Gokul Hariharan - chuyên gia phụ trách nghiên cứu viễn thông, truyền thông và công nghệ tại châu Á - Thái Bình Dương của JPMorgan - nhận định tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu sẽ kéo dài đến năm 2022, kết thúc vào năm 2023.

Apple và nhiều hãng công nghệ bi quan về tình trạng thiếu chip, chuyên gia JPMorgan dự báo lạc quan

Cẩm Bình | 20/11/2021, 09:05

Gokul Hariharan - chuyên gia phụ trách nghiên cứu viễn thông, truyền thông và công nghệ tại châu Á - Thái Bình Dương của JPMorgan - nhận định tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu sẽ kéo dài đến năm 2022, kết thúc vào năm 2023.

JPMorgan là một trong những hãng dịch vụ tài chính lâu đời nhất trên thế giới. Công ty này có trụ sở tại thành phố New York (Mỹ), là đơn vị hàng đầu trong dịch vụ tài chính, lĩnh vực ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản.

Tình trạng thiếu hụt chip xảy ra từ cuối năm 2020 với nguyên nhân ban đầu do đại dịch làm gián đoạn nguồn cung. Song khi hoạt động sản xuất trở lại bình thường, nhu cầu sử dụng được thúc đẩy bởi đại dịch tăng vọt khiến tình trạng thiếu hụt kéo dài và ngày càng nghiêm trọng.

Hiện giá nhiều thiết bị điện tử đều tăng, không ít mặt hàng không thể sản xuất vì thiếu chip. Apple và nhiều hãng công nghệ lớn lao đao vì tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu. Nhiều nhà phân tích và nhà đầu tư bi quan nhận định tình trạng này sẽ kéo dài đến tận năm 2023.

Chuyên gia Hariharan lại có ý kiến khác: “Chúng tôi không cho rằng năm 2023 còn tình trạng thiếu hụt. Năm 2022 sẽ khó khăn hơn một chút, nửa đầu năm có thể tiếp tục thiếu hụt nhưng mọi thứ có thể cải thiện từ nửa cuối năm nhờ nhiều nguồn cung hơn. Nguồn cung không chỉ đến từ công ty đúc chip (foundry) mà còn từ nhà sản xuất thiết bị tích hợp (IDM). Tất cả IDM Mỹ và châu Âu đều đang mở rộng năng lực – rất nhiều trong số đó dự kiến đem lại nguồn cung từ giữa năm sau”.

Công ty đúc chip - tiêu biểu có TSMC (nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn thế giới của Đài Loan) - là đơn vị ký hợp đồng với đơn vị thiết kế (fabless) hoặc IDM sản xuất chip. Các hãng như AMD, Broadcom, Marvell, MediaTek, NVIDIA, Qualcomm là đơn vị thiết kế không sở hữu dây chuyền sản xuất; còn Intel, Samsung với khả năng tự thiết kế, sản xuất và bán chip chính là IDM.

global-chip-shortage-2000x1270-1(1).jpg
Nhiều đơn vị đang nâng cao năng lực phát triển và sản xuất chip - Ảnh: NME

Chuyên gia Hariharan chỉ ra 2 xu hướng tích cực của ngành bán dẫn trong 3 - 5 năm tới. Đầu tiên là xu hướng phân mảnh ở mảng chip cao cấp.

Các hãng công nghệ lớn như Apple, Amazon, Meta (tiền thân là Facebook), Tesla, Baidu đều đang cố từ bỏ các đơn vị sản xuất, chuyển hướng sang tự phát triển vài loại chip nhất định. Đáng chú ý có thể kể đến chip M1 Pro và M1 Max do Apple tự phát triển cho MacBook hạng nhẹ, thách thức những con chip hiệu suất tốt nhất của Intel.

Theo chuyên gia Hariharan, phân mảnh sẽ thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn. Mức tăng trưởng trong 3 - 5 năm tới ước tính đạt 15 - 20%.

Xu hướng thứ hai là nhiều công ty Trung Quốc tập trung vào loạt công nghệ “ngách” truyền thống. Họ sản xuất nhiều loại chip kém tân tiến hơn phục vụ cho lĩnh vực quản lý điện, vi điều khiển, cảm biến cùng vài thiết bị tiêu dùng.

“Chúng tôi nhận thấy ngày càng có nhiều công ty mọc lên ở Trung Quốc nhắm vào công nghệ 'ngách'. Nhu cầu tại chỗ rõ ràng là có, phần lớn công ty hiện chỉ mới đáp ứng được 5 - 10% nhu cầu, nên thị trường có thể tăng 5 đến 10 lần”, chuyên gia Hariharan nhận định.

Tình hình thị trường chip châu Á

Dữ liệu từ đơn vị phân tích Refinitiv Eikon chỉ ra rằng các công ty bán dẫn hàng đầu châu Á trong vài quý gần đây đều đạt mức tăng trưởng lợi nhuận hằng năm 2 con số.

Tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu dường như là cơ hội kiếm lời của các công ty. TSMC tăng 10% giá chip cao cấp, tăng 20% giá chip kém tân tiến hơn.

Song trên thị trường chứng khoán, trong khi cổ phiếu TSMC, MediaTek, UMC hay Renesas Electronics tăng 16 - 45% trong năm qua thì cổ phiếu Samsung (nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới nếu tính theo doanh thu) và SK Hynix lại giảm 13% và 6%.

Chuyên gia Hariharan giải thích chip bộ nhớ chiếm tỷ lệ đáng kể trong ngành chip châu Á, nhưng giá mặt hàng này đã giảm từ tháng 10, báo hiệu chu kỳ đi xuống. Samsung cùng SK Hynix chủ yếu sản xuất chip bộ nhớ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Apple và nhiều hãng công nghệ bi quan về tình trạng thiếu chip, chuyên gia JPMorgan dự báo lạc quan