Cứ mỗi lần nghe được ở đâu đó một câu chuyện đời, tôi đều có cảm giác phận người như một đóa hoa “sớm nở tối tàn”, héo hon đến thắt lòng. Dù họ là những con người mưu sinh ở đô thị hoa lệ hay chỉ lặn lội như thân cò ở miền quê heo hút thì cũng giống nhau. Ngoài tình yêu thương và bao dung với họ, tôi còn có thể làm gì hơn? Có lẽ chỉ im lặng lắng nghe thôi cũng làm dịu lòng người. 

Yêu thương có quay về?

Một Thế Giới | 14/04/2014, 09:45

Cứ mỗi lần nghe được ở đâu đó một câu chuyện đời, tôi đều có cảm giác phận người như một đóa hoa “sớm nở tối tàn”, héo hon đến thắt lòng. Dù họ là những con người mưu sinh ở đô thị hoa lệ hay chỉ lặn lội như thân cò ở miền quê heo hút thì cũng giống nhau. Ngoài tình yêu thương và bao dung với họ, tôi còn có thể làm gì hơn? Có lẽ chỉ im lặng lắng nghe thôi cũng làm dịu lòng người. 

Chị bị liệt cả hai chân. Hằng ngày, chị vẫn lết đi và làm đủ mọi việc bằng đôi bàn tay để nuôi thân…

Cơn gió mùa đông bắc thốc từng hồi vào ngôi nhà nhỏ phía cuối làng. Chị vẫn mặc chiếc áo mỏng tanh đi vào đi ra trong căn nhà nhỏ chẳng mấy ai ghé thăm. Hai chân chị khệnh khạng lết từng chút một, rồi chị nhoài người ra phía trước một cách khó nhọc, nhìn người khách lạ với vẻ ngạc nhiên ban đầu rồi niềm nở mời cô vào nhà.

Trong một chuyến công tác, vị khách lạ tình cờ biết đến chuyện của chị qua một cô hàng nước đầu ngõ, và ghé thăm chị vào một chiều đông lạnh lẽo. Chị vừa qua cái tuổi 40 của cuộc đời mình. Gò má chị cao và thân hình khắc khổ của chị khiến ai mới gặp lần đầu cũng ngỡ chị đã trạc ngoài 50.

 Từ khi sinh ra, chị đã bị liệt cả hai chân. Mẹ chị mất sớm, chị học cách tự chăm lo cho bản thân từ đôi bàn tay của chính mình. Mong bù đắp tình cảm cho hai con, ba chị quyết định đi thêm bước nữa.  Kết hôn chưa được bao lâu, niềm hạnh phúc cũng chưa kịp đầy thì ba chị lâm bệnh qua đời. Từ đó, ba mẹ con chỉ biết sống dựa vào củ khoai củ sắn để qua ngày.

Chị loay hoay cầm cây gậy lê người đến gần tấm vách để bật ngọn điện lu lu giữa nhà. Trong ánh sáng le lói của đêm đông, chị tiếp tục kể cho vị khách nghe câu chuyện về cuộc đời của mình.

Đến tuổi xây dựng gia đình, người chị cả đi lấy chồng xa, lâu lâu mới ghé về thăm đứa em một lần. Thiên chức của một người phụ nữ, khi nhìn thấy chị gái mình giờ đây đã được làm mẹ, chị cũng khao khát biết bao được một lần nghe tiếng gọi mẹ ơi. Chị cũng chị mong một lần được nghe tiếng “dì” thôi cũng đủ an ủi một phần nào. Vậy mà, ngay cả hai đứa cháu chị cũng chưa một lần được thấy mặt. Nỗi niềm ấy biết kể cùng ai đây? Liệu có ai hiểu cho chị không? Và chị chỉ biết nén nó vào một góc trong tâm tư riêng mình.

 Cách đây ba năm, mẹ kế của chị qua đời. Tuy chị có thể làm hết mọi thứ từ đôi tay của mình. Nhưng ít ra, căn nhà trước đây còn có tiếng trò chuyện. Hai người phụ nữ này, một người trên cương vị là mẹ, một người là con. Họ tuy không cùng huyết thống nhưng lại có một sợi dây tình cảm vô hình. Tình yêu thương và sự hy sinh theo thời gian đã đưa họ trở thành bạn của nhau, chở che nhau và cùng nhau bước qua từng ngày của cuộc đời mình.

Vị khách lạ nhìn quanh căn nhà, để trí nghĩ mình lạc đi vài giây. Vị khách nhìn người phụ nữ trước mặt mình, thẳm sâu trong đôi mắt ấy đang ngự trị cái vẻ đơn điệu đến mức cô độc. Chị xoa hai bàn tay vào nhau, rồi tiếp tục kể cho vị khách lạ kia, ra chừng bình thản lắm.

Trước đây, quanh xóm nhìn đâu cũng là vườn tược bạt ngàn. Từ ngày thôn quê phát triển, dân cư ngày một nhiều hơn, nhà cửa không còn thưa thớt. Có vài người hàng xóm mới về cư ngụ gần đây, biết hoàn cảnh chị cũng hỏi thăm trước sau. Thường chị vẫn hứng nước mưa về để dành. Nay thấy người hàng xóm gần nhà tốt bụng, lâu lâu chị cũng đem vài củ khoai củ sắn qua đổi lấy nước trong những mùa khô hạn.

 Anh Hưng cũng đã ngót năm mươi, vợ mất sớm. Một mình nuôi đứa con ăn học. Giờ cũng sắp đến tuổi trưởng thành. Từ ngày có anh Hưng về, căn nhà cũng có thêm tiếng nói, tiếng cười. Cậu con trai anh cũng đỡ đần cho chị ít nhiều. Sau bao ngày tháng lặng lẽ trôi, ba con người ấy dường như đã bù đắp cho nhau những khiếm khuyết của cuộc đời mình. Họ cùng đồng cảm, sẻ chia cho nhau. Và họ đã gần gũi với nhau tự nhiên như một gia đình.

Bao nỗi khát khao kìm nén, chị không thể tin một ngày chị được làm mẹ. Khi đã đi hết nửa chặng đường của cuộc đời mình, chị có thể nghe được tiếng gọi mẹ ơi. Chị đã khóc. Sau bao năm rắn rỏi, chị chống chọi, gắng gượng với cuộc đời. Lần đầu tiên, chị một lần được khóc với niềm hạnh phúc thật sự. Chị đã tự nói vơi lòng mình, dù đứa con ấy không do chị sinh ra, nhưng sâu thẳm trong trái tim mình, chị sẽ yêu thương đứa con này như người mẹ kế đã yêu thương chị cho đến cuối đời.

Vị khách lạ không hỏi về anh Hưng, cũng không hỏi câu con trai đâu sao không thấy? Vì trước khi vào đây, chị hàng nước đã nói rằng, anh Hưng và con trai đã bỏ đi đâu mà không một lời từ biệt.

Ngoái nhìn về căn nhà một mình chênh vênh bên con đường hun hút, vị khách thì thầm: “mong một ngày yêu thương sẽ quay về bên chị” người phụ nữ đã gánh quá nhiều nỗi đau.

Khánh Ngọc

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Yêu thương có quay về?