UBND tỉnh An Giang tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê và quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công nhận bảo vật quốc gia.
Ngày 10.2 (nhằm mùng 10 Tết), tại khu di tích văn hóa Óc Eo (thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn), UBND tỉnh An Giang đã tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê và quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công nhận bảo vật quốc gia.
Tại buổi lễ, UBND tỉnh An Giang đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê, thị trấn Óc Eo, với tổng diện tích quy hoạch 433,2ha. Trong đó, khu vực sườn và chân núi Ba Thê (Khu A) có diện tích 143,9ha; khu vực cánh đồng Óc Eo (Khu B) có diện tích 289,3ha.
Đồng thời, UBND tỉnh An Giang cũng công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công nhận bảo vật quốc gia (đợt 10 năm 2021). Trong đó, An Giang có 2 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia, gồm: Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc bằng đá granite có niên đại thế kỷ III-IV, được phát hiện trong cuộc khai quật khảo cổ ở di tích Linh Sơn Bắc năm 2019, thuộc quần thể di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê và nhẫn Nandin Giồng Cát bằng vàng có niên đại thế kỷ V, được phát hiện trong cuộc khai quật tại di tích Gò Giồng Cát năm 2018 trong khuôn khổ đề án nghiên cứu di tích Óc Eo-Ba Thê, Nền Chùa tại thị trấn Óc Eo.
Ông Nguyễn Hữu Giềng – Giám đốc Ban quản lý di tích Óc Eo cho biết, đơn vị và UBND huyện Thoại Sơn thống nhất quản lý, bảo tồn, bảo vệ an toàn di tích và di vật văn hóa Óc Eo trên địa bàn theo quy hoạch đã được phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và các quyết định của Bộ VH-TT-DL, UBND tỉnh An Giang.
“Mọi hoạt động của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong phạm vi của di tích đều phải được quản lý, bảo tồn, bảo vệ an toàn theo quy định của pháp luật và chủ trương của tỉnh. Quá trình phối hợp phải đảm bảo thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của mỗi bên, để tránh chồng chéo và đùn đẩy trách nhiệm cho nhau khi phải xử lí sai phạm”, ông Giềng nói.
Cũng theo ông Giềng, việc phân công rõ nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn và cơ sở tại di tích để thống nhất khu vực phụ trách cụ thể theo quy trình thống nhất (phát hiện vi phạm, cho tạm dừng ngay lập tức, báo cáo cấp thẩm quyền và xử lý từng vụ việc).
Óc Eo - Ba Thê là di tích quốc gia đặc biệt, minh chứng cho sự tồn tại của nền văn hóa Óc Eo, một trong 3 nền văn hóa cổ tiêu biểu của Việt Nam (cùng với văn hóa Đông Sơn và văn hóa Sa Huỳnh).
Đây là một di sản quý, đóng vai trò quan trọng trong khối di sản văn hóa của dân tộc, đủ cơ sở và điều kiện để trở thành Di sản văn hóa thế giới. Với những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ học của vùng ĐBSCL, Óc Eo - Ba Thê đã trở thành điểm du lịch văn hóa quan trọng của tỉnh và vùng.
Nhiều năm qua, với sự nỗ lực của Chính phủ, UBND tỉnh An Giang, UBND huyện Thoại Sơn, các chuyên gia, cơ quan chuyên môn khoa học Trung ương và các địa phương, kết quả khai quật khảo cổ di tích Óc Eo - Ba Thê của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã thu về hàng ngàn hiện vật có giá trị, trong đó tỉnh An Giang đã chọn lựa và đề nghị, được Thủ tướng Chính phủ công nhận 2 bảo vật quốc gia.
Việc định hướng quy hoạch sẽ hướng đến quy hoạch không gian bảo tồn, tôn tạo di tích như: Khu vực “Trung tâm tôn giáo Óc Eo”, diện tích 9,58ha, nhằm bảo tồn cụm di tích tiêu biểu Gò Sáu Thuận - Linh Sơn Tự - Linh Sơn Bắc - Linh Sơn Nam; khu vực bảo tồn “Trung tâm đô thị cổ Óc Eo”, diện tích 39,52ha, nhằm bảo tồn cụm di tích tiêu biểu Lung Lớn - Gò Cây Thị - Gò Óc Eo - Gò Giồng Trôm - Gò Giồng Cát. Bên cạnh đó là quy hoạch các khu phát huy giá trị di tích tại khu vực IIA và IIB: Xây dựng bãi đỗ xe, nhà dịch vụ, bến thuyền du lịch, quảng trường, nhà lưu niệm, trụ sở Ban Quản lý di tích và các công trình phụ trợ. Bảo vệ cảnh quan và phát triển du lịch sinh thái Ba Thê, với việc tổ chức lập đề án khai thác phát triển du lịch sinh thái núi Ba Thê.
Tại đây sẽ phát triển các sản phẩm du lịch, bao gồm: Trải nghiệm văn hóa bằng công nghệ hiện đại sinh thái sông nước; khám phá cảnh quan thiên nhiên, phát triển các tuyến du lịch tham quan nội khu và các tuyến du lịch kết nối với các điểm du lịch trong huyện, tỉnh và vùng Nam Bộ…