Samsung Electronics, Xiaomi cùng các công ty smartphone khác cấu kết với Amazon và Flipkart thuộc Walmart để ra mắt sản phẩm độc quyền trên các trang web thương mại điện tử của họ tại Ấn Độ, vi phạm luật chống độc quyền, theo các báo cáo quy định mà Reuters đã thấy.
Các cuộc điều tra chống độc quyền do Ủy ban Cạnh tranh Ấn Độ (CCI) thực hiện phát hiện rằng Amazon và Flipkart đã vi phạm luật cạnh tranh địa phương bằng cách ưu tiên cho những người bán chọn lọc, ưu tiên danh sách nhất định và giảm giá sản phẩm sâu, gây tổn hại cho nhiều công ty khác, Reuters đưa tin.
Việc các hãng sản xuất smartphone, gồm cả Samsung Electronics (Hàn Quốc) và Xiaomi (Trung Quốc), bị đưa vào vụ việc có thể làm gia tăng vấn đề pháp lý và tuân thủ của họ.
"Độc quyền trong kinh doanh là điều đáng lên án. Không chỉ đi ngược lại với cạnh tranh tự do và công bằng mà còn đi ngược lại lợi ích của người tiêu dùng", G.V. Siva Prasad, lãnh đạo CCI, viết trong các báo cáo về Amazon và Flipkart với những phát hiện giống nhau.
Reuters là nguồn đầu tiên đưa tin các hãng smartphone bị cáo buộc có hành vi phản cạnh tranh trong các báo cáo của CCI.
Xiaomi từ chối bình luận, trong khi các nhà sản xuất smartphone khác không trả lời câu hỏi của Reuters.
Amazon, Flipkart, CCI không phản hồi và đến nay chưa bình luận về các phát hiện của báo cáo.
Cả hai báo cáo của CCI đều cho biết trong quá trình điều tra, Amazon và Flipkart đã "cố tình làm giảm mức độ nghiêm trọng" cáo buộc về việc ra mắt sản phẩm độc quyền trên nền tảng của họ, nhưng các quan chức phát hiện rằng hành vi này là phổ biến và xảy ra thường xuyên.
Dữ liệu từ hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint Research cho thấy Samsung Electronics và Xiaomi là hai trong số các công ty smartphone lớn nhất tại Ấn Độ, cùng nắm giữ khoảng 36% thị phần, còn Vivo (Trung Quốc) có 19% thị phần.
Dự kiến giá trị thị trường bán lẻ trực tuyến của Ấn Độ sẽ vượt quá 160 tỉ USD vào năm 2028, tăng từ 57–60 tỉ USD trong 2023, theo ước tính của công ty tư vấn Bain.
Kết quả điều tra nêu trên là trở ngại lớn với Amazon và Flipkart trong thị trường tăng trưởng quan trọng, nơi họ phải đối mặt với sự tức giận của các nhà bán lẻ nhỏ nhiều năm vì làm tổn hại đến những doanh nghiệp bán hàng ngoại tuyến.
CCI cũng cho biết cả hai công ty này đều sử dụng khoản đầu tư nước ngoài của mình để cung cấp giá ưu đãi cho các dịch vụ như kho bãi và tiếp thị cho một số nhà bán hàng nhất định.
Sự bùng nổ doanh số trực tuyến
Theo Reuters, một số hãng smartphone như Xiaomi, Samsung Electronics, OnePlus, Realme và Motorola được yêu cầu nộp báo cáo tài chính của ba năm tài chính đến 2024 cho CCI, được chứng nhận bởi kiểm toán viên của họ.
Cuộc điều tra Amazon, Flipkart cùng những người bán của họ được khởi động vào năm 2020 bởi khiếu nại từ một chi nhánh của hiệp hội bán lẻ lớn nhất quốc gia là Liên đoàn các Nhà Thương mại toàn Ấn Độ, có 80 triệu thành viên.
Những tuần tới, CCI xem xét bất kỳ phản đối nào với kết quả điều tra từ Amazon, Flipkart, hiệp hội bán lẻ cùng các hãng smartphone và có thể sẽ áp đặt các khoản phạt. Song song đó, CCI sẽ yêu cầu các công ty thay đổi các thực tiễn kinh doanh của họ, theo những người quen thuộc với vấn đề.
Các nhà bán lẻ Ấn Độ nhiều lần cáo buộc Amazon, Flipkart cùng những hãng smartphone về việc ra mắt điện thoại độc quyền trực tuyến, cho rằng cửa hàng truyền thống bị ảnh hưởng vì không nhận được các mẫu mới nhất nên khách hàng phải tìm kiếm chúng trên trang web mua sắm.
"Việc ra mắt độc quyền không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các người bán bình thường trên nền tảng mà còn đến các nhà bán lẻ truyền thống, vốn được cung cấp điện thoại di động vào một thời điểm muộn hơn", theo cả hai báo cáo của CCI, trích dẫn phân tích dữ liệu từ các hãng smartphone.
Hãng nghiên cứu Datum Intelligence (Ấn Độ) ước tính rằng 50% doanh số điện thoại di động là trực tuyến vào năm 2023, tăng từ 14,5% trong 2013. Flipkart nắm 55% thị phần trong doanh số điện thoại di động trực tuyến năm 2023 và Amazon chiếm 35%.
Cuộc đình công gây gián đoạn sản xuất của Samsung ở Ấn Độ
Cuộc điều tra nêu trên không phải vấn đề duy nhất mà Samsung Electronics đối mặt ở Ấn Độ.
Một cuộc đình công của công nhân ở Ấn Độ tuần trước đã làm gián đoạn sản xuất tại một nhà máy Samsung Electronics. Điều này đã làm nổi bật nhóm công nhân được hỗ trợ chính trị.
Nhóm này đã âm thầm huy động nhân viên của Samsung Electronics và đang lên kế hoạch mở rộng các nỗ lực của mình trong lĩnh vực điện tử ở quốc gia Nam Á này.
Các đình công ở nhà máy Samsung Electronics về mức lương thấp đã phủ bóng đen lên kế hoạch của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hưởng ứng sáng kiến Make in India (Sản xuất tại Ấn Độ) và tăng gấp ba sản lượng điện tử lên 500 tỉ USD trong 6 năm.
Từ Foxconn (hãng sản xuất thiết bị điện tử theo lớn nhất thế giới của Đài Loan) đến Micron Technology (hãng chip nhớ số 1 Mỹ), nhiều công ty nước ngoài đã bị thu hút bởi các chính sách thân thiện với doanh nghiệp hơn và lao động giá rẻ dưới thời Thủ tướng Narendra Modi, đặc biệt là khi tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ ra ngoài Trung Quốc.
Cuối tuần qua, hàng trăm công nhân biểu tình mặc áo sơ mi Samsung màu xanh lam vẫn tiếp tục ngồi bên trong những chiếc lều tạm gần nhà máy sản xuất đồ gia dụng ở thành phố Chennai (thủ phủ bang Tamil Nadu phía nam Ấn Độ), đội mũ lưỡi trai màu đỏ có chữ viết tắt CITU (Trung tâm Công đoàn Ấn Độ).
CITU được sự hậu thuẫn của đảng chính trị cánh tả cứng rắn có ảnh hưởng nhất Ấn Độ với 6,6 triệu thành viên là công nhân. CITU yêu cầu các biện pháp thân thiện với người lao động, dù trước đây tập trung nhiều hơn vào các ngành ô tô và các công ty sản xuất xe hơi như Hyundai.
Trong khi nhân viên Samsung Electronics có thể tự lập công đoàn, việc hợp tác với CITU (thành lập vào năm 1970) được một số người coi là cách để giành được nhiều sự hỗ trợ quốc gia hơn và giúp tiếng nói của họ được các công ty lắng nghe tốt hơn.
Với cuộc đình công ở Samsung Electronics, CITU đang có kế hoạch thâm nhập vào lĩnh vực sản xuất điện tử đang phát triển với tốc độ nhanh chóng khi các công ty "không điều chỉnh lương đúng cách". S Kannan, Phó tổng thư ký CITU tại bang Tamil Nadu, tiết lộ điều này.
"Không có cơ hội cho việc thương lượng tập thể nữa," ông nói thêm.
Một cuộc đình công ở quy mô này, ảnh hưởng đến sản xuất, không phổ biến trong ngành điện tử của Ấn Độ. Những cuộc đình công đáng chú ý trước đây là các vụ gây bạo loạn của công nhân tại nhà máy sản xuất iPhone của Wistron và Foxconn (hai đối tác của Apple) năm 2021, khi tiền lương chưa được trả và vụ ngộ độc thực phẩm lần lượt là nguyên nhân.
CITU có kế hoạch thúc đẩy nhiều quyền lợi hơn cho người lao động tại nhà cung cấp của Apple là Flex và Sanmina, nơi họ đã đàm phán với ban quản lý về các yêu cầu như công nhận công đoàn và lương cao hơn, theo S Kannan.
Flex tuyên bố duy trì các tiêu chuẩn toàn cầu cao nhất về thực hành lao động, tin tưởng vào một môi trường tôn trọng và hợp tác.
Văn phòng Thủ tướng Narendra Modi, Bộ CNTT liên bang, Sở Lao động Tamil Nadu và Sanmina không trả lời các câu hỏi của Reuters.
Cuộc đình công ở Samsung Electronics là một trong những vụ việc bất ổn công nghiệp lớn nhất gây ra tình trạng gián đoạn sản xuất tại một công ty đa quốc gia nước ngoài. Riêng nhà máy ở bang Tamil Nadu chiếm khoảng 1/3 tổng doanh thu hàng năm 12 tỉ USD của Samsung Electronics tại Ấn Độ.
Khi người lao động biểu tình, M.K. Stalin (Thủ hiến bang Tamil Nadu) có chuyến công du Mỹ từ cuối tháng 8 và đàm phán với các công ty như Nike, Ford.
Trong trường hợp của Samsung Electronics, CITU đã viết một lá thư riêng vào tháng 7, yêu cầu ban quản lý tăng lương cho những người lao động mà tổ chức này cho rằng đang bị đẩy vào "tình cảnh nghiêm trọng”.
Khi tập đoàn Hàn Quốc không đồng ý, CITU đã ủng hộ công nhân bắt đầu đình công vào tuần này. Đây cũng là một thách thức với các công ty mà CITU cho rằng trả lương thấp cho công nhân nghèo.
CITU nói công nhân Samsung Electronics kiếm được trung bình 25.000 rupee (300 USD) mỗi tháng và đang yêu cầu tăng lương lên 36.000 rupee (430 USD) trong ba năm. Một công nhân đình công bên ngoài nhà máy nói anh đã gia nhập Samsung Electronics cách đây một thập kỷ và chỉ kiếm được 23.000 rupee một tháng, khiến cuộc sống trở nên khó khăn với chi phí sinh hoạt tăng cao.
"Các trường hợp đình công có thể giảm nếu chính phủ đảm bảo một cơ chế để các công ty đa quốc gia tôn trọng luật lao động gồm quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể", K.R. Shyam Sundar, nhà kinh tế viết về cải cách lao động ở Ấn Độ, cho hay.
Trong tuyên bố hôm 14.9, Samsung Electronics cho biết đã bắt đầu thảo luận với công nhân tại nhà máy Chennai "để giải quyết mọi vấn đề sớm nhất có thể".