Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Bạc Liêu vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Ngô Thị Mỹ Chi (28 tuổi, ngụ xã Vĩnh Thịnh, H.Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) về hành vi “Mua bán người dưới 16 tuổi”.

100 triệu đồng và cuộc bể dâu làm vợ người Trung Quốc bên kia biên giới

Khải Trần | 10/11/2020, 10:01

Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Bạc Liêu vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Ngô Thị Mỹ Chi (28 tuổi, ngụ xã Vĩnh Thịnh, H.Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) về hành vi “Mua bán người dưới 16 tuổi”.

Thông tin ban đầu, khoảng cuối năm 2016, Chi có chồng sinh sống ở Trung Quốc. Sau đó, Chi liên lạc về gia đình ở Việt Nam để thỏa thuận đưa chị Huỳnh Thị Gia Hân (SN 2001) là con gái của ông Huỳnh Quốc Tuấn và bà Trần Thị Thúy Hằng (cùng ngụ xã Vĩnh Thịnh, H.Hòa Bình) lấy chồng Trung Quốc với giá 100 triệu đồng. Sau khi sang Trung Quốc, vì không chịu được sự hà khắc, đánh đập của bên chồng nên vào tháng 6 vừa qua chị Hân đã lên mạng xã hội để được cầu cứu và được 1 tổ chức bảo vệ trẻ em quốc tế cứu giúp đưa về Việt Nam. Còn Chi sau khi bị tố cáo đã bị bắt khi về nước…

1.jpg
Ngô Thị Mỹ Chi tại cơ quan công an - Ảnh CTV

Cuộc ngã giá với giá 100 triệu đồng và cuộc sống nơi “địa ngục trần gian”

Với dáng người cao ráo, có làn da trắng trẻo, lối nói năng thân thiện, gần gũi, gương mặt ưa nhìn như chị Huỳnh Thị Gia Hân (hiện 19 tuổi) thì ít có ai nghĩ rằng chị lại có 1 cuộc đời bất hạnh với khoảng thời gian dài chịu nhiều cay đắng, tủi nhục kể từ khi bị dụ dỗ đưa sang Trung Quốc lấy chồng. Hiện chị Hân là mẹ đơn thân của cặp song sinh kháu khỉnh (1 trai, 1 gái) đã được 4 tháng tuổi. Chia sẻ với PV, chị Hân kể: “Lúc được bác sĩ can thiệp thụ tinh bằng cách cấy ghép, tôi không biết có thụ thai hay không. Mãi đến khi được Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh giải cứu đưa về tới Hà Nội do tôi mệt mỏi nên được mọi người đưa vào bệnh viện thăm khám thì tôi mới hay mình mang song thai”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chị Hân là con út trong gia đình có 2 chị em gái. Do gia cảnh nghèo khó, nên chị Hân chỉ học đến hết lớp 9 thì nghỉ và đi phụ quán cà phê ở địa phương với mức lương 2 triệu đồng/tháng để phụ giúp gia đình. Tháng 11.2016 chị Hân tình cờ gặp được Ngô Thị Mỹ Chi (ngụ xã Vĩnh Thịnh, H.Hòa Bình) tại đám cưới của chị ruột mình với anh Ngô Thanh Lan (em ruột của Chi). Là thiếu nữ mới lớn, thân hình phổng phao với làn da trắng và gương mặt ưa nhìn, nên chị Hân nhanh chóng lọt vào mắt của Chi. Trong lần gặp ấy, Chi có thỏ thẻ với cô gái trẻ rằng: “Nữa chế (chị) về bên Trung Quốc coi ai được chế dẫn em qua gả chồng nghe”.

Lời đề nghị của Chi nhanh chóng được thị thực hiện. Sau khi về lại Trung Quốc, Chi đã liên lạc về cho người em ruột là Ngô Thanh Lan đến gia đình Hân để môi giới, thỏa thuận nhằm đưa chị Hân sang lấy chồng Trung Quốc. Điều kiện được Lan đưa ra là nếu gia đình đồng ý thì Chi sẽ gửi về cho gia đình chị Hân với số tiền là 100 triệu đồng. Chi còn hứa rằng khi chị Hân sang Trung Quốc lấy chồng sẽ được học nghề thẩm mỹ với người chị chồng của Hân. “Chi nó nói rằng, nhà chồng con Hân ở thành thị chứ không có ở vùng sâu, vùng xa gì cả. Nó cam kết nếu con Hân sống tốt bên chồng khoảng 2 năm sau nó sẽ đưa con tôi về Việt Nam làm giấy kết hôn, còn nếu sống không tốt thì hứa sẽ đưa về gia đình”, bà Hằng - mẹ chị Hân, nghẹn ngào.

2.jpg
Ngôi nhà xập xệ của gia đình chị Hân ở xã Vĩnh Thịnh, H.Hòa Bình (Bạc Liêu) - Ảnh: Khải Trần

Chị Hân kể: “Ban đầu tôi nhất quyết từ chối theo chị Chi đi lấy chồng Trung Quốc vì tôi muốn sống cuộc sống ở quê nhà, muốn sống tự lập và được ở gần cha mẹ. Vì thế, tôi đã từ chối lời đề nghị của chị ấy và tiếp tục đi làm phục vụ tại quán cà phê. Tuy nhiên anh Lan có nói nếu tôi không đi thì gia đình phải bồi thường 100 triệu đồng”. Theo lời chị Hân sau khi nghe nói như vậy cô gái trẻ cảm thấy sợ hãi, cứ nghĩ cha mẹ mình đang thiếu nợ nên cô mới đồng ý đi lấy chồng Trung Quốc. Từ khi nhận lời Chi, chị Hân bắt đầu gọi điện thoại hỏi Chi về cuộc sống bên Trung Quốc và hỏi thăm về gia đình chồng tương lai của mình. Tuy nhiên Chi chẳng những không dỗ dành, ngon ngọt mà thị còn đáp trả với giọng điệu của 1 “mẹ mìn”: “Qua đó làm dâu, chứ có phải làm bà nội người ta đâu cưng?”.

“Nghe chị Chi nói như vậy, tôi cảm thấy bất an, lo lắng nên có nói với chị ấy về việc mình chưa đủ tuổi lấy chồng. Sau đó chị Chi có hướng dẫn cho cha mẹ tôi lấy giấy tờ đi làm hồ sơ để nâng khống tuổi nhưng không được. Cuối cùng chị Chi mới “hiến kế” cho tôi dùng giấy tờ của chị gái, sau đó dán hình ảnh của tôi lên đó để hợp thức và anh Lan chính là người chuẩn bị tất cả giấy tờ cho tôi sang Trung Quốc”, chị Hân nhớ lại.

Theo lời cô gái trẻ, khi sang làm dâu xứ người được khoảng 4 ngày thì phía gia đình chồng chị này có đến gặp Chi đưa 1 cọc tiền nhưng chị Hân không biết là bao nhiêu. Sau đó Chi có chuyển số tiền hơn 97 triệu đồng qua tài khoản của Ngô Thanh Lan để đưa cho cha mẹ Hân. Hân cho biết: “Tôi qua đó được khoảng 2 tuần thì gia đình chồng có làm bữa tiệc nhỏ gọi là làm lễ cưới cho vợ chồng tôi. Ban đầu, cuộc sống hôn nhân của tôi vẫn êm ấm, tôi hết lòng phục vụ gia đình chồng và tôi bắt đầu tìm người để học tiếng bản xứ.

Nhưng sau đó không ai chỉ dẫn tiếng bản xứ nên 2 vợ chồng tôi không hiểu nhau. Kể từ đó, tôi thường xuyên bị chồng bạo hành. Anh ấy chửi rủa tôi nhưng tôi không biết mình làm sai điều gì? Ngay cả việc tôi gọi điện về gia đình ở Việt Nam cũng bị chồng đánh đập tàn nhẫn. Tôi có kể cho chị Chi nghe thì chị ấy nói là do bất đồng ngôn ngữ. Đồng thời chị ấy an ủi, động viên tôi cố gắng học tiếng bản địa để vợ chồng hiểu nhau hơn”.

Đoàn tụ gia đình nhờ mạng xã hội

Ngoài việc bị bạo hành về thể xác, bản thân chị Hân còn bị chồng và gia đình nhà chồng quản thúc, kiểm soát tất cả mọi sinh hoạt, cuộc sống cá nhân. Thậm chí gia đình chồng của chị Hân còn tiêm vào người chị những loại thuốc gì đó khiến cho chị này không thể đi đứng như bình thường. Họ còn cấm chị Hân sử dụng điện thoại di động để gọi về Việt Nam cho gia đình.

Theo tìm hiểu của PV mặc dù sống với chồng một khoảng thời gian dài nhưng chị Hân không thể mang thai do người chồng bị bệnh tinh trùng yếu. Vì vậy, gia đình chồng Trung Quốc có yêu cầu chị Hân đến 1 bệnh viện địa phương để cấy cấy tinh trùng nhằm tìm kiếm con cho người chồng Trung Quốc để nối dõi cho gia đình bên chồng. Nếu đồng ý gia đình chồng sẽ cho phép chị Hân được sử dụng điện thoại. Vì muốn liên lạc với gia đình ở Việt Nam nên chị Hân đã thuận theo gia đình chồng.

Mặc dù được chồng cho sử dụng điện thoại nhưng không có sim nên chị Hân không thể kết nối liên lạc với gia đình mình ở Việt Nam. Trong lúc tuyệt vọng, trong đầu chị Hân đã lóe ra tia hy vọng bằng cách vào các trang mạng xã hội Zalo… (chị đã có tài khoản trước đó) để liên lạc với gia đình. Cùng lúc chị đăng lên trang các nhân những thông tin cầu cứu từ cộng đồng mạng. May mắn gia đình chị Hân đã kết nối được với chị này.

3.jpg
Bà Hằng đang hát ru cho đứa cháu ngoại ngủ - Ảnh: Khải Trần

Sau khi được cộng đồng mạng “hiến kế” gia đình chị Hân đã làm đơn cầu cứu đến Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh (có trụ sở Hà Nội) nhờ giải cứu Hân. Tiếp nhận tin báo từ gia đình chị Hân, tổ chức này đã âm thầm kết nối với chị Hân, liên hệ với bạn bè ở Trung Quốc để nhờ tìm kiếm chỗ ở của Hân. Cuối cùng họ cũng tìm được và đưa chị Hân trở về Việt Nam. Sau 3 ngày trốn khỏi gia đình chồng, đến chiều 12.6 vừa qua chị Hân đã về đến tỉnh Lạng Sơn và được cách ly tập trung theo quy định do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Đến khi hoàn thành cách ly theo quy định chị Hân được đưa về Hà Nội. Do sức khỏe quá yếu nên các thành viên của Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh đã đưa chị vào bệnh viện để thăm khám. Và bất ngờ, các y bác sĩ đã thông báo chị đang mang song thai. Do tình trạng sức khỏe yếu, nên theo chỉ định của bác sĩ, chị Hân đã nằm lại viện để theo dõi khoảng 1 tuần thì Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh đã đưa chị về quê nhà ở tỉnh Bạc Liêu và đoàn tụ với gia đình.

Ngày 6.7 vừa qua chị Hân đã hạ sinh cặp song sinh gồm 1 bé trai và 1 bé gái tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu. Ôm cháu ngoại trên tay, bà Hằng phấn khởi: “Tôi rất vui vì con tôi lành lặn chở về đoàn tụ với gia đình. Từ nay, gia đình cố gắng bù đắp những mất mát mà cháu phải gánh chịu trong thời gian sống ở Trung Quốc. Tôi sẽ không cho con tôi đi đâu nữa”.

Ông Hứa Thanh Lâm, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh, thông tin: “Hoàn cảnh gia đình của ông Huỳnh Quốc Tuấn và chị Trần Thị Thúy Hằng là cha mẹ ruột của Hân cũng rất khó khăn. Hằng ngày, anh Tuấn đi chở vật liệu xây dựng thuê cho 1 cơ sở trên địa bàn, còn chị Hằng thì chủ yếu ở nhà lo nội trợ”.

Theo ông Lâm, sau khi nhận được thông tin chị Hân được Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh giải cứu đưa về nước, UBND xã Vĩnh Thịnh cũng đã chỉ đạo cho công an rà soát, xác minh để báo cáo vụ việc lên cấp trên. Đồng thời, xã cũng chỉ đạo bộ phận Tư pháp - Hộ tịch xem xét cấp giấy khai sinh cho 2 đứa con của chị Hân theo quy định. Về phần chính sách hỗ trợ, trong thời gian tới địa phương sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện, vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm giúp đỡ gia đình chị Hân.

Bài liên quan
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
100 triệu đồng và cuộc bể dâu làm vợ người Trung Quốc bên kia biên giới