Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp nước ngoài có xưởng tại Trung Quốc đã mất niềm tin vào nước này và bắt đầu tìm kiếm cơ hội ở nơi khác. Ấn Độ ngay lập tức nắm lấy thời cơ.
Chính quyền New Delhi xác định một số ngành công nghiệp (trong đó có sản xuất sản phẩm điện tử) khuyến khích đầu tư, chỉ thị đội ngũ ngoại giao khởi động chiến dịch thu hút doanh nghiệp đồng thời chuẩn bị sẵn một quỹ đất diện tích gấp đôi quốc gia Tây Âu Luxembourg. Các bang Gujarat, Madhya Pradesh, Uttar Pradesh cũng nhanh chóng nới lỏng luật lao động.
Giới chính trị Ấn Độ tin rằng việc hình ảnh của Trung Quốc xấu đi vì hứng chịu cáo buộc che giấu thông tin dịch bệnh ở giai đoạn đầu, luật bảo vệ sở hữu trí tuệ yếu kém, xung đột ngoại giao với quốc gia khác như Mỹ, Úc sẽ khiến nguồn vốn đầu tư khổng lồ chuyển hướng. Họ hy vọng chương trình “Make in India” thông qua năm 2014 sẽ được thúc đẩy đưa ngành sản xuất đất nước phát triển.
Liệu quốc gia Nam Á đã sẵn sàng đón nhận đầu tư? Tiến sĩ kinh tế Rahul Nath Choudhury thuộc Viện nghiên cứu Nam Á (Đại học quốc gia Singapore) và giáo sư Moinak Maiti thuộc trường Kinh tế cao cấp (HSE) tại Nga chỉ ra những yếu tố quan trọng biến Ấn Độ trở thành điểm đặt nhà máy lý tưởng.
Một trong những lợi thế lớn nhất của Ấn Độ nằm ở nền kinh tế đang phát triển. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính nước này thuộc số nền kinh tế ít ỏi vẫn tiếp tục tăng trưởng năm 2020 bất chấp dịch COVID-19. Ngoài ra, quốc gia Nam Á chính là thị trường tiêu dùng lớn với dân số hơn 1,3 tỉ người và thu nhập ngày càng cao.
Môi trường chính sách thuận lợi là một lợi thế khác nhờ nỗ lực suốt vài năm qua của chính phủ New Delhi: siết chặt luật bảo vệ sở hữu trí tuệ, nới lỏng chính sách về đầu tư trực tiếp nước ngoài, sửa đổi luật thu hồi đất theo hướng đẩy nhanh quá trình phê duyệt và miễn trừ kiểm toán xã hội, ra mắt hệ thống thuế mới thủ tục đơn giản, sửa đổi luật phá sản nhằm ngăn chặn trường hợp doanh nghiệp cố ý vỡ nợ mua lại tài sản xấu của chính mình với mức giá ưu đãi, giảm thuế doanh nghiệp xuống còn 15% đối với công ty mới trong ngành sản xuất.
Trong báo cáo về môi trường kinh doanh (Ease of Doing Business) 2020 do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, Ấn Độ nhảy vọt từ vị trí 77 lên vị trí 63. Thứ hạng cao hơn chắc chắn góp phần gia tăng niềm tin mà giới đầu tư dành cho quốc gia Nam Á này.
Cẩm Bình (theo SCMP)