Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), tính chung trong 8 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 313,48 triệu USD.

8 tháng đầu năm Việt Nam đầu tư hơn 300 triệu USD ra nước ngoài

03/09/2018, 10:56

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), tính chung trong 8 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 313,48 triệu USD.

Việt Nam đầu tư ra nước ngoài lũy kế 22 tỉ USD - Ảnh minh họa

Trong 8 tháng đầu năm 2018, cả nước có 93 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đầu tư của phía Việt Nam là 271,46 triệu USD; 22 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư của Việt Nam tăng thêm 42 triệu USD.

Tính chung trong 8 tháng, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 313,48 triệu USD.

Trong đó, lĩnh vực tài chính ngân hàng dẫn đầu với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 105,77 triệu USD, chiếm 33,7% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đứng thứ hai với 63,84 triệu USD và chiếm 20,3% tổng vốn đầu tư.

Công nghiệp chế biến, chế tạo đứng thứ 3 với 45,87 triệu USD, chiếm 14,6% tổng vốn đầu tư. Còn lại là các dự án thuộc các lĩnh vực khác.

Cũng trong 8 tháng này, Việt Nam đã đầu tư sang 29 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Lào là địa bàn dẫn đầu với 95,19 triệu USD, chiếm 30,4% tổng vốn đầu tư. Úc xếp thứ 2 với 37,7 triệu USD, chiếm 12% tổng vốn đầu tư. Với 1 dự án có vốn đầu tư Việt Nam là 35,93 triệu USD, Slovakia xếp thứ 3 và chiếm 11,4% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Campuchia, Cuba, Myanmar.

Theo một báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2017, Việt Nam đầu tư sang 27 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký 268,5 triệu USD (giảm 10% số dự án và 84% vốn đăng ký so với năm 2016. Tính tổng số vốn cấp mới và tăng thêm trong năm 2017 là 350 triệu USD (giảm 64% so với năm 2016).

Về địa bàn đầu tư, Việt Nam đổ vốn nhiều nhất vào Marshall Islands (56,9 triệu USD, chiếm 16,3% tổng vốn đăng ký), Mỹ (56,5 triệu USD, chiếm 16,2%), Campuchia (56,5 triệu USD, chiếm 16,1%), Úc (48,2 triệu USD, chiếm 13,8%), Uganda (35 triệu USD, chiếm 10%).

Đáng nói, Marshall Islands là quần đảo nằm trong danh sách “đen”, được cho là “thiên đường thuế” của thế giới.

Tình hình đầu tư ra nước ngoài những năm gần đây không biến động nhiều về mặt số lượng dự án nhưng giảm về quy mô vốn đầu tư; hoạt động đầu tư của doanh nghiệp nhà nước ít dần; đầu tư của doanh nghiệp phi nhà nước, cá nhân và doanh nghiệp FDI đều có xu hướng tăng; địa bàn đầu tư cũng như lĩnh vực đầu tư có sự chuyển dịch.

Cụ thể: Về địa bàn đầu tư, hoạt động đầu tư ra nước ngoài đang bắt đầu dịch khỏi hai thị trường truyền thống là Lào và Campuchia. Hai địa bàn Úc và Myanmar ngày càng thu hút nhiều dự án đầu tư từ Việt Nam với quy mô vốn nhỏ. Các thị trường như Singapore và Mỹ vẫn duy trì là các thị trường có số lượng dự án đầu tư ra nước ngoài cao.

Bộ KH-ĐT nhận định xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư ra nước ngoài từ vốn nhà nước sang vốn tư nhân là sự thay đổi phù hợp với quy luật phát triển của nền kinh tế và nhận thức ngày càng tăng của xã hội về kênh đầu tư ra nước ngoài; làm giảm rủi ro đối với việc sử dụng vốn nhà nước.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
8 tháng đầu năm Việt Nam đầu tư hơn 300 triệu USD ra nước ngoài