Làng gốm Hương Canh có lịch sử ra đời và phát triển khoảng 300 năm nay. Nơi đây nổi tiếng với những sản phẩm phục vụ cho cuộc sống đời thường của người dân như chum, vại, chén, đĩa…
Sản phẩm gốm Hương Canh nổi tiếng vì có độ bền cao, rất cứng và gõ vào có tiếng vang, trong. Đây cũng là đặc trưng làm nên thương hiệu của gốm Lò Cang, Hương Canh.
|
Anh Nguyễn Hồng Quang trao đổi về sản phẩm với khách |
Tuy nhiên, thời gian gần đây, làng gốm Hương Canh có nguy cơ xóa sổ vì sự thiếu hụt nghệ nhân có tay nghề và tâm huyết. Hơn nữa, lợi ích kinh tế cũng không đảm bảo được cuộc sống cho người dân nơi đây.
Chứng kiến làng nghề của quê hương "thoi thóp", gia đình ông Nguyễn Thanh quyết tâm bảo vệ nghề gốm. Anh Nguyễn Hồng Quang tiếp nối con đường đó của gia đình và ngày càng phát triển lò gốm của mình.
“Thời gian trước, tôi tình cờ gặp một họa sỹ xuống đây tạo hình gốm mỹ thuật. Ban đầu tôi không hiểu gì về loại hình gốm nghệ thuật này nhưng được người họa sĩ gợi ý và chỉ bảo, tôi đã quyết định theo đuổi con đường này” – anh Quang cho hay.
Vào năm 2001, tỉnh Vĩnh Phúc mở lớp trung cấp khôi phục nghề gốm Hương Canh, anh Quang đăng kí tham gia. Sau hai năm theo học trường trung cấp, đến năm 2003, anh thi đỗ vào trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội – Khoa Điêu khắc.
Sau 5 năm học tập, anh Quang về làng bắt đầu thổi sức sống mới vào những sản phẩm gốm của làng.
|
Gốm nâu nghệ thuật Hương Canh |
Thời gian đầu lập nghiệp, tiền nhà không có, anh Quang phải thế chấp ngôi nhà đang ở để vay 150 triệu từ ngân hàng. Số tiền đó anh Quang đầu tư toàn bộ cho cơ sở sản xuất, từ than, củi, nhà xưởng, vật liệu…
Dành nhiều hy vọng cho mẻ gốm đầu tiên nhưng thất bại và sau đó những mẻ gốm tiếp theo cũng hỏng gần hết, tiền theo đó bay đi.
Không nản chí, anh Quang trăn trở rút kinh nghiệm, tìm nguyên nhân thất bại và khắc phục. Với kinh nghiệm từ 4 đời làm gốm của gia đình, anh Quang nhận thấy những thiếu sót trong việc nung gốm của mình và khắc phục. Vì thấy màu sắc của gốm nâu rất đẹp, anh đã hướng theo loại hình này. Từ khi tìm ra được hướng đi mới, anh Quang thu lãi 40-50 triệu/lò gốm.
Anh Quang đầu tư lò nung bằng ga để vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nung được nhiều sản phẩm cùng lúc, vừa đạt hiệu quả cao từ 95 - 100%. Lò nung ga cho lãi cao gấp 5,6 lần so với lò thủ công.
Anh Quang cho hay, cơ sở sản xuất gốm của anh sử dụng hai phương thức sản xuất là thủ công và bán công nghiệp. Bán công nghiệp là lấy đất phơi ải rồi cho vào máy nghiền, nhào trộn rồi mang ra tạo hình. Còn thủ công là dùng tay nhào nặn đất. Phương pháp thủ công là phương pháp truyền thống, vất vả hơn nhưng dễ tạo hình hơn.
|
Một mẫu gốm nghệ thuật trong xưởng của anh Quang |
Để có được chất lượng đất sét đảm bảo, anh đào sâu xuống đất để lấy đất sét xanh, trộn với sét nâu theo tỷ lệ nhất định. Ở những sản phẩm cao cấp hơn thì chỉ dùng sét xanh. Những sản phẩm gốm của anh không tráng men nhưng rất được ưa chuộng.
Mỗi năm anh Quang thu về hàng tỷ đồng từ gốm, tạo việc làm thường xuyên cho 6,7 lao động. Đây là điều khá bất ngờ bởi mới vài năm trước, làng gốm Hương Canh còn thoi thóp sống và có nguy cơ bị mai một.
Anh Quang từng được Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tặng danh hiệu người thợ trẻ giỏi toàn quốc và đoạt nhiều danh hiệu nghệ nhân làm gốm của tỉnh. Ngoài ra, anh còn là tấm gương thanh niên làm kinh tế giỏi của địa phương.
Hoàng Long