Ngày 1.3, Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ cho biết các bác sĩ Khoa Chẩn đoán hình ảnh đã can thiệp thành công trường hợp xuất huyết tự phát mức độ nặng hiếm gặp ở bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.
Bệnh nhân nữ T.T.T (sinh năm 1968, ở H.Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) bị ho khạc đờm đục, khó thở ngày càng nặng, kết quả xét nghiệm Reatime PCR SARS-CoV-2 dương tính, được chỉ định nhập điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ với chẩn đoán: COVID-19 mức độ nặng, viêm phổi, suy hô hấp...
Sau 9 ngày nằm viện có sử dụng kháng đông theo phác đồ điều trị COVID-19, bệnh nhân vẫn đau bụng vùng hạ sườn-hông-quanh rốn (P) và có triệu chứng sốc giảm thể tích do mất máu cấp: bụng chướng, đau bụng phải, mạch nhanh nhẹ, huyết áp thấp, niêm nhạt, da xanh... Kết quả xét nghiệm công thức máu: chỉ số hemoglobin giảm nặng. Bệnh nhân được hồi sức tích cực và truyền máu, siêu âm bụng và chụp cắt lớp có bơm thuốc cản quang, ghi nhận khối máu tụ vùng thành bụng (P) với dấu hiệu xuất huyết nội đang diễn tiến.
Các bác sĩ hội chẩn quyết định chụp và nút động mạch điều trị cầm máu các tạng số hóa xóa nền, do BSCK1 Trần Công Khánh - Phó khoa Chẩn đoán hình ảnh thực hiện. Kết quả ghi nhận đa ổ xuất huyết xuất phát từ nhánh động mạch thượng vị - dưới (P), tiến hành bơm hỗn hợp keo vào nhánh động mạch có thoát mạch. Kỹ thuật này thành công sau 60 phút, ổ xuất huyết đã được kiểm soát, chấm dứt hoàn toàn. Tình trạng bệnh nhân sau can thiệp huyết động và toàn trạng ổn định dần. Bệnh nhân được xét nghiệm COVID-19 bằng kỹ thuật RT- PCR cho kết quả âm tính nên được chuyển đến Khoa Nội hô hấp điều trị.
Tình trạng hiện tại: Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, sinh tồn ổn định, bụng mềm, không chướng, phổi thông khí tốt, dự kiến xuất viện ngày mai 2.3.
BSCK2 Dương Thiện Phước - Trưởng khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện cho biết: Những bệnh nhân COVID-19 trầm trọng thường có sự tăng đông. Điều trị kháng đông thường được đề nghị áp dụng để giảm nguy cơ huyết khối dẫn đến biến chứng nặng, tiềm ẩn như chảy máu tự phát. Thuyên tắc động mạch qua da (PTAE) có thể cứu sống những bệnh nhân nặng nguy kịch cùng với sự phối hợp điều trị thuốc.
Ở những bệnh nhân COVID-19 trung bình hoặc nặng thường hiện diện tình trạng tăng đông. Đây là hậu quả của độc tính vi rút cũng như tình trạng đáp ứng viêm quá mức của cơ thể, vì thế các thuốc kháng đông được các bác sĩ chỉ định. Điều này có thể dẫn đến tăng biến chứng như chảy máu tự phát (0,1 - 0,6%).
Chảy máu tự phát ở mô mềm thường thấy ở vùng chậu hoặc vùng cơ mông. Những vùng này được chú ý vì có nguy cơ dẫn đến mất ổn định huyết động và đe dọa tính mạng (tỷ lệ tử vong có thể lên đến 30% theo các nhà nghiên cứu Pháp). Các yếu tố nguy cơ của tình trạng chảy máu tự phát này gồm có: những bệnh nhân nặng đang nằm đơn vị hồi sức tích cực, lớn tuổi, đang dùng thuốc kháng đông, béo phì, có các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường.
Việc điều trị chảy máu tự phát ở bệnh nhân COVID-19 thường bắt đầu bằng việc điều chỉnh lại tình trạng đông cầm máu, ngưng thuốc kháng đông, truyền dịch, truyền máu. Những bệnh nhân nặng, có huyết động không ổn định có thể được điều trị bằng thuyên tắc động mạch qua da (PTAE). Đây là một phương pháp điều trị được lựa chọn do tính chất xâm lấn tối thiểu cũng như tiến hành nhanh chóng và an toàn. Tuy nhiên, bác sĩ cũng đối mặt với nhiều thử thách khi tiến hành PTAE trên bệnh nhân COVID-19: các động mạch trở nên mỏng manh hơn, dễ rách thành mạch máu, và việc bung các coil cũng có thể bị cản trở do co thắt thành mạch. Do những bệnh nhân COVID-19 và dùng thuốc kháng đông thường tổn thương các mạch máu nhỏ ở xa nên cũng khiến việc can thiệp trở nên khó khăn hơn so với những bệnh nhân thường.
Theo BSCK2 Phạm Thanh Phong - Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ, đối với những ca cấp cứu như trên, ngoài khả năng chuyên môn của các bác sĩ thì phương tiện, trang thiết bị cũng đóng vai trò quyết định. Chính vì vậy nhiều năm qua, bênh cạnh đào tạo đội ngũ nhân lực, bệnh viện đã tập trung đầu tư và sử dụng rất hiệu quả nhiều trang thiết bị y tế hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám và điều trị của người dân. Trong đó có thể kể đến như hệ thống chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA ) hiện có 3 hệ thống với 1 hệ thống 2 bình diện; 3 máy chụp cắt lớp vi tính (CT Scan); 2 hệ thống chụp cộng hưởng từ hiện đại (MRI), trong đó 1 hệ thống MRI 3 Telsa đã được đưa vào sử dụng; cùng với đó là 3 hệ thống trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO)…
“Chính những thiết bị hiện đại này đã giúp các bác sĩ phát huy chuyên môn, giúp bệnh viện triển khai thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu như can thiệp mạch vành, mạch não, mạch tạng, mạch chi, mổ tim hở; điều trị các bệnh lý động mạch chủ ngực bằng stent graft; can thiệp ECMO… Đặc biệt bệnh viện đã kịp thời cứu sống nhiều bệnh nhân nặng, trong đó phải kể đến các ca nhiễm COVID -19 nguy kịch được các tuyến chuyển về điều tại Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị COVID-19 quốc gia tại bệnh viện.