Chiều 30.6, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp và TikTok Việt Nam tổ chức chương trình Tọa đàm “Xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang”.
Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang, cho biết địa phương đã từng bước quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn. Đặc biệt, đã ghi dấu ấn về bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống. Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm.
“Chương trình chợ phiên OCOP “Hương vị An Giang” vào sáng 30.6 đã trở thành dịp quý giá để các các doanh nghiệp, nhà bán hàng và cơ sở sản xuất địa phương chia sẻ và nâng cao kỹ năng trong việc xúc tiến thương mại điện tử. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững của các sản phẩm OCOP và nâng cao năng lực số cho cộng đồng kinh doanh nông nghiệp”, ông Hiếu nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp Việt Nam cho biết An Giang cũng là tỉnh đầu tiên của ĐBSCL ký kết biên bản ghi nhớ với TikTok Việt Nam về việc phối hợp quảng bá du lịch An Giang thông qua việc phát động chiến dịch HelloAnGiang trên nền tảng TikTok.
Chiến dịch HelloAnGiang trên nền tảng TikTok sau 30 ngày phát động đã thu hút hơn 160 triệu lượt xem và hơn 850.000 lượt chia sẻ của người dùng mạng xã hội cùng hàng trăm clip giới thiệu hoặc chia sẻ kinh nghiệm thực tế về du lịch An Giang.
“Với tinh thần hợp tác, liên kết cùng phát triển, “Tọa đàm xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang” được tổ chức nhằm trao đổi về định hướng phát triển sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm bán hàng và thông tin các chính sách hỗ trợ các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh An Giang khi tham gia bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là nền tảng Tiktok”, ông Tiến nói.
Cũng theo ông Tiến, tính đến nay, tỉnh An Giang có 108 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm 5 sao, 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 7 sản phẩm 4 sao và 96 sản phẩm 3 sao. Trong đó có 46 sản phẩm tham gia sàn thương mại điện tử chiếm 43% trong tổng số sản phẩm OCOP.
“Tôi hy vọng buổi tọa đàm hôm nay sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, sản phẩm trên thị trường truyền thống và các sàn thương mại điện tử, nhanh chóng tiếp cận với xu hướng tiêu dùng và phương thức bán hàng đa phương tiện; giúp tăng độ tiếp cận khách hàng, tăng doanh thu, lợi nhuận, từ đó giải quyết thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động nông thôn; thực hiện tốt vai trò của Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư là kết nối hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong sản xuất kinh doanh”, ông Tiến kỳ vọng.
Tại buổi tọa đàm, những chia sẻ của các khách mời tập trung vào định hướng phát triển cho các sản phẩm OCOP tỉnh An Giang và tham gia các sàn thương mại điện tử; các chính sách hỗ trợ các sản phẩm khởi nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử; kinh nghiệm, thuận lợi và khó khăn khi bán hàng trên TikTok Shop; đề xuất giải pháp gia tăng tiêu thụ và đa dạng hóa các kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP nhằm kết nối và đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Qua đó nhằm kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao thu nhập của người dân.