Dự định phóng 2 vệ tinh vào quỹ đạo từ năm 2023 với mức giá chỉ bằng nửa giá của các công ty đã có tên tuổi, là mong muốn của Skyroot Aerospace, công ty khởi nghiệp tên lửa tư nhân đầu tiên ở Ấn Độ.

Ấn Độ: Công ty tư nhân muốn giảm chi phí phóng vệ tinh

Bảo Vĩnh | 28/11/2022, 16:25

Dự định phóng 2 vệ tinh vào quỹ đạo từ năm 2023 với mức giá chỉ bằng nửa giá của các công ty đã có tên tuổi, là mong muốn của Skyroot Aerospace, công ty khởi nghiệp tên lửa tư nhân đầu tiên ở Ấn Độ.

india-first-reuters.jpg
Nhân viên Skyroot trước tên lửa Vikram-S - Ảnh: Reuters

Cách để Skyroot giảm chi phí phóng là tên lửa dòng Vikram có cấu trúc cốt lõi được chế tạo bằng vật liệu tổng hợp carbon và các linh kiện gồm động cơ đẩy được in 3D.

Công ty nói cách này nâng tính hiệu quả lên 30%, giảm trọng lượng và giảm chi phí, dù các kỹ sư của công ty phải viết mã lập trình cho nhà sản xuất tên lửa bởi không nhiều kỹ sư có kinh nghiệm làm việc với vật liệu tổng hợp carbon.

Với công nghệ in 3D, Skyroot tin tưởng công ty có thể sản xuất một tên lửa mới trong chỉ 2 ngày. Công ty còn nhắm tới việc sản xuất tên lửa có thể tái sử dụng, một công nghệ mà tập đoàn công nghệ khai phá không gian SpaceX đã đi tiên phong.

Skyroot đã phóng thử thành công một tên lửa Vikram-S ngày 18.11, đạt độ cao tối đa 89,5km. Tên lửa này nặng 545kg, đáp xuống vùng biển thuộc vùng vịnh Bengal khoảng 5 phút sau khi phóng.

Vikram-S dự kiến có khả năng đạt tốc độ mach 5 (nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh), chở được 83kg lên độ cao 100km. Trong lần phóng thử, nhóm kỹ sư Skyroot đặt mục tiêu bay cao 80km. Đây là ngưỡng được một số cơ quan xác định là ranh giới không gian. Một ranh giới quy ước khác giữa khí quyển Trái đất và không gian là đường Karman cao 100km.

india-first-reuters-2.jpg
Hai nhà sáng lập Skyroot trước tên lửa Vikram - Ảnh: Reuters

Hai nhà đồng sáng lập Skyroot, Pawan Chandana và Bharath Daka, tin rằng chi phí phóng một tên lửa tính theo mỗi kilogam có thể giảm xuống gần 10 USD so với hiện nay tốn hàng ngàn USD.

Chandana cho biết anh kỳ vọng nhu cầu sử dụng dịch vụ phóng của công ty sẽ tăng, nếu công ty tự chứng minh được khả năng trong 2 vụ phóng sẽ diễn ra năm 2023.

Có sự ủng hộ của quỹ tài sản chủ quyền GIG của Singapore, Skyroot cho biết khoản tiền 68 triệu USD mà họ quyên được sẽ dùng làm kinh phí cho 2 chuyến phóng sắp tới. Công ty cũng đã liên hệ với hơn 400 khách hàng tiềm năng.

Dự kiến hàng ngàn vệ tinh nhỏ sẽ được phóng trong những năm tới, khi các công ty xây dựng những mạng lưới để cung cấp dịch vụ internet băng thông rộng, như đường truyền internet tốc độ cao Starlink của SpaceX, và cung cấp năng lượng cho các ứng dụng như theo dõi chuỗi cung ứng hoặc giám sát các giàn khoan dầu ngoài khơi.

Skyroot đang có những đối thủ trong lĩnh vực phóng vệ tinh vốn cũng hứa sẽ hạ giảm chi phí. Chẳng hạn tại Trung Quốc hồi tuần trước, doanh nghiệp khởi nghiệp Galactic Energy đã phóng 5 vệ tinh vào quỹ đạo trong lần phóng thành công thứ 4.

Tại Nhật Bản, công ty Space One cũng dự tính phóng 20 tên lửa nhỏ/năm kể từ giữa thế kỷ này.

Nhưng Skyroot kỳ vọng sẽ giảm chi phí phóng vệ tinh xuống còn 50% so với giá hiện nay của các đối thủ đã có tên tuổi như Virgin Orbit của tỷ phú Richard Branson, hoặc Rocket Lab USA Inc ở Mỹ.

Hiện tại, việc chính phủ Thủ tướng Narendra Modi thúc đẩy tăng phần chia của Ấn Độ trong thị trường phóng vệ tinh toàn cầu từ mức chỉ 1% đã giúp các nhà đầu tư tin tưởng Skyroot và các khởi nghiệp khác đã có sự hỗ trợ của chính phủ cho những nỗ lực của họ.

“Hồi 4 tháng trước, khi chúng tôi trao đổi với các nhà đầu tư, một trong những câu hỏi lớn của họ là liệu chính phủ có ủng hộ chúng tôi hay không”, Daka nói.

Chandana nói thành tích hiệu quả về kinh phí của Ấn Độ sẽ là chìa khóa thành công của Skyroot. Anh và Daka từng bỏ việc ở ISRO hồi năm 2018 để lập Skyroot, với mục tiêu phát triển các tên lửa.

Việc Skyroot phóng thử tên lửa thành công đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực của Ấn Độ, nhằm tạo ra ngành công nghiệp vũ trụ thương mại và cạnh tranh về chi phí.

Skyroot trở thành công ty hàng không vũ trụ tư nhân đầu tiên của Ấn Độ, sau khi Ấn Độ hồi năm 2020 đã cho phép các công ty tư nhân tham gia phóng vệ tinh, với một cuộc cải cách khâu quản lý và lập một cơ quan mới để khuyến khích các vụ phóng vệ tinh do tư nhân thực hiện.

Trước đó, các công ty chỉ có thể là nhà thầu với Tổ chức Nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO), một cơ quan chính phủ nổi tiếng là tiết kiệm. Điển hình là chuyến phóng tàu vũ trụ thăm dò sao Hỏa không phi hành đoàn của Ấn Độ hồi năm 2014 chỉ tốn 74 triệu USD, thấp hơn kinh phí làm phim vũ trụ nổi tiếng Gravity.

Tên lửa Vikram-S được đặt theo tên của Vikram Sarabhai, nhà vật lý và thiên văn học được coi là cha đẻ của chương trình vũ trụ Ấn Độ.

Thử nghiệm của Skyroot cho thấy tiềm năng của khu vực tư nhân trong các hoạt động vũ trụ của Ấn Độ, tạo tiền đề cho nhiều vụ phóng trong tương lai.

Lãnh đạo Hiệp hội Không gian Ấn Độ (IspA) nói kinh tế vũ trụ của Ấn Độ được kỳ vọng tăng trưởng lên 13 tỉ USD, và phân khúc phóng vào không gian được ước tính sẽ tăng trưởng nhanh nhất vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 13%. Điều này sẽ được thúc đẩy nhiều hơn bởi sự tham gia của tư nhân, áp dụng công nghệ mới nhất và cho phí thấp.

Bài liên quan
Nga phóng vệ tinh theo dõi khí hậu ở Bắc Cực
Nga đã phóng thành công vệ tinh Arktika-M lên quỹ đạo vào hôm 28.2 với sứ mệnh giám sát khí hậu và môi trường ở Bắc Cực, trong bối cảnh Điện Kremlin thúc đẩy mở rộng các hoạt động trong khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ấn Độ: Công ty tư nhân muốn giảm chi phí phóng vệ tinh