Ngày 12.7.2016, Tòa Trọng tài Thường trực đã ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc về những tranh chấp trên Biển Đông. Trong 15 đệ trình mà Philippines yêu cầu tòa ra phán quyết, Tòa đã chấp nhận gần như 14 đệ trình, chỉ trừ đệ trình số 6.

Yếu tố pháp lý tương đồng với Việt Nam trong vụ Philippines thắng kiện

14/07/2016, 17:43

Ngày 12.7.2016, Tòa Trọng tài Thường trực đã ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc về những tranh chấp trên Biển Đông. Trong 15 đệ trình mà Philippines yêu cầu tòa ra phán quyết, Tòa đã chấp nhận gần như 14 đệ trình, chỉ trừ đệ trình số 6.

Ảnh minh họa - Nguồn: Thediplomat.com

14/15 đệ trình của Philippines được Tòa Trọng tài chấp nhận

Đối với đệ trình số 1 và 2: Philippines đã tập trung vào tâm điểm cho vụ kiện là “đường chín đoạn” hay còn gọi là “đường lưỡi bò”. “Đường lưỡi bò” này lần đầu xuất hiện chính thức ở Trung Quốc năm 1948, bao quanh gần 80% Biển Đông. Phía Trung Quốc đã lý giải “đường lưỡi bò” tạo nên “quyền lịch sử” đối với vùng biển, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển nằm bên trong đường này. Tòa đã tuyên bố không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc yêu sách “quyền lịch sử” đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường lưỡi bò”.

Đối với các đệ trình 3, 4, 6, 7 Philippines muốn Tòa phán quyết về quy chế pháp lý cho các thực thể ở Trường Sa và bãi Scarborough mà cả Trung Quốc và Philippines cùng tranh chấp. Các thực thể này là đảo, đá hay bãi lúc chìm lúc nổi hoặc là bãi chìm. Bởi vì nếu là đảo thì sẽ có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa xung quanh đảo đó. Nếu là đá thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mà chỉ có lãnh hải 12 hải lý xung quanh. Nếu là bãi lúc chìm lúc nổi hoặc bãi chìm thì không có cả lãnh hải lẫn vùng đặc quyền kinh tế.

Về vấn đề này Toà kết luận rằng không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng. Toà cũng quyết định các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất. Trên cơ sở kết luận không một cấu trúc nào mà Trung Quốc yêu sách có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế, Toà nhận thấy Tòa có thể không cần phải phân định ranh giới biển mà vẫn có thể tuyên bố rằng một số vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines vì không bị chồng lấn với bất cứ quyền hưởng vùng biển nào mà Trung Quốc có thể có.

Trong các đệ trình số 5, 8, 9, 10, 11, 12, 13 Philippines đã yêu cầu Tòa ra phán quyết về tính hợp pháp cho các hành vi của Trung Quốc khi Trung Quốc ngăn chặn, cản trở các ngư dân và tàu thăm dò dầu khí của Philippines ngay trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Việc này bao gồm cả các hành vi bồi lấp đảo nhân tạo dẫn đến phá hủy các rạn san hô và đánh bắt cá trái phép của các ngư dân Trung Quốc tại các khu vực xung quanh bãi Scarborough, bãi Cỏ Mây, bãi Vành Khăn .

Về vấn đề này, Tòa đã tuyên bố Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này bằng việc (a) can thiệp vào hoạt động đánh cá và thăm dò dầu khí của Philippines, (b) xây dựng đảo nhân tạo và (c) không ngăn chặn ngư dân Trung Quốc đánh bắt ở khu vực này.

Toà cũng khẳng định rằng ngư dân từ Philippines (cũng như ngư dân từ Trung Quốc) đã có quyền đánh cá truyền thống ở bãi Scarborough và Trung Quốc đã ngăn chặn các quyền này bằng cách hạn chế việc tiếp cận khu vực này. Toà nói các tàu chấp pháp của Trung Quốc gây ra một rủi ro va chạm nghiêm trọng một cách bất hợp pháp khi họ đã trực tiếp cản trở các tàu của Philippines. Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ theo Công ước về Quy định quốc tế để ngăn ngừa va chạm trên biển 1972 và điều 94 của Công ước liên quan đến an toàn hàng hải. Ngoài ra, Trung Quốc còn vi phạm các nghĩa vụ về kiềm chế vì đã làm trầm trọng thêm và kéo dài tranh chấp giữa các bên trong khi chờ quá trình xét xử.

Trong đệ trình 6, Philippines còn yêu cầu Tòa tuyên bố đá Gaven và đá Ken Nan (bao gồm cả đá Huy Gơ) là bãi lúc chìm lúc nổi nên không có vùng biển kèm theo, nhưng Tòa đã nhận định các đá này luôn nổi trên mặt nước khi thủy triều lên cho nên theo điều 121 Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển (sau đây gọi tắt là Công ước), chúng là đá chứ không phải bãi lúc chìm lúc nổi và tuy chúng không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa kèm theo nhưng có lãnh hải 12 hải lý xung quanh.

Đối với đệ trình số 14, Tòa đã tuyên bố mặc dù Toà không có thẩm quyền để phán quyềt về tác động của vụ đối đầu giữa tàu hải quân của Philippines và tàu hải quân và chấp pháp của Trung Quốc ở bãi Cỏ Mây, vì tranh chấp này liên quan đến các hoạt động quân sự nên nằm ngoài cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc. Tuy nhiên, Toà khẳng định việc bồi lấp và xây dựng đảo nhân tạo trên quy mô lớn của Trung Quốc gần đây là không phù hợp với nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước trong quá trình giải quyết tranh chấp, trong chừng mực mà Trung Quốc đã gây ra những tác hại không thể sửa chữa được với môi trường biển và phá hủy các bằng chứng về điều kiện tự nhiên của các thực thể ở Biển Đông mà là một phần của tranh chấp giữa các bên.

Đối với đệ trình 15, dù Tòa không nhắc tới một cách trực tiếp nhưng Tòa có nhắc một cách gián tiếp khi cho rằng Trung Quốc cần tuân thủ các quyền và quyền tự do của Philippines. Thêm nữa, Trung Quốc cần phải tuân thủ các nghĩa vụ của nước này theo Công ước. Trung Quốc không thể tự suy diễn được về luật pháp quốc tế được. Tòa cũng khẳng định điều 11 của Phụ lục VII Công ước đã quy định “phán quyết… sẽ được các bên trực tiếp tham gia trong tranh chấp tuân thủ”.

Như vậy, rõ ràng trong 15 đệ trình mà Philippines yêu cầu tòa ra phán quyết, Tòa đã chấp nhận gần như 14 đệ trình, chỉ trừ đệ trình số 6.

Dự báo diễn biến khu vực Biển Đông sau phán quyết

Sau khi Tòa Trọng tài phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc, có thể có hai kịch bản xảy ra:

(i) Kịch bản thứ nhất: Trung Quốc sẽ có tuyên bố mạnh mẽ, bác bỏ phán quyết như trước đây, nhưng sẽ không có thêm những hành động công khai, ngay lập tức để tăng cường mở rộng hiện diện tại các khu vực tranh chấp. Theo kịch bản này, nếu không có thêm hành động khiêu khích của Trung Quốc, Mỹ khó có thể có hành động quân sự.

(ii) Kịch bản thứ hai: Trung Quốc quyết định phải có phản ứng mạnh mẽ hơn đối với một phán quyết bất lợi từ Tòa. Ví dụ, nước này có thể tuyên bố thiết lập Vùng Nhận diện phòng không (ADIZ) tại Biển Đông, giống như đã làm tại vùng Biển Hoa Đông năm 2013. Hoặc Trung Quốc sẽ xây thêm đảo nhân tạo và thiết lập căn cứ trên bãi cạn Scarborough, như đã từng làm trong những năm gần đây.

Mỹ đã cảnh báo Trung Quốc đối với những hành động này và có những triển khai quân sự để sẵn sàng đối phó nếu Trung Quốc tiếp tục những hành động leo thang. Thực tế, cách răn đe của Mỹ đã có tác dụng trong cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan cách đây 20 năm. Tuy nhiên, mọi thứ giờ đây đã thay đổi khi mà một cuộc đụng độ với một Trung Quốc đã lớn mạnh về kinh tế và quân sự sẽ dẫn tới những rủi ro chiến lược và tổn thất to lớn về kinh tế. Đồng thời, Tổng thống Mỹ Obama với sự trầm tĩnh và biết tính toán sẽ khó chấp nhận những rủi ro và tổn thất như vậy, nhất là khi đang trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống. Điều đó cho thấy sự tăng cường triển khai hiện diện quân sự của Mỹ có thể chỉ là hù dọa suông.

Điều này dẫn tới câu hỏi là điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc bắt bài Mỹ chỉ hù dọa suông và có những hành động khiêu khích cao hơn so với những hành động trước đây? Đó thực sự sẽ đưa Washington vào thế lựa chọn khó khăn. Nếu Mỹ lùi bước nghĩa là Mỹ chấp nhận vị thế khu vực đang trỗi dậy của Trung Quốc và thừa nhận vai trò lãnh đạo bị suy yếu của mình. Nếu Mỹ đụng độ quân sự với Trung Quốc, sẽ dẫn tới một cuộc xung đột lớn. Liệu Bắc Kinh có dám chấp nhận rủi ro này nếu cố gắng bắt bài hù dọa suông của Mỹ. Chúng ta cùng chờ đợi và mong chờ hòa bình, ổn định tại đây.

15 đệ trình của Philippines:

1. Các quyền lợi biển của Trung Quốc cũng như của Philippines, không thể vượt quá sự cho phép của UNCLOS;

2. Yêu sách về quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc, và “quyền lịch sử”, trong sự tôn trọng các vùng biển trên biển đông, bao gồm cái gọi là “đường chín đoạn” trái với UNCLOS và không có hiệu quả pháp lý nào cho việc mở rộng hay nới rộng các quyền lợi biển của Trung Quốc theo UNCLOS;

3. Scarborough không thể có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

4. Đá Vành khăn, bãi Cỏ mây và đá Su bi là bãi cạn lúc chìm lúc nổi, do đó không thể có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa và tất cả các cấu trúc trên không thể là đối tượng để chiếm hữu với bất kỳ hình thức nào.

5. Đá Vành khăn và bãi Cỏ Mây là một phần trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines;

6. Đá Gaven và đá Ken nan (bao gồm cả đá Huy ghơ) là bãi cạn lúc chìm lúc nổi, do đó không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, nhưng khi ở mức triều thấp, đường nối các điểm này có thể dùng để xác định như là đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải cho Nam yết, Sinh tồn;

7. Đá Gạc Ma, đá Châu viên và đá Chữ thập không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa;

8. Trung Quốc đã can thiệp trái phép vào việc thực thi quyền chủ quyền mà Philippines được hưởng trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên sinh vật và không sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines;

9. Trung Quốc đã không ngăn cản các hành động khai thác trái phép của các tàu bè cũng như của các ngư dân của họ trong việc khai thác các tài nguyên sinh vật trong vùng đặc quyền của Philippines;

10. Trung Quốc đã ngăn cản trái phép sinh kế của các ngư dân Philippines bằng cách can thiệp vào hoạt động đánh bắt truyền thống (của ngư dân Philippines) tại Scarborough;

11. Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ bảo vệ và bảo tồn môi trường sinh vật biển tại Scarborough và bãi Cỏ Mây;

12. Các hành vi xâm chiếm và xây dựng trên đá Vành khăn:

a) Đã vi phạm các quy định của Công ước về đảo nhân tạo, các vật thể và các cấu trúc nhân tạo;

b) Vi phạm nghĩa vụ bảo tồn môi trường biển được quy định trong Công ước

c) Cấu thành các hành vi trái pháp luật trong việc toan tính chiếm hữu riêng trái với Công ước;

13. Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ của họ theo Công ước bằng cách sử dụng các tàu chấp pháp của họ trong một tình trạng nguy hiểm gây ra các rủi ro nghiêm trọng cho các tàu của Philippines khi các tàu này đang di chuyển gần Scarborough;

14. Kể từ khi bắt đầu vụ kiện này vào tháng 1.2013, Trung Quốc với những hành động phi pháp của mình đã làm tăng thêm mức độ nghiêm trọng và khiến cho tranh chấp lan rộng thêm, bằng cách:

a) Can thiệp vào quyền hải hành của Philippines trong các vùng biển thuộc bãi Cỏ Mây và các vùng biển lân cận khu vực này;

b) Ngăn trở việc qua lại và tiếp tế cho những người Philippines lưu trú trên bãi Cỏ Mây

c) Gây nguy hiểm về thể chất và tinh thần cho những người Philipines đang lưu trú trên bãi Cỏ Mây

15. Trung Quốc phải chấm dứt các yêu sách và các hành vi phi pháp của họ.

Thạc sĩ Hoàng Việt (Ban Nghiên cứu Luật Biển và Hải đảo, Liên đoàn Luật sư Việt Nam)

Bài liên quan
TP.HCM xác định nguồn nhân lực là yếu tố then chốt trong chuyển đổi số
Ngày 15.11, HĐND TP.HCM tổ chức phiên giải trình về đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Yếu tố pháp lý tương đồng với Việt Nam trong vụ Philippines thắng kiện