Theo quan niệm truyền thống, thiên tai chỉ đem đến điều bất lợi, nhưng với KTS Nguyễn Thu Hạnh, chị nhận thấy con người hoàn toàn có thể khai thác lợi ích từ chính những thứ tưởng chừng nguy hiểm, vô dụng… trong thiên nhiên. Đó cũng là nguồn cảm hứng để nhiều dự án kinh doanh “kì lạ” được ra đời.

Ngày 20.10, gặp người buôn mây, bán gió và kinh doanh bão lũ…

20/10/2015, 08:43

Theo quan niệm truyền thống, thiên tai chỉ đem đến điều bất lợi, nhưng với KTS Nguyễn Thu Hạnh, chị nhận thấy con người hoàn toàn có thể khai thác lợi ích từ chính những thứ tưởng chừng nguy hiểm, vô dụng… trong thiên nhiên. Đó cũng là nguồn cảm hứng để nhiều dự án kinh doanh “kì lạ” được ra đời.

Biến “họa” thành “phúc”

Vốn là dân kiến trúc, nữ khoa học gia đến từ Tiên Sơn – Bắc Ninh Nguyễn Thu Hạnh đã sớm nổi tiếng với nhiều đề án kiến trúc cực lạ ngay từ thời sinh viên và giành được nhiều giải thưởng uy tín.
Cơ duyên đến với ý tưởng “kinh doanh” mưa, bão, lụt xuất phát từ lần chị đi công tác tại Hội An năm 2009. Chuyến đi đó đúng vào mùa lụt của Hội An, nước dâng cao làm ngập những mái nhà cổ rêu phong.
Đứng trên tầng 2 của một ngôi nhà cổ, toàn bộ bức tranh tổng thể của di sản Hội An bất chợt hiện ra trước mắt KTS. Hạnh với một vẻ đẹp vô cùng khác lạ, vừa mong manh, xưa cũ vừa an nhiên tự tại trên nền nâu sẫm của dòng nước lũ.
Trò chuyện với người dân, chị được biết Hội An là vùng đất tụ thủy, cứ tháng 9 – 12 là thời điểm nước lũ cũng dâng cao. Những ngày mưa lụt thế này, có rất nhiều du khách nước ngoài tò mò muốn đi thuyền khám phá vẻ đẹp của Hội An.
Ngay lúc đó, chị Hạnh tự hỏi: “Tại sao không biến mưa, lũ Hội An thành một tour du lịch trải nghiệm độc đáo?” Ngay sau đó, kịch bản cho việc khai thác du lịch từ lụt Hội An được hình thành.
Hanh “Happy” – Nguoi “Buon” may, “ban” gio va “kinh doanh” bao lu…
Du khách chèo thuyền ngắm phố ngập nước tại Hội An
Sau khi có ý tưởng, chị lên kế hoạch và tham vấn ý kiến của các lãnh đạo địa phương. Bí thư Hội An Nguyễn Sự đã đánh giá cao đề tài, ý tưởng của chị, ông cũng đảm bảo rằng người dân Hội An sẽ giải quyết vấn đề an toàn, điện, nước, lương thực… cho du khách tham quan.
Nghĩ là làm, năm 2010, TS Hạnh thành lập Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch Bền vững (STDe) với sự ủng hộ của 11 Giáo sư, Tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực liên quan đến du lịch.
Sau đó, một số doanh nghiệp lữ hành đã áp dụng đề tài của chị Hạnh vào khai thác du lịch và thu được những tín hiệu khả quan, phản hồi tích cực của du khách, nhất là khách nước ngoài.
Sẵn đà sáng tạo, chị Hạnh tiếp tục chú ý đến những cơn bão đổ vào Đà Nẵng và quyết tận dụng chúng để làm du lịch thông qua dự án “Thành phố bão Đà Nẵng”. Trong dự án này, du lịch mạo hiểm và du lịch thiên tai sẽ là 2 loại hình đặc trưng cho Đà Nẵng.
Các hoạt động du lịch được tiến hành đồng bộ cả trong nhà lẫn ngoài trời. Trong nhà có các hoạt động như chiếu phim 3D, dựng mô hình ảo, tạo bối cảnh về bão, sét và các hiện tượng thiên nhiên dưới góc nhìn khoa học…
Các hoạt động ngoài trời như đu dây, chèo thuyền vượt bão… và hoạt động cứu trợ, thăm hỏi người dân vùng bão, tìm hiểu nguyên nhân gây bão và cách ứng phó… sẽ là những điểm nhấn sáng tạo.
Để đảm bảo an toàn, chị Hạnh khuyến cáo khách du lịch chỉ tham gia khi bão từ cấp 7 trở xuống và buộc phải hoàn toàn đảm bảo an toàn, kiểm soát tốt tình hình.
Ngoài ra, trong đề án "Biến mưa, bão miền Trung thành sản phẩm du lịch”, TS Thu Hạnh còn đưa cả những cơn mưa buồn lãng mạn đặc trưng xứ Huế vào làm du lịch.
Khách có thể đi xích lô trong mưa, mặc áo mưa thời trang dạo mưa phùn trắng trời xứ “Thần Kinh” (tên gọi của kinh đô Huế thời xa xưa) hoặc ngồi ở những địa điểm nổi tiếng ngắm mưa như tác phẩm nghệ thuật.
Song song với đó, nhiều loại hình nghệ thuật có thể trở thành sản phẩm du lịch trong khung cảnh trời mưa ở Huế như thưởng trà cung đình Huế, chơi và nghe đàn chủ đề mưa, ngắm mưa, thiền mưa, thưởng thức các món ăn Huế trong ngày mưa …
Hanh “Happy” – Nguoi “Buon” may, “ban” gio va “kinh doanh” bao lu…
Dự án mưa Huế
Bên cạnh các sản phẩm du lịch được tổ chức trong nhà, các sản phẩm du lịch ngoài trời như: xem múa rối nước, đua xe và lội nước trong ngày mưa, thả đèn hoa đăng, bơi thuyền, câu cá… cũng kỳ vọng sẽ thu hút được đối tượng khách là thanh, thiếu niên thích khám phá, mạo hiểm.
Rồi bóng đêm, một yếu tố thiên nhiên cũng trừu tượng và vô hình như gió, đã bất ngờ được chị phát hiện ra vẻ đẹp và khai thác trong dự án mô hình “khách sạn Bóng đêm” với những dịch vụ giúp du khách trải nghiệm vẻ đẹp thú vị và tinh tế của bóng tối. Dự án này đã được tôn vinh và trao giải thưởng cống hiến trong cuộc thi “Ý tưởng kinh tế xanh 2011”.
Hanh “Happy” – Nguoi “Buon” may, “ban” gio va “kinh doanh” bao lu…
Sản phẩm du lịch từ bóng đêm nhằm hưởng ứng Giờ Trái đất
Dự án “ Sản phẩm du lịch từ rơm Đường Lâm” cũng được ra đời với ý muốn giúp người dân làng cổ Đường Lâm tận dụng rơm để làm ra nhiều sản phẩm du lịch như nhà nghỉ bằng rơm, đồ lưu niệm rơm, thời trang rơm…Điều này góp phần giảm thiểu được việc đốt rơm gây ô nhiễm môi trường, khai thác hiệu quả hơn các giá trị của cánh đồng.

Hanh “Happy” – Nguoi “Buon” may, “ban” gio va “kinh doanh” bao lu…
Chị Hạnh bên sản phẩm du lịch rơm Đường Lâm
Để khai thác hiệu quả tiềm năng gió của Bạc Liêu, chị Hạnh cũng cho ra đời bộ sản phẩm du lịch “ Lắng nghe hơi thở của gió”… Dự án này đã giúp cho nhà máy điện gió Bạc Liêu có một hướng phát triển mới để phát triển chuỗi sản phẩm du lịch từ Gió, tạo thêm nguồn thu nhập lớn từ việc khai thác “cánh đồng điện gió Bạc Liêu”...
Dự án được UBND Tỉnh Bạc Liêu hết sức ủng hộ và đứng ra kết nối với các doanh nghiệp trong tỉnh để triển khai vào thực tế trong năm 2015...

Hoạt động phi lợi nhuận

Với 15 đề án nhận được sự đánh giá cao của nhiều lãnh đạo hàng đầu các Bộ, ngành cũng như lãnh đạo địa phương nhưng TS Hạnh và nhóm STDs lại sống bằng những nghề khác mà chưa hề thu lại lợi nhuận từ dự án đã công bố.
Chị Hạnh tâm sự, sứ mệnh của tổ chức nghiên cứu khoa học chị lập ra nhằm thay đổi tư duy làm du lịch của người Việt, đã là sứ mệnh thì chị không hề tính đến lợi nhuận, thiệt hơn.
Tổ chức STDe chị thành lập tập trung đầu tư trọng điểm cho các công trình nghiên cứu có “Tư duy đột phá”, giải quyết các thách thức lớn nhất của du lịch Việt Nam như cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu…
Mặc dù, số tiền chị Hạnh bỏ vào để nghiên cứu những dự án này lên đến gần 2 tỷ đồng, tuy nhiên, với những tình nguyện viên của dự án, chị Hạnh vẫn trả lương để mọi người hoạt động, đã có nhiều doanh nghiệp khai thác ý tưởng đó nhưng chị không đề cập việc chia sẻ lợi nhuận với họ.

Hanh “Happy” – Nguoi “Buon” may, “ban” gio va “kinh doanh” bao lu…
Chị Nguyễn Thu Hạnh trong dự án "Thiền"
Là nhà khoa học, chị Hạnh nhận thấy Việt Nam đang sở hữu một kho báu tài nguyên vô cùng dồi dào nhưng chỉ khai thác được rất ít, nhiều khi khai thác không đúng cách, làm thất thoát tài nguyên, thiếu tư duy khoa học.
“Ở nhiều nước phát triển như Hàn, Nhật, tài nguyên tự nhiên không nhiều nhưng bằng trí tuệ và sáng tạo, họ đã tạo ra nhiều đột phá cho du lịch. Họ làm được thì tại sao Việt Nam lại không thể? Cái còn thiếu nhất chính là tư duy đột phá” – chị Hạnh cho hay.
Tuy nhiên, những “tư duy ngược” xưa nay vẫn luôn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều nên khi mới công bố, dự án của TS Thu Hạnh cũng không ngoài lệ đó.
Thời điểm đó, hầu hết ai cũng cho rằng chị Hạnh “hâm”, “có vấn đề” từ bỏ môi trường Nhà nước, đang nhiều cơ hội thăng tiến ra làm dự án phi lợi nhuận.
Hơn nữa, bỏ vài tỷ đồng ra nghiên cứu chỉ với mục đích giúp người dân cũng như các doanh nghiệp du lịch có hướng mới trong việc khai thác lợi ích du lịch từ thiên nhiên, thiên tai, thậm chí người chồng đầu ấp tay gối với chị, là một Phó Giáo sư cũng không thể nào hiểu được ý nghĩ của vợ và hết sức phản đối.
Trẻ hơn nhiều so với độ tuổi ngoại tứ tuần, giờ đây, chị Hạnh có thể bình thản kể về những sóng gió đã qua. Với bản tính sôi nổi, ưa khám phá, chắc chắn chị chưa dừng lại ở những sản phẩm đã thành công trong quá khứ.
Biệt danh “Happy” mang nghĩa là hạnh phúc luôn luôn gắn bó với chị. Tuy nhiên, chị cũng cho hay, sức một mình chị thì không thay đổi được cục diện, cần phải có sự chung tay và ủng hộ của nhiều cơ quan, người có trách nhiệm, doanh nghiệp và cả người dân.
Ở góc độ nhà quản lý, ông Trương Văn Bay – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An từng chia sẻ rằng, đây là dự án biến “họa” thành “phúc” và phù hợp với xu hướng chung của du khách phương Tây.
Thực tế đã chứng minh, trong các trận bão, lụt, du khách ở Hội An vẫn tham gia hoạt động du lịch một cách tự phát, nếu được tổ chức quy củ, chắc chắn sẽ phát huy được thế mạnh.

Còn ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao- Du lịch Thừa Thiên Huế đánh giá dự án mưa Huế rằng, cùng với di sản Huế, ẩm thực Huế, văn hóa Huế thì mưa Huế là phần làm nên thương hiệu của du lịch Huế. Từ góc độ nhà quản lý, ông Minh luôn mong muốn ý tưởng của dự án sẽ được phát huy trong tương lai.

Khép lại cuộc trò chuyện, TS Nguyễn Thu Hạnh cho hay, tư duy ăn sẵn với “nền kinh tế cơ bắp” (nền kinh tế dựa vào nhân công giá rẻ) và “nền kinh tế đào mỏ” (dựa vào khai thác tài nguyên) cùng với tầm nhìn ngắn hạn đã khiến cho tài nguyên thiên nhiên Việt Nam dần cạn kiêt, môi trường bị hủy hoại. Cứ tiếp tục như vậy thì Việt Nam sẽ không thể xây dựng được nền kinh tế tri thức, dựa vào sức sáng tạo của mình.

Trí Lâm

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngày 20.10, gặp người buôn mây, bán gió và kinh doanh bão lũ…