin tức này cũng đã đè nặng lên cổ phiếu của các nhà cung cấp cho Apple. Họ cho rằng thị trường có thể đã "phản ứng thái quá với luồng tin tức trong bối cảnh niềm tin nhìn chung yếu đi", trích dẫn cổ phiếu của các nhà cung cấp cho Tesla sụt giảm như thế nào nhưng nhanh chóng phục hồi sau khi có tin Trung Quốc hạn chế ô tô điện của Tesla vào khu phức hợp quân sự vào năm 2021.

Trung Quốc là một trong những thị trường lớn nhất của Apple và tạo ra gần 1/5 doanh thu cho công ty Mỹ. Apple cùng với các nhà cung cấp của mình sử dụng hàng ngàn công nhân ở Trung Quốc và Giám đốc điều hành Tim Cook đã nhấn mạnh mối quan hệ lâu dài với nước này trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 3.

Apple đang có doanh số bán hàng mạnh mẽ ở Trung Quốc, đứng ở vị trí thứ ba về tổng doanh số smartphone trong quý 2/2023, một phần nhờ hoạt động kinh doanh di động của Huawei bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt từ Mỹ, theo công ty tư vấn Canalys. Qua đó, Apple trở thành nhà sản xuất smartphone cao cấp chính ở Trung Quốc.

Trung Quốc ngày càng nhấn mạnh việc sử dụng các sản phẩm công nghệ sản xuất trong nước, vì công nghệ đã trở thành vấn đề an ninh quốc gia lớn với Trung - Mỹ.

Các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp nhà nước (SOE) ở cả Mỹ lẫn Trung Quốc là những đối tượng đầu tiên và quan trọng nhất thúc đẩy một chiến dịch như vậy.

Phần lớn chiến dịch tập trung vào việc yêu cầu các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp do chính phủ hậu thuẫn thay thế các sản phẩm do nước ngoài sản xuất trong hệ thống CNTT của họ bằng các sản phẩm trong nước.

Nỗ lực thay thế đã được đẩy nhanh trong năm nay tại Trung Quốc sau khi cơ quan quản lý tài sản ban hành lệnh cho các doanh nghiệp nhà nước, yêu cầu họ phải hoàn thành các nhiệm vụ thay thế trước năm 2027 trong cơ sở hạ tầng CNTT quan trọng, chẳng hạn nền tảng phần mềm văn phòng.

Các đối thủ ở Trung Quốc của Apple bao gồm Xiaomi, Oppo và Vivo.

Tuần trước, Huawei đã tiết lộ chiếc smartphone Mate 60 Pro mới nhất của mình mà các hãng phân tích cho rằng có chứa chip 5G tiên tiến được phát triển trong nước và có thể đưa công ty này trở lại vị thế cạnh tranh với Apple.

Theo cuộc phân tích của TechInsights, SMIC đã sản xuất chip tiên tiến với khả năng 5G cho smartphone Huawei Mate 60 Pro. SMIC là nhà sản xuất chip số 1 Trung Quốc.

TechInsights cho biết SMIC đã sản xuất Kirin 9000s thông qua quy trình 7 nanomet, được gọi là nút N + 2, làm dấy lên suy đoán rằng công ty này đang âm thầm giúp Huawei vượt qua các lệnh trừng phạt công nghệ khắc nghiệt từ Mỹ. Điều này có thể khiến chính phủ Mỹ xem xét thực hiện hành động nhắm đến SMIC vì vi phạm các biện pháp trừng phạt thương mại hiện có.

Kể từ năm 2019, Mỹ đã hạn chế quyền tiếp cận của SMIC (có trụ sở tại thành phố Thượng Hải) với các hệ thống in thạch bản cực tím - thiết bị sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới do ASML (Hà Lan) sản xuất.

Theo Tilly Zhang, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics (Hồng Kông), “lời giải thích hợp lý nhất” cho Kirin 9000s trên Huawei Mate 60 Pro là SMIC đã sử dụng thiết bị quang khắc tia cực tím sâu (DUV) hiện có để chế tạo chip.

Tilly Zhang nhận xét: “DUV cũng có thể được sử dụng để chế tạo chip tại các nút quy trình nhỏ hơn. Thường thì điều này không được xem xét là hợp lý về thương mại, nhưng không phải là không khả thi về mặt kỹ thuật”.

Bài liên quan
Tính năng hấp dẫn sẽ giúp iPhone 15 Pro Max bán chạy nhất dòng iPhone 15
Nhà phân tích nổi tiếng Ming-Chu Kuo dự đoán iPhone 15 Pro Max sẽ chiếm 35 - 40% đơn đặt hàng của dòng iPhone 15. Ông kỳ vọng iPhone 15 Pro Max sẽ bán chạy hơn 10 - 20% so với iPhone 14 Pro Max.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc mở rộng biện pháp hạn chế cán bộ nhà nước dùng iPhone