Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU) mới đây tuyên bố hai bên cam kết tái khởi động các cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) một lần nữa.

Ấn Độ: Từ bỏ RCEP, cam kết tái khởi động đàm phán FTA với EU

11/11/2019, 00:28

Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU) mới đây tuyên bố hai bên cam kết tái khởi động các cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) một lần nữa.

Ảnh minh họa từ TheHindu

TTXVN dẫn một tuyên bố đưa ra ngày 10.11 sau cuộc họp rà soát Quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - EU, do Bí thư Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vijay Thakur Singh và Phó Tổng thư ký Cơ quan Đối ngoại châu Âu Christian Leffler chủ trì, nêu rõ: "Ấn Độ và EU nhấn mạnh sự cần thiết của việc có một thỏa thuận thương mại và đầu tư song phương (BTIA) và nhất trí tiếp tục làm việc hướng tới mục tiêu đó".

Trong khi mới vào tuần trước, Ấn Độ đã chính thức quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Lý do theo Bộ trưởng Công Thương Ấn Độ Piyush Goya và các quan chức Bộ Ngoại giao nước này là Ấn Độ muốn thăm dò các FTA với phương Tây và Mỹ, thay vì nhóm 15 quốc gia trong RCEP với sự góp mặt của Trung Quốc.

Thậm chí, báo chí Ấn Độ còn đưa tin các ngành công nghiệp, thương nhân và nông dân Ấn Độ đều đánh giá cao quyết định của Chính phủ Thủ tướng Narendra Modi khi không tham gia RCEP.

Chính quyền New Delhi luôn bày tỏ lo ngại hàng hóa giá rẻ Trung Quốc (nhất là điện thoại di động) sẽ gây hại cho thị trường nước này và nông sản Úc, New Zeland sẽ tác động tiêu cực tới nông dân của mình.

Tuy nhiên, cũng theo TTXVN thì các quan chức châu Âu bày tỏ hoài nghi về khả năng sớm tái khởi động đàm phán FTA nói trên do một số vấn đề. Trong đó có quyết định của Ấn Độ hủy các hiệp định đầu tư song phương với 58 quốc gia, kể cả 22 nước thành viên EU vào năm 2016 và quá trình Brexit.

Phát biểu với tờ The Hindu, Ngoại trưởng Pekka Haavisto của Phần Lan, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, cho rằng có thể phải mất một thời gian dài trước khi có một thỏa thuận. Hội nghị thượng đỉnh EU - Ấn Độ đã bị hoãn nhiều lần, vì vậy trước hết cần phải tiến hành các hội nghị thượng đỉnh một cách thường xuyên.

Năm 2013, Ấn Độ và EU đã ngừng đàm phán sau khi lâm vào bế tắc về những vấn đề như thuế quan đối với ô tô và rượu của châu Âu, bảo mật dữ liệu và việc Ấn Độ muốn đưa vào thỏa thuận các dịch vụ cũng như cấp thêm thị thực cho các chuyên gia Ấn Độ.

Kể từ đó, mặc dù đã nhóm họp vài lần, các nhà đàm phán thậm chí không thể nhất trí về điều khoản để tái khởi động đàm phán, bất chấp thông báo chắc chắn của Thủ tướng Narendra Modi và Chủ tịch EU tại một hội nghị thượng đỉnh năm 2017.

A.T.T

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ấn Độ: Từ bỏ RCEP, cam kết tái khởi động đàm phán FTA với EU