4 chuyên gia y tế công cộng nói hành vi cá nhân của họ và tính toán rủi ro trong đợt dịch Omicron.

4 chuyên gia chỉ cách chọn khẩu trang, cách ly và giữ an toàn trong đợt dịch Omicron

Sơn Vân | 09/01/2022, 15:39

4 chuyên gia y tế công cộng nói hành vi cá nhân của họ và tính toán rủi ro trong đợt dịch Omicron.

Biến thể Omicron lây lan cực nhanh khiến nhiều người đã tiêm vắc xin cảm thấy bối rối, không biết hoạt động nào là an toàn khi bước vào năm thứ ba của đại dịch COVID-19.

Omicron khả năng lây truyền nhanh hơn nhiều so với các biến thể SARS-CoV-2 trước đó và tránh được kháng thể của vắc xin hoặc miễn dịch tự nhiên từ việc khỏi COVID-19 nhưn có vẻ ít gây ra bệnh nặng hơn.

Tính đến ngày 8.1.2022, số ca mắc COVID-19 mới ở Mỹ trung bình 7 ngày qua lên đến 714.070, còn số người chết do COVID-19 trung bình 7 ngày qua là 1.398. Hơn 110.000 bệnh nhân COVID-19 ở Mỹ phải nhập viện. Với nhiều người, những số liệu thống kê rõ ràng đó đặt ra những câu hỏi quen thuộc về việc liệu có nên cắt giảm các cuộc tụ tập xã hội, du lịch và hoạt động khác hay không.

NBC News đã hỏi 4 chuyên gia y tế công cộng về hành vi cá nhân của họ và tính toán rủi ro trong đợt dịch này. Tất cả họ đều khuyên những người đã tiêm vắc xin nên cảnh giác và thận trọng, không quay trở lại hoàn toàn với cuộc sống trước đại dịch, nhưng họ không có sự đồng thuận xung quanh một số hoạt động như đi máy bay.

Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota (Mỹ), áp dụng biện pháp thận trọng nhất, nói rằng ông đã tránh đi du lịch và ăn uống nhà hàng kể từ tháng 3.2020.

Những người khác cho biết họ đã quay trở lại một số nghi lễ như trước đại dịch trong khi vẫn thực hiện các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt.

Sau đây là câu trả lời của các chuyên gia cho 5 câu hỏi phổ biến mà bạn có thể nghĩ đến.

Đeo loại khẩu trang nào?

Câu trả lời là N95, KN95, KF94 hoặc miếng che mặt chất lượng cao tương tự.

Tiến sĩ Kavita Patel, bác sĩ chăm sóc chính ở thủ đô Washington và là học giả tại Viện Brookings, nói nên bỏ những loại khẩu trang vải phổ biến trong các đợt dịch COVID-19 trước đó. Khẩu trang chất lượng cao hơn như N95 có hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn các hạt vi rút.

Tôi đã vứt bỏ khẩu trang bằng vải của mình. Tuy nhiên, tôi đã để dành một vài chiếc mặt nạ vải yêu thích của các con tôi, nhưng tôi cho chúng đeo KN95 tới trường”, theo Kavita Patel, cộng tác viên y tế của NBC News và là cây viết cho MSNBC.

Dù vậy, nếu khẩu trang vải là tất cả những gì bạn sở hữu thì có còn hơn không.

cac-chuyen-gia-chi-cach-giu-an-toan-trong-dot-dich-omicron1.jpg
Nên đeo khẩu trang N95 thay vì vải để tránh lây truyền Omicron

Đi máy bay có được không?

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo du khách trong nước nên trì hoãn bất kỳ chuyến đi nào cho đến khi họ được tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ và mọi người phải đeo khẩu trang tại sân bay cũng như trên máy bay.

Các chuyên gia bày tỏ mức độ thoải mái khác nhau khi di chuyển bằng máy bay ở giai đoạn này của đại dịch. Michael Osterholm nói ông vẫn chưa sẵn sàng tiếp tục bay và chỉ đi máy bay một lần kể từ tháng 3.2020, trong khi “thông thường tôi là người bay 150.000 dặm (241.401km) một năm”.

Bất cứ điều gì tôi có thể tránh, tôi sẽ làm. Đó là một điều dễ dàng với tôi theo nghĩa là tôi có thể hoàn thành những gì cần thiết mà không cần phải lên máy bay”, Michael Osterholm thổ lộ. Tương tự như vậy, Michael Osterholm cũng tránh đi tàu hỏa và xe buýt.

Các chuyên gia khác đã cởi mở hơn với việc đi lại bằng đường hàng không. Kavita Patel cho biết cô đã đến Puerto Rico vào tháng trước để đi nghỉ cùng chồng và hai con, tất cả đều đã tiêm vắc xin.

Kavita Patel đeo chiếc khẩu trang N95 trên chuyến bay, không tháo ra lần nào và nghiên cứu tình hình COVID-19 ở Puerto Rico trước khi đến đây, như CDC khuyến nghị. Kavita Patel nói cô đã lên kế hoạch cho chuyến đi trước khi các số ca COVID-19 tăng đột biến trên đảo này.

Tiến sĩ Celine Gounder, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại trung tâm y tế học thuật NYU Langone Health ở thành phố New York (Mỹ), nói cô và chồng đã bay đến thành phố Kansas (bang Missouri) vào khoảng thời gian Giáng sinh.

Họ cũng đeo khẩu trang N95 khi đi du lịch và không ăn uống dọc đường để không phải bỏ khẩu trang. Khi ở thành phố Kansas, họ xét nghiệm nhanh vào mỗi buổi sáng.

Tiến sĩ Leana Wen, bác sĩ cấp cứu và là cựu ủy viên y tế của bang Baltimore, nói cô sẽ cảm thấy khá tự tin trên máy bay khi đeo khẩu trang nếu chỉ phải lo lắng cho bản thân và chồng. Thế nhưng, họ có hai đứa con dưới 5 tuổi, không đủ điều kiện tiêm vắc xin COVID-19, trong đó có một bé dưới 2 tuổi không thể đeo khẩu trang nên cô tránh đi máy bay.

Có ăn ở nhà hàng không?

Michael Osterholm thực sự thận trọng khi không ghé thăm một nhà hàng nào kể từ tháng 3.2020. Ông chỉ đi vào các cửa hàng tạp hóa một số lần (tất nhiên là đeo khẩu trang) và chủ yếu đặt đồ ăn trực tuyến.

Trong khi đó, Celine Gounder đã không ăn tối ở không gian trong nhà hàng kể từ khi COVID-19 xuất hiện tại Mỹ, nhưng cô và chồng (sống ở thành phố New York) thỉnh thoảng ăn bên ngoài nhà hàng tạm bợ nằm dọc nhiều con phố.

Celine Gounder tiếp tục tránh các rạp chiếu phim, buổi biểu diễn Broadway và phòng tập thể dục, nói rằng “có thể sẽ mất một thời gian” trước khi cô cảm thấy thoải mái khi quay lại các cơ sở đó.

Đưa con đến trường có an toàn không?

Cuộc tranh luận về việc đóng cửa trường học lại một lần nữa làm sôi động nước Mỹ. Có sự đồng thuận về sức khỏe cộng đồng về việc gửi trẻ em đã tiêm vắc xin đến lớp là an toàn, miễn ban giám hiệu nhà trường và giáo viên có ý thức đeo khẩu trang và các nỗ lực giảm thiểu rủi ro khác.

Song với các bậc cha mẹ có con dưới 5 tuổi, việc đánh giá rủi ro có thể phức tạp hơn.

Leana Wen nói con trai 4 tuổi của cô đang đi học trường mầm non. “Chúng ta cần chấp nhận rằng mọi thứ chúng ta làm đều có rủi ro”, cô nói.

Mục tiêu của chúng tôi tại thời điểm này không thể là tránh hoàn toàn SARS-CoV-2. Điều đó sẽ cực kỳ khó khăn. Cái giá phải trả để không mắc bệnh vô cùng cao. Chúng tôi không sẵn sàng cho con nghỉ học để không mắc COVID-19”, Leana Wen nói thêm.

Leana Wen nói trường mầm non của con trai cô có nhiều biện pháp phòng ngừa COVID-19 và cố gắng giữ trẻ ở bên ngoài khi có thể, ngay cả nếu trời lạnh.

Kavita Patel cho biết cô sẽ khuyên các bậc cha mẹ có con nhỏ nên đảm bảo rằng nơi giữ trẻ hay trường mẫu giáo yêu cầu đeo khẩu trang và thường xuyên kiểm tra các triệu chứng của bé.

Dù vậy, Celine Gounder nói các bậc cha mẹ của những đứa trẻ nhỏ có thể muốn cân nhắc giữ chúng ở nhà ngay bây giờ, nếu đủ khả năng.

Nhưng nếu cả bố và mẹ đều làm việc ở ngoài hoặc việc chăm sóc đó quá tốn kém, đó có thể không phải là lựa chọn, đặc biệt là các gia đình có thu nhập thấp hơn”, Celine Gounder nói thêm.

Nên xử lý cách ly như thế nào?

Nguồn gốc gần đây nhất của sự nhầm lẫn về các giao thức COVID-19 đến vào tuần trước, khi CDC rút ngắn thời gian khuyến nghị mọi người nên cách ly từ 10 ngày xuống còn 5 ngày nếu không có triệu chứng. Cơ quan này không yêu cầu người dân xét nghiệm âm tính trước khi trở lại cộng đồng.

Thông báo này đã dẫn đến sự phản đối kịch liệt từ một số chuyên gia y tế, những người cho rằng thời hạn ngắn hơn có thể tạo cơ hội cho vi rút lây lan nhiều hơn. CDC đã làm rõ hướng dẫn của mình hôm 4.1.2022, nói rằng mọi người có thể sử dụng các xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào khoảng ngày thứ 5 sau khi cách ly nếu họ muốn và có quyền tiếp cận chúng, đồng thời nên đeo khẩu trang trong 5 ngày nữa.

Celine Gounder cho biết hướng dẫn "có lẽ là điều khó hiểu nhất mà tôi thấy cho đến nay".

Cô nói thêm rằng mọi người nên đi xét nghiệm trước khi kết thúc cách ly, vì một số có thể vẫn lây truyền vi rút đến 8 ngày sau khoảng thời gian 5 ngày đầu tiên.

Nếu đeo khẩu trang chất lượng cao, xác suất lây bệnh cho người khác có lẽ là thấp. Nhưng tôi biết nhiều người không đeo khẩu trang, đeo không đúng cách hoặc cởi ra vào ban ngày”, Celine Gounder nói.

Khi đối mặt với Omicron, một số người cũng bắt đầu tự hỏi liệu việc nhiễm vi rút có phải là không thể tránh khỏi không và nếu có thì liệu tốt hơn hết là F0 không nên cách ly với các thành viên khác trong gia đình?! Kavita Patel đã phản đối ý tưởng đó.

Tôi đã không khuyến khích mọi người nói: ‘Này, chúng ta hãy mắc COVID-19 cùng lúc’. Chúng tôi đang chứng kiến những trường hợp trẻ em mắc COVID-19 và người lớn thì không, hoặc ngược lại. Không có lý do gì để cho rằng mọi người đều sẽ nhiễm Omiron", cô nói.

Kavita Patel nói Omicron có thể khó nhiễm cho một số thành viên trong gia đình hơn những người khác tùy theo tình trạng tiêm vắc xin và mọi người nên làm phần việc của mình để tránh gây thêm căng thẳng cho các bác sĩ cũng như không làm bệnh viện quá tải.

Bài liên quan
Bên trong công ty cố nâng sản xuất kit gấp 10 lần khi nhu cầu xét nghiệm tăng vọt do Omicron
Khi hàng triệu người ở châu Âu trải qua hàng giờ để xét nghiệm COVID-19 và ngoáy mũi bằng các bộ dụng cụ dùng tại nhà, thì ở đầu kia của dây chuyền, các công nhân đang phải căng sức để đáp ứng nhu cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
một giờ trước Thị trường và chính sách
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
4 chuyên gia chỉ cách chọn khẩu trang, cách ly và giữ an toàn trong đợt dịch Omicron