Theo thống kê của công ty chuyên nguyên cứu về các startup CB Insights, cả thế giới hiện có 335 startup tỉ USD. Riêng khu vực Đông Nam Á có 6 startup đang được định giá từ 1 tỉ USD và 4 trong số đó đến từ Indonesia.
Cách đây vài ngày, hãng Bloomberg dẫn nguồn tin từ công ty nghiên cứu CB Insights (trụ sở New York, Mỹ) cho biết, trong bản danh sách 19 startup có mức định giá từ 10 tỉ USD trở lên trên toàn cầu có sự góp mặt của các công ty ứng dụng gọi xe đình đám như Uber, Grab, Lyft và mới nhất là Go-Jek. Đây là startup đầu tiên của Indonesia và thứ hai của Đông Nam Á (sau Grab) được định giá từ 10 tỉ USD trở lên.
Cũng theo CB Insights, chỉ riêng Đông Nam Á đã có 6 startup đang được định giá từ 1 tỉ USD. Bốn trong số 6 startup đó đến từ Indonesia.
Với dân số 250 triệu người đứng thứ 4 thế giới (năm 2017), doanh số từ thương mại điện tử tăng trưởng khoảng 10 tỉ USD mỗi năm và dự kiến đạt 130 tỉ USD vào năm 2020, tăng trưởng kinh tế bình quân 5%/năm còn tỷ lệ sử dụng smartphone ước đạt 100 triệu người vào năm 2020... Indonesia đang có rất nhiều thuận lợi để trở thành trung tâm khởi nghiệp tiếp theo, sau Trung Quốc.
Và cũng sẽ không nói quá khi nhận định Indonesia hiện là quốc gia đứng đầu trong hệ sinh thái khởi nghiệp ở Đông Nam Á. Dưới đây là 4 "cánh chim đầu đàn" của giới startup Indonesia cũng như toàn Đông Nam Á:
Go-Jek được định giá 10 tỉ USD
Nadiem Makarim là người sáng lập kiêm CEO của Go-Jek. Ảnh: TechwireAsia
Ra đời với mục đích đơn giản ban đầu là cải thiện ngành xe ôm tại Indonesia nhưng 9 năm sau, đồng sáng lập Nadiem Makarim - CEO của Go-Jek đã đi vào lịch sử startup Indonesia cũng như Đông Nam Á. Go-Jek hiện đã phát triển thành một hệ sinh thái cung cấp nhiều tiện ích cho khách hàng từ gọi xe, giao đồ ăn, đặt vé sự kiện, massage tại nhà cho đến thanh toán di động.
Đây là startup tỉ USD đầu tiên của Indonesia và cũng là công ty duy nhất ở Đông Nam Á vào Top 50 công ty làm thay đổi thế giới của tạp chí Fortune năm 2017.
Điều thú vị là Nadiem Makarim cũng là bạn học tại trường kinh doanh Harvard cùng với Anthony Tan, người đồng sáng lập - CEO Grab. Hai startup đắt giá nhất Đông Nam Á Go-Jek và Grab đang ở trong một cuộc đấu gay cấn nhằm giành vị thế thống lĩnh tại thị trường gọi xe Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, Go-Jek hoạt động với cái tên Go-Viet cùng các dịch vụ tương tự.
Tokopedia được định giá 7 tỉ USD
William Tanuwijaya - đồng sáng lập Tokopedia - Ảnh: Internet
Tokopedia hiện là sàn thương mại điện tử lớn nhất Indonesia, được thành lập năm 2009 và nhanh chóng phát triển nhờ xu hướng sử dụng di động thông minh, mua sắm trực tuyến tại Indonesia. Đứng sau startup này là đồng sáng lập William Tanuwijaya, xuất thân là con trai của một công nhân ở nhà máy.
Sàn thương mại điện tử "made in Indonesia này đang là một trong những đối thủ lớn nhất của Lazada thuộc tập đoàn Alibaba của Trung Quốc, hay Shopee thuộc Sea Ltd của Singapore và một startup "nội bộ" là Bukalapak. Chính Alibaba cũng đang rót vốn vào startup này của Indonesia.
Traveloka được định giá 2 tỉ USD
Traveloka là startup du lịch trực tuyến lớn nhất Đông Nam Á hiện nay. Công ty do 3 kỹ sư Ferry Unardi, Derianto Kusuma và Albert Zhang thành lập năm 2012. Traveloka hiện hoạt động tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore, Việt Nam và Úc.
Hồi đầu tháng 3 có một "scandal" liên quan đến Traveloka là việc AirAsia tuyên bố ngừng hợp tác vĩnh viễn đối với nền tảng này vì cho rằng có hành vi "chơi xấu".
Cụ thể, AirAsia cho hay trong 2 tuần của tháng 2.2019, các chuyến bay của AirAsia Indonesia đã 2 lần biến mất một cách bí ẩn khỏi Traveloka và cùng lúc đó lại gợi ý khách hàng mua vé trên cùng tuyến bay nhưng từ các hãng hàng không khác. Mặc dù Traveloka giải thích lý do là nâng cấp hệ thống để giải thích AirAsia nhưng hãng hàng không không chấp nhận, cho rằng việc làm đó đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ giữa 2 hãng, là một ví dụ rõ ràng của việc đối xử thiên vị.
Bukalapak được định giá 1 tỉ USD
Bukalapak được thành lập năm 2011 với tên gọi có nghĩa là “mở một gian hàng”, được xem là đối thủ của Tokopedia trên thị trường thương mại điện tử Indonesia.
Điểm đáng chú ý là công ty này hướng tới những người tiêu dùng ngoại tuyến, bằng cách xây dựng mạng lưới kết nối với các đại lý, chủ yếu là các kiốt bán đồ tiện lợi quy mô gia đình hoặc các nhà hàng bán đặc sản địa phương.
Theo đó, Bukalapak cho phép người dùng đăng ký và mở một cửa hàng trực tuyến, đồng thời trở thành đại diện của chính công ty mình trong việc quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng. Nếu khách hàng không thể kết nối mạng Internet nhưng muốn mua thứ gì đó trên Bukalapak thì có thể tiếp cận các đại lý để được trợ giúp trong việc đặt hàng trực tuyến.
Đáng chú ý theo TheJakartaPost, vào tháng 2.2019, Bukalapak cùng với Học viện Công nghệ Bandung (ITB) đã chính thức ra mắt Trung tâm Sáng tạo Điện toán đám mây và Trí tuệ Nhân tạo Bukalapak-ITB, một phòng thí nghiệm nghiên cứu dành cho sinh viên, giảng viên và nhà nghiên cứu Indonesia để tập trung vào các dự án AI và điện toán đám mây. Trung tâm R&D sẽ được đặt tại khuôn viên ITB ở Bandung, Tây Java. Sinh viên làm việc trong các dự án tại trung tâm R&D sẽ có cơ hội làm việc tại Bukalapak sau khi tốt nghiệp.
Hai startup tỉ USD đình đám còn lại của Đông Nam Á gồm:
Grab được định giá 14 tỉ USD, thành lập tại Malaysia sau chuyển trụ sở sang Singapore
Grab được sáng lập năm 2012 tại Malaysia với tên gọi ban đầu là MyTeksi. Tháng 8.2013, MyTeksi tiến vào thị trường Philippines dưới tên GrabTaxi. Năm 2014, GrabTaxi chuyển trụ sở chính sang Singapore và đầu năm 2016 thì đổi tên thành Grab cho đến nay.
Hiện Grab đã có mặt tại 8 nước Đông Nam Á và mở rộng thêm nhiều dịch vụ khác bên ngoài dịch vụ gọi xe taxi như.gọi xe cá nhân, xe ôm, xe đi chung, giao hàng, giao đồ ăn, thanh toán di động… Việc "đánh bật" được Uber để từng bước chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á là được cho là một thành công lớn của Grab.
Revolution Precrafted được định giá 1 tỉ USD, trụ sở Philippines
Nhà sáng lập của Revolution Precrafted
Công ty chuyên phát triển nhà ở dựng sẵn Revolution Precrafted là startup kỳ lân đầu tiên của Philippines. Công ty này do Robbie Antonio, người xuất thân từ một gia đình có truyền thống kinh doanh bất động sản, thành lập.
Antonio cũng là người đứng sau các dự án tỉ USD của gia đình, hợp tác với những tên tuổi lớn như Forbes Media, Armani/Casa, Versace Home, Paris Hilton và cả Tập đoàn Trump. Robbie chuyển sang thiết kế nhà chuyên nghiệp với giá phải chăng để có tiếp cận được với nhiều người hơn.
Revolution Precrafted bán những căn nhà đã hoàn thiện thô, do các kiến trúc sư, kỹ sư danh tiếng trên thế giới như Zaha Hadid, David Salle, Tom Dixon, Marcel Wanders... thiết kế. Phần khung căn nhà sẽ được chuyển tới tận nơi để khách hàng và lắp ráp, hoàn thiện thành một căn nhà kiên cố. Giá mỗi căn nhà sẽ vào khoảng 120.000 USD (năm 2017). Khách hàng trên khắp thế giới có thể đặt mua qua trang web của startup này và nhận nhà trong vòng ít nhất 90 ngày.
Việc Revolution Precrafted trở thành startup kỳ lân được xem là một bước đột phá với cộng đồng startup Philippines, trong bối cảnh các chương trình hỗ trợ vốn và chính sách của nước này dành cho startup còn thua kém so với các nước láng giềng.
A.Thư