Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước sẽ quản lý khoảng 1,5 triệu tỉ đồng tổng tài sản và 820.000 tỉ đồng giá trị vốn chủ sở hữu nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty này.

19 tập đoàn, tổng công ty lớn có thể về 'siêu ủy ban'

15/08/2018, 14:48

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước sẽ quản lý khoảng 1,5 triệu tỉ đồng tổng tài sản và 820.000 tỉ đồng giá trị vốn chủ sở hữu nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty này.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là một trong những doanh nghiệp nhà nước lớn sẽ về Siêu ủy ban - Ảnh: Internet

Bộ Tài chính mới đây đã công bố Dự thảo lần 2 Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục được đưa ra lấy ý kiến.

Theo đó, danh sách gồm 19 doanh nghiệp nhà nước phải chuyển giao, trong đó Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đứng đầu, hiện thuộc quản lý của Bộ Tài chính. Số 18 doanh nghiệp còn lại là các công ty mẹ các tập đoàn, tổng công ty thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc có cổ phần chi phối lâu dài, đang thuộc quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước của các Bộ Công Thương, NN-PT-NT, TT-TT, GT-VT...

Trong số này có 7 tập đoàn lớn là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

Số 11 tổng công ty còn lại gồm Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Cảng Hàng không, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.

So với dự thảo lần đầu, danh sách doanh nghiệp nhà nước chuyển về "siêu ủy ban" hiện đã giảm đi 3 doanh nghiệp là Tổng công ty Viễn thông VTC, Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long.

Dự thảo nêu rõ, quá trình thực hiện chuyển giao và sau khi đã ký biên bản chuyển giao, trường hợp cơ quan có thẩm quyền chưa hoàn thành sắp xếp, bố trí công tác hoặc ban hành quyết định cử, bổ nhiệm thay thế người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện vốn thì những người đã được cơ quan có thẩm quyền cử, bổ nhiệm trước đó "có trách nhiệm tiếp tục thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật hiện hành".

"Siêu ủy ban" thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện vốn theo quy định của pháp luật và điều lệ của doanh nghiệp kể từ ngày ký biên bản chuyển giao.

Ủy ban chủ động phối hợp với Bộ Nội vụ hoặc theo phân cấp thực hiện việc cử, bổ nhiệm các chức danh người quản lý, điều hành doanh nghiệp, người đại diện vốn, kiểm soát viên theo quy định hiện hành, trừ kiểm soát viên tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ nhiệm.

Đối với trách nhiệm của Người đại diện vốn tại doanh nghiệp, dự thảo yêu cầu, trường hợp không thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định, cố tình chậm trễ trong việc triển khai các công việc có liên quan đến chuyển giao phải chịu trách nhiệm bồi thường những tổn thất phát sinh (nếu có).

Đồng thời, việc tổ chức chuyển giao, lập hồ sơ chuyển giao được thực hiện theo từng doanh nghiệp và theo hướng dẫn tại Quy chế này. Thời điểm chuyển giao và việc lập hồ sơ chuyển giao gắn với thời điểm lập báo cáo tài chính quý, năm của doanh nghiệp.

Ủy ban phối hợp với Cơ quan chuyển giao xác định số tiền dư quỹ chung về tiền lương, thù lao, tiền thưởng và các lợi ích khác của người đại diện vốn, kiểm soát viên do doanh nghiệp chi trả chuyển về cho cơ quan chuyển giao đến thời điểm ký biên bản chuyển giao để tiếp nhận, quản lý, sử dụng theo quy định.

Với quyết định trên, có khoảng 1,5 triệu tỉ đồng tổng tài sản và 820.000 tỉ đồng giá trị vốn chủ sở hữu nhà nước mà các doanh nghiệp này đang nắm giữ sẽ được đưa vào thị trường theo đúng cam kết.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước được lập từ tháng 2, do ông Nguyễn Hoàng Anh - cựu Bí thư tỉnh ủy Cao Bằng giữ chức Chủ tịch. "Siêu ủy ban" sẽ là cơ quan trực thuộc Chính phủ, chịu sự quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ theo ngành, lĩnh vực.

Khi ủy ban này được thành lập, sẽ tách hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước ra khỏi bộ chủ quản và chuyển sang cơ quan chuyên trách. Việc tách các doanh nghiệp nhà nước ra khỏi các bộ quản lý ngành hiện nay là một bài toán không đơn giản, đòi hỏi phải có quyết tâm rất lớn. Tuy nhiên, việc thành lập Ủy ban là nhằm thực hiện theo chủ trương được đưa ra từ Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng với mục tiêu sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ, ủy ban nhân dân đối với vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp.

Nhiệm vụ của ủy ban này sẽ là thực hiện các quyền của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước; xây dựng, trình Chính phủ kế hoạch sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; cơ cấu vốn nhà nước đầu tư; xây dựng danh mục đầu tư…, ngăn chặn các trường hợp nhiều doanh nghiệp nhà nước rót vốn hàng nghìn tỷ đồng nhưng thua lỗ như Đạm Ninh Bình, Gang thép Thái Nguyên, Xơ sợi Đình Vũ.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tội phạm công nghệ cao đang gia tăng và diễn biến phức tạp
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) cho rằng tội phạm sử dụng công nghệ cao hoạt động trên không gian mạng có yếu tố nước ngoài và chủ yếu để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc trái phép, mua bán dữ liệu cá nhân… đang ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
19 tập đoàn, tổng công ty lớn có thể về 'siêu ủy ban'