NCIF cho rằng sức ép lạm phát toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục tăng và kéo dài trong những tháng cuối của năm 2022, do giá năng lượng và giá lương thực, thực phẩm tăng cao; tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu có thể kéo dài…

Áp lực lạm phát tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm

Lam Thanh | 30/10/2022, 10:59

NCIF cho rằng sức ép lạm phát toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục tăng và kéo dài trong những tháng cuối của năm 2022, do giá năng lượng và giá lương thực, thực phẩm tăng cao; tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu có thể kéo dài…

Kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm 2022 tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố phức tạp của kinh tế thế giới.

Theo Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới nói chung và kinh tế của các đối tác kinh tế thương mại lớn của Việt Nam không mấy lạc quan.

“Điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm trong nước”, NCIF nêu.

Trung tâm này cho rằng, Trung Quốc đang khó khăn trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao do thực hiện chiến lược zero-covid. Điều này cũng có thể làm ảnh hưởng đến đà tăng trưởng kinh tế chung của thế giới và của Việt Nam.

Một yếu tố khác là chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đặc biệt là đối với hoạt động xuất khẩu các mặt hàng điện, điện tử. Mặc dù Việt Nam không nhập khẩu những vật liệu này trực tiếp từ Nga và Ukraine, nhưng lại mua từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan, 3/4 đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Biến động giá năng lượng thế giới qua đó ảnh hưởng đến giá xăng dầu trong nước, làm tăng giá đầu vào của các doanh nghiệp, gây áp lực lên lạm phát và chi phí sản xuất, từ đó ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi của nền kinh tế của Việt Nam.

Cụ thể, khi giá dầu tăng lên mức 100 USD/thùng sẽ làm tăng trưởng kinh tế năm 2022 giảm 0,1%, tăng lạm phát 0,32 điểm% so với kịch bản cơ sở. Đối với các chỉ số vĩ mô khác, lạm phát năm 2022 sẽ tăng 0,49 điểm % so với kịch bản cơ sở.

NCIF cũng cho rằng sức ép lạm phát toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục tăng và kéo dài trong những tháng cuối của năm 2022. Nguyên nhân do giá năng lượng và giá lương thực, thực phẩm tăng cao; tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu có thể kéo dài; các chính sách hỗ trợ như giảm thuế, phí… hết hiệu lực dẫn đến giá cả tăng trở lại...

lp.jpg
Sức ép lạm phát tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tỷ lệ lạm phát trong năm 2022 ở các nền kinh tế phát triển sẽ lên tới 6,6%, tăng so với mức dự đoán 5,7% đưa ra hồi tháng 4. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát ở các nền kinh tế phát triển sẽ tiếp tục tăng trong một thời gian dài hơn so với dự đoán trước đây.

“Điều này gây áp lực lên giá cả, lạm phát và chi phí sản xuất trong nước, qua đó ảnh hưởng tới xu hướng phục hồi của doanh nghiệp, thị trường và kinh tế trong nước”, NCIF nêu.

Thêm vào đó, việc Fed tăng lãi suất sẽ tiếp tục gâp áp lực đến mặt bằng lãi suất và tỷ giá của Việt Nam, qua đó tác động tới tăng trưởng kinh tế và lạm phát của trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Nếu giả định Fed tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,75 điểm % lên mức 4% vào cuối năm nay có thể khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 giảm 0,15 điểm.

NCIF cho rằng, tác động tiêu cực có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 từ 0,3-0,7 điểm % tùy theo diễn biến chiến sự giữa Nga và Ukraine, ảnh hưởng tiêu cực của nó đến tốc độ hồi phục tăng trưởng tại các quốc gia lớn trên thế giới.

Trong những tháng còn lại của năm 2022, tình hình kinh tế, địa - chính trị thế giới còn rất nhiều phức tạp, diễn biến khó lường. Theo đó, giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ tình trạng phục hồi không đồng đều và tình trạng lạm phát cao do việc đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt năng lượng; tình hình cạnh tranh chiến lược, tăng cường các chính sách bảo hộ, phòng vệ thương mại…

Theo NCIF, 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025). Do đó cần có các chính sách, giải pháp điều hành mạnh mẽ, quyết liệt, phù hợp với bối cảnh mới để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, nền kinh tế, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đạt được các mục tiêu phát triển đề ra.

Cụ thể, cần thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn, thận trọng, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Quản lý chặt chẽ giá cả, thị trường, tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại; thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài.

Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; hoàn thiện tổ chức, bộ máy và sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ quan hành chính nhà nước.

Trên cơ sở đánh giá các yếu tố ảnh hưởng, NCIF dự báo tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 trong khoảng từ 8-8,5%, lạm phát ở mức khoảng 3,8% với giả thiết tình hình kinh tế thế giới và việc kiểm soát đại dịch tiếp tục được cải thiện; còn trong nước, tình hình dần trở lại ổn định, không phát sinh thêm biến thể mới gây gián đoạn sản xuất và giãn cách xã hội làm ảnh hưởng hoạt động cộng đồng doanh nghiệp và cuộc sống người dân…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Áp lực lạm phát tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm