Thời gian gần đây có những dự án lớn về năng lượng xanh mà Vương quốc Anh đầu tư rất lớn. Trong đó, Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tư.
Mới đây, một đoàn gồm 14 doanh nghiệp (DN) Vương quốc Anh trong lĩnh vực công nghệ và dịch vụ năng lượng tái tạo đã đến Việt Nam nhằm tìm hiểu, trao đổi về khả năng hợp tác và đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam như: điện gió ngoài khơi, truyền tải và lưu trữ năng lượng. Đây là một trong số nhiều đoàn DN Anh tiếp xúc, khảo sát tại Việt Nam trong thời gian qua nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác.
Là một trong 10 nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất thế giới, sau khi giảm mạnh trong năm 2021 (chỉ đạt 5,92 tỉ USD) do ảnh hưởng của dịch bệnh, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Vương quốc Anh năm 2022 đã phục hồi mạnh mẽ, đạt 44,13 tỉ USD và tăng 645,1% so với năm 2021.
Trong đó, Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến đầu tư tin cậy, bền vững của nhiều tập đoàn, DN Vương quốc Anh với môi trường đầu tư được đánh giá hấp dẫn hàng đầu tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương,
Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Vương quốc Anh sau khi thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (Hiệp định UKVFTA) khởi sắc rõ nét. Số lượng dự án mới và vốn đăng ký mới đều tăng mạnh so với trước khi thực thi Hiệp định.
Tính đến ngày 20.10 vừa qua, Vương quốc Anh có 550 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 4,28 tỉ USD, đứng thứ 15 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, Vương quốc Anh có tổng cộng 43 dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 58,6 triệu USD. Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) đánh giá, Hiệp định UKVFTA có hiệu lực giúp số lượng dự án, số lượng vốn đầu tư tăng gần gấp đôi.
"Rõ ràng đã có một sự chú ý từ phía các nhà đầu tư của Anh và cũng có sự chú ý từ các công ty Việt Nam trong việc phải hợp tác với Vương quốc Anh", ông Ngô Chung Khanh chia sẻ và nhấn mạnh thêm, thời gian gần đây có những dự án lớn về năng lượng xanh mà Vương quốc Anh rất mạnh, đầu tư rất lớn.
Đây cũng là những chủ trương của Chính phủ Anh trong việc thúc đẩy ngăn chặn biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng xanh, kinh tế xanh - điều này cũng rất phù hợp với chủ trương của Việt Nam. Đồng thời, đây chính là điểm mà Vương quốc Anh đã và đang chú ý đến đầu tư vào những lĩnh vực mà Việt Nam đang cần.
Hiện nay, một số lĩnh vực mà các DN Anh đang quan tâm đầu tư, tăng cường đầu tư hợp tác tại Việt Nam, bao gồm: năng lượng tái tạo như năng lượng gió, truyền tải và lưu trữ năng lượng; dịch vụ tài chính, bảo hiểm, máy móc, thiết bị, chuyển giao công nghệ và các lĩnh vực giáo dục, đồ uống và thực phẩm, công nghiệp ô tô.
Động lực mới để các nhà đầu tư Anh tìm đến Việt Nam
Mặc dù, số lượng đầu tư và vốn đầu tư từ Anh sang Việt Nam tăng khá sau khi có Hiệp định UKVFTA song đầu tư của các DN Anh vào Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn trong tổng vốn đầu tư FDI của một trong 10 quốc gia đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất thế giới. Mặt khác, các DN Việt Nam chưa thực sự tận dụng tốt ưu đãi từ Hiệp định UKVFTA để thu hút nguồn lực, chuyển giao công nghệ sản xuất hiện đại và tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất của các DN Anh.
Ông Bob Fletcher - Giám đốc Dịch vụ hải quan và Thương mại toàn cầu, Deloitte Vietnam - cho rằng, hiện nay một số DN Anh gặp thách thức trong việc tìm hiểu các quy định của Việt Nam vì các thủ tục cũng như các quy định bắt buộc liên quan đến hoạt động đầu tư và vận hành có thể khác biệt so với quy định của phương Tây và nước Anh.
"Một yếu tố khác là thiếu hụt trong lao động có chất lượng và chuyên môn hóa cho một số ngành, lĩnh vực nhất định; một số hạn chế liên quan đến năng lực cơ sở hạ tầng như vận tải, hậu cần, cung cấp năng lượng. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng và những bất ổn kinh tế toàn cầu cũng có thể đặt ra thách thức cho các DN Anh khi tiến hành hoạt động tại Việt Nam, hay việc thích ứng với các chuẩn mực văn hóa cũng như thực tiễn kinh doanh tại Việt Nam...", ông Bob Fletcher chia sẻ.
Hiện nay, cùng với Hiệp định UKVFTA, việc Vương quốc Anh chính thức ký thỏa thuận gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mới đây sẽ là những động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư hai chiều tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Ông David Johnstone - Trưởng bộ phận thực thi FTAs (Bộ Kinh doanh và Thương mại Vương quốc Anh) - cũng cho hay, ngoài các lợi ích rõ rệt về mặt thuế quan, bổ sung thêm nhiều ưu đãi hấp dẫn so với Hiệp định song phương hiện có, CPTPP còn tạo ra những lợi ích to lớn cho cả hai nước trong việc tích hợp sâu hơn vào chuỗi cung ứng của nhau, thuận lợi hóa quá trình kinh doanh của DN hai bên, tạo ra tiềm năng tăng trưởng đột phá với viễn cảnh mở rộng Hiệp định trong tương lai cũng như hai bên có thể trực tiếp tham gia vào quá trình thiết lập các quy tắc và điều khoản mới của hiệp định.
Các DN Việt Nam cần tận dụng cơ hội để thu hút đầu tư, hợp tác với đối tác Vương quốc Anh, huy động nguồn lực phát triển các lĩnh vực thế mạnh cũng như tạo hệ sinh thái để các DN trong nước từng bước tham gia chuỗi cung ứng và mạng sản xuất toàn cầu.
Ông Ngô Chung Khanh nhìn nhận: "Tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương hiện nay có nhiều khuôn khổ hợp tác rất quan trọng. Ngoài CPTPP, chúng ta có Hiệp định RCEP hay các hiệp định ASEAN mà ASEAN đang thỏa thuận với đối tác. Anh cũng muốn trở thành một đối tác của ASEAN. Ngoài khuôn khổ này ra còn một khuôn khổ nữa rất quan trọng, đó là khuôn khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF), một khu vực quan trọng của Chính phủ Anh.
Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng là một trong những nội dung được thể hiện rất rõ trong chính sách đối ngoại và hợp tác kinh tế của Vương quốc Anh. Điều này cho thấy trong thời gian tới các nhà đầu tư từ Vương quốc Anh sẽ chú trọng nhiều hơn đến Việt Nam, bởi bên cạnh hợp tác song phương, Việt Nam còn là thành viên của CPTPP, RCEP, thành viên của ASEAN, ASEAN+, kể cả IPEF".