Dù thời gian qua TP.HCM đã chi rất nhiều tiền và công sức để thực hiện chống ngập nhưng đến nay cứ sau một cơn mưa nhiều tuyến đường ở TP lại bị nhấn chìm trong nước khiến hàng triệu người dân phải khốn đốn.

3 nguyên nhân khiến TP.HCM không thể hết ngập

Hồ Quang | 17/08/2023, 20:00

Dù thời gian qua TP.HCM đã chi rất nhiều tiền và công sức để thực hiện chống ngập nhưng đến nay cứ sau một cơn mưa nhiều tuyến đường ở TP lại bị nhấn chìm trong nước khiến hàng triệu người dân phải khốn đốn.

Vì sao chống ngập vẫn cứ ngập?

Hiện nay TP.HCM mới bước vào đầu mùa mưa, nhưng tình trạng ngập sâu ở nhiều tuyến đường sau mỗi cơn mưa đang diễn ra rộng khắp.

3-nguyen-nhan-khien-tphcm-khong-the-het-ngap-hinh-anh(1).png
Dù TP.HCM đã thực hiện công tác chống ngập từ nhiều năm qua, nhưng đến nay cứ sau một cơn mưa là nhiều tuyến đường lại bị ngập sâu như thế này - Ảnh: PV

Nhiều lúc chỉ là những cơn mưa có vũ lượng trung bình, nhưng tình trạng ngập sâu nhiều tuyến đường vẫn diễn ra, nhất là địa bàn TP.Thủ Đức tình trạng ngập đang trở nên khá nghiêm trọng.

Chia sẻ với báo chí về vấn đề này, chiều 17.8, ông Nguyễn Ngọc Minh Phú - Phó Trưởng Phòng Quản lý hạ tầng, Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP.HCM) cho biết thời gian qua việc triển khai chống ngập đồng bộ, tình trạng ngập ở TP đã được cải thiện.

Tuy nhiên, để giải quyết triệt để tình trạng ngập nước trên địa bàn TP cần phải có lộ trình và kế hoạch triển khai từng năm phù hợp với điều kiện của TP.

Ông Phú cũng chỉ ra 3 nguyên nhân chính khiến cho tình trạng ngập nước trên địa bàn TP trong thời gian qua vẫn chưa thể giải quyết triệt để, đó là hệ thống thoát nước cũ kỹ, không đủ tiết diện để thoát nước, nhiều nơi chưa có hệ thống thoát thoát nước; hệ thống thoát nước chưa đầu tư hoàn thiện và tác động của biến đổi khí hậu.

“Do tác động của biến đổi khí hậu nên cường độ mưa rất lớn (mưa lớn trong thời gian ngắn) làm quá tải hệ thống thoát nước. Từ năm 2000 trở về trước, 5 năm mới xuất hiện 1 trận mưa trên 95mm trong 3 giờ. Những năm gần đây, năm nào cũng xuất hiện trên 3 trận mưa trên 100mm, có những trận mưa trong vòng 1 giờ đã đạt trên 150mm”, ông Phú giải thích.

Trong khi đó, theo ông Phú hiện nay hệ thống thoát nước trên địa bàn TP đã được đầu tư qua nhiều thời kỳ, có nhiều đường cống xây bằng gạch thẻ, không đủ tiết diện để thoát nước. Nhiều khu vực chưa có hệ thống thoát nước. Hệ thống thoát nước chưa được đầu tư hoàn thiện. “Vì vậy trong thời gian tới, những khu vực chưa được đầu tư xong khi gặp mưa lớn vẫn xảy ra tình trạng ngập nước”, ông Phú nói.

Nhiều giải pháp đồng bộ sẽ thực hiện trong thời gian tới

Theo Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng TP.HCM, để khắc phục tình trạng trên, UBND TP đã ban hành Đề án Chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 — 2045 và Kế hoạch Chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 — 2030.

Theo đó, trong giai đoạn 2021 – 2025 , TP giữ vững kết quả đạt được, không để tái ngập tại các vị trí đã được giải quyết phạm vi 550km2 thuộc giai đoạn 2016-2020; tập trung giải quyết ngập cho vùng trung tâm TP rộng khoảng 106,41 km2, cơ bản giải quyết thoát nước cho các vùng còn lại của TP.

Để làm được điều này, ông Phú cho biết, TP thực hiện các dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước giải quyết 18 tuyến đường ngập do mưa còn lại; xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước tại khu vực chưa có hệ thống thoát nước, đặc biệt khu vực phía Đông; thực hiện nạo vét các trục tiêu thoát nước lớn nhằm tăng cường khả năng thoát nước cho khu vực trung tâm TP về phía Nam, đồng thời chỉnh trang đô thị.

Ngoài ra, TP cũng tập trung đầu tư thực hiện dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè đến sông Vàm Thuật), quận Bình Thạnh, quận Gò vấp; triển khai các dự án xây dựng hệ thống thoát nước lưu vực Tây Sài Gòn và lưu vực Tham Lương – Bến Cát và cải thiện môi trường nước TP lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi – Tẻ (giai đoạn 3) nhằm hoàn thiện hệ thống thoát nước, chỉnh trang đô thị cho các lưu vực trên.

“Ngoài giải pháp công trình chúng tôi sẽ thực hiện 4 nhóm giải pháp phi công trình. Trong đó có nâng cao chất lượng quy hoạch, hiệu quả quản lý quy hoạch; triển khai quy chế, giải pháp liên kết giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Rà soát, bổ sung chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư; cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình giảm ngập; ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành các công trình thoát nước.

Tăng cường liên kết, hợp tác khoa học - công nghệ, nâng cao năng lực dự báo phục vụ công tác xóa, giảm ngập nước. Ngoài ra, còn phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân”, ông Phú chia sẻ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
3 nguyên nhân khiến TP.HCM không thể hết ngập