Nợ xấu có liên quan mật thiết đến thị trường bất động sản và các ngành có liên quan đến bất động sản. Đây chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nhiều dự án bất động sản "trùm mền", dở dang. Tại TP.HCM, đã có khoảng 500 dự án ngừng triển khai.

500 dự án bất động sản TP.HCM đang 'trùm mền' vì nợ xấu

Phan Diệu | 16/06/2017, 18:49

Nợ xấu có liên quan mật thiết đến thị trường bất động sản và các ngành có liên quan đến bất động sản. Đây chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nhiều dự án bất động sản "trùm mền", dở dang. Tại TP.HCM, đã có khoảng 500 dự án ngừng triển khai.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) ngày 15.6 đã có văn bản góp ý dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Theo đó, HoREA đã dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến ngày 31.12.2016, nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng đã đạt trên 160.000 tỉ đồng, chiếm 2,52% tổng dư nợ.

Tổng nợ xấu mà Công ty mua bán nợ VAMC đã mua nhưng chưa xử lý được là 195.000 tỉ đồng, chiếm 3,39% tổng dư nợ. Tổng nợ xấu nội bảng và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được đã trên 345.000 tỉ đồng, chiếm 5,8% tổng dư nợ.

Tính gộp tổng nợ xấu nội bảng và nợ xấu mà Công ty mua bán nợ VAMC đã mua nhưng chưa xử lý được và nợ có nguy cơ cao trở thành nợ xấu trên cơ sở tính toán thận trọng của Ngân hàng Nhà nước thì chiếm tỷ lệ khoảng 10,08% trên tổng dư nợ cho vay.

Đáng chú ý, trong điều kiện áp dụng đồng bộ các giải pháp hạn chế nợ xấu thì hàng năm nợ xấu vẫn phát sinh thêm 1,3 - 1,5% trên tổng dư nợ do các nguyên nhân khách quan, chủ quan. Đồng thời, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng bình quân mỗi năm khoảng 16% trong 5 năm tới, dự kiến trong 5 năm tới sẽ phát sinh thêm nợ xấu khoảng 350.000 tỉ đồng.

Như vậy, tổng nợ xấu sẽ lên đến khoảng 600.000 tỉ đồng, do đó cần phải được xử lý hiệu quả, mà không gây tác động tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế. Nợ xấu bao gồm cả hơn 90.000 tỉ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản trong nhiều năm qua.

Đặc biệt, HoREA cho rằng nợ xấu có liên quan mật thiết đến thị trường bất động sản và các ngành có liên quan đến bất động sản. Đây chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nhiều dự án bất động sản "trùm mền", dở dang.Tại TP.HCM, đã có khoảng 500 dự án ngừng triển khai.

“Nợ xấu thường được bảo đảm bằng tài sản thế chấp là bất động sản, dự án bất động sản, nhà ở đã hoàn thành, nhà ở hình thành trong tương lai. Nợ xấu nhưng tài sản bảo đảm không xấu, vì thông thường bất động sản khi thế chấp để vay tín dụng chỉ được tổ chức tín dụng trị giá phổ biến ở mức trên dưới 60% giá trị thực.

Tài sản bảo đảm của nợ xấu có thể là tài sản của người đi vay, có thể là tài sản của bên thứ ba (người bảo lãnh vay tín dụng), cũng có trường hợp là căn hộ của người mua nhà trong dự án mà chủ đầu tư đã thế chấp cho tổ chức tín dụng... Do vậy, khi xử lý nợ xấu đề nghị cần xem xét bao quát các vấn đề nêu trên”, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA nhận định.

Để giải quyết nợ xấu trong thị trường bất động sản, HoREA nói rằng đã nhiều lần đề nghị sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản để cho phép chuyển nhượng dự án theo cơ chế như nội dung được xác định tại điều 10 của dự thảo Nghị quyết.

HoREA cho rằng cần coi việc chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng một phần dự án là hoạt động kinh doanh bình thường giữa các nhà đầu tư với nhau. Do đó, HoREA đã đề nghị Quốc hội cho phép áp dụng rộng rãi cơ chế chuyển nhượng dự án bất động sản.

Bởi lẽ, việc này sẽ giúp khai thông thị trường mua bán, chuyển nhượng dự án (M&A), khai thông nguồn vốn, tái khởi động các dự án đang bị ngừng triển khai. Đây cũng là một giải pháp góp phần tích cực xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, mà chủ thể thực hiện lại chính là các doanh nghiệp bất động sản, sử dụng nguồn vốn tư nhân, hoàn toàn không liên quan đến ngân sách nhà nước.

“Với việc ban hành cơ chế xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản trong dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được Quốc hội xem xét thông qua lần này, sẽ mở đường cho việc sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản trong thời gian tới”, ông Châu nói thêm.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
500 dự án bất động sản TP.HCM đang 'trùm mền' vì nợ xấu