Đi du học là mong muốn và ước mơ của nhiều người nhưng đó chưa hề là một quyết định dễ dàng bởi bên cạnh rất nhiều khâu quan trọng khác, chỉ riêng công đoạn chuẩn bị hồ sơ du học và xin học bổng cũng đủ khiến cho nhiều du học sinh tương lai cảm thấy lúng túng, thậm chí là nản lòng.

Chuẩn bị hồ sơ du học và xin học bổng

Một Thế Giới | 11/04/2014, 14:09

Đi du học là mong muốn và ước mơ của nhiều người nhưng đó chưa hề là một quyết định dễ dàng bởi bên cạnh rất nhiều khâu quan trọng khác, chỉ riêng công đoạn chuẩn bị hồ sơ du học và xin học bổng cũng đủ khiến cho nhiều du học sinh tương lai cảm thấy lúng túng, thậm chí là nản lòng.

Du học – Cần quá trình dài chuẩn bị

Ở những hội thảo du học hay trên các diễn đàn tư vấn, tôi được nghe rất nhiều bạn trẻ đặt câu hỏi rằng họ nên bắt đầu chuẩn bị từ khi nào và bắt đầu từ đâu. Lời khuyên của tôi dành cho các bạn là càng sớm càng tốt. Bắt đầu sớm có nghĩa là bạn sẽ có nhiều thời gian đầu tư cho bộ hồ sơ du học và xin học bổng của mình, đồng nghĩa với việc cơ hội thành công của bạn cũng lớn hơn. Bản thân tôi đã từng chủ quan mà cho rằng chỉ cần vài tháng là đủ, kết cục là kế hoạch đi du học của tôi bị trì hoãn đến một năm vì những trục trặc hồ sơ tưởng chừng rất nhỏ. Vì thế, nếu bạn đã lựa chọn con đường du học, hãy bắt đầu chuẩn bị ngay khi có thể.

Làm một phép tính nhanh, bạn cần trung bình khoảng sáu tháng cho một điểm số IELTS tốt, ba tháng để đầu tư cho các bài luận trong bộ hồ sơ du học cũng như xin học bổng, ba tháng tiếp theo cho thủ tục xin visa và những công đoạn cuối cùng khác. Và xin hãy tin tôi, một năm để chuẩn bị mới nghe tưởng chừng là nhiều nhưng trên thực tế đôi khi bạn vẫn phải luống cuống vì quỹ thời gian ít ỏi đó đấy.

Du học – Trông cậy vào bản thân mình trước tiên

Trong quá trình chuẩn bị cho ước mơ du học của mình, tôi được biết một số bạn vì quá e ngại với khả năng viết luận của mình mà quá dựa dẫm vào sự hỗ trợ của người khác, thậm chí là thuê người viết. Xin hãy tin tôi, những cách thức đó có thể giúp bạn tiết kiệm thời gian, công sức nhất thời nhưng chẳng mang lại lợi ích gì cho bạn.

Thứ nhất, bạn là người hiểu rõ bản thân mình nhất. “Personal Statement” hay còn gọi là bài luận cá nhân, đó là viết về chính bản thân bạn. Chỉ có bản thân bạn mới trả lời rõ ràng được vì sao bạn yêu thích ngành học đó và bạn nghĩ nó thích hợp với bạn như thế nào. Những người xét duyệt hồ sơ hoàn toàn có thể nhìn ra rất rõ nhiệt huyết và quyết tâm của bạn đối với quyết định du học của mình qua những gì bạn chân thành chia sẻ. Những câu chữ tiếng Anh, người khác có thể giúp bạn, tôi đồng ý. Nhưng con đường du học là của bạn, những bài luận này như những bước đi đầu tiên, và bạn thực sự muốn người khác bước hộ mình?

Và để tôi kể cho các bạn nghe câu chuyện của tôi, quá trình tự tay chuẩn bị các bài luận dù có nhiều lúng túng và áp lực đã giúp tôi có cơ hội để lùi lại và suy ngẫm lý do tại sao tôi chọn ngành học của mình, tôi yêu thích nó đến thế nào và đó có phải là công việc tôi muốn gắn bó sau này hay không. Điều này không phải ai cũng để ý nhưng nó thực sự rất quan trọng, không phải chỉ với quá trình du học của bạn mà còn cho tương lai sau này. Bạn không muốn tốn vài năm trời khổ công học tập ở trời Tây cho một ngành học mà bạn không chắc có phải dành cho mình? Và ngược lại, một khi bạn biết chắc chắn quyết định chọn ngành học của mình là đúng đắn, hẳn là chúng ta sẽ có thêm nhiều quyết tâm để theo đuổi mục tiêu của mình đến cùng.

Thứ hai, viết luận là một kỹ năng cực kỳ quan trọng khi bạn đi du học, nếu ngay cả những bài luận mang tính chất cá nhân như vậy bạn cũng sớm đầu hàng thì bạn sẽ đối phó thế nào với những bài luận chuyên ngành ở trường sau này. Chuẩn bị hồ sơ du học và xin học bổng là cơ hội tuyệt vời để bạn có thể thực hành kỹ năng cần thiết này. Hãy tạm gác lại những lo ngại về khả năng tiếng Anh của mình, cứ cầm bút lên và phác thảo những ý chính đầu tiên rồi bắt đầu hoàn thiện từng đoạn nhỏ một, bạn sẽ thấy mọi việc dần dần trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Bạn cũng nên dành cho mình nhiều thời gian để đọc lại và chỉnh sửa nhiều lần đến khi bản thân mình hài lòng thì mới gửi đi nhờ người có kinh nghiệm góp ý thêm.

Cần đầu tư thời gian chỉnh sửa các bài luận trong bộ hồ sơ du học

Tôi cũng đã bắt đầu từ những bước nhỏ như thế và thật đáng công khi bản thảo cuối cùng bài luận của tôi được các thầy người Anh khen ngợi và chỉnh sửa rất ít. Ngay cả khi ban tuyển sinh của trường tôi theo học yêu cầu nộp thêm bài luận chuyên ngành với đề tài cho sẵn trong vòng vài ngày để hoàn thiện hồ sơ ứng tuyển, những kinh nghiệm tôi thu được từ quá trình tự viết luận trước đó đã giúp tôi xoay sở được. Tin tôi đi, ngay cả những ‘thợ săn học bổng’ kỳ cựu cũng phải vượt qua những bước đầu khó khăn như vậy đó, và tôi dám cá bạn sẽ phải ngạc nhiên về khả năng của mình khi đến cuối cùng chính bạn có thể hoàn thành tốt tất cả các bài luận trong bộ hồ sơ du học.

Du học – Cần rất nhiều niềm tin và sự quyết tâm

Nói về kinh nghiệm chuẩn bị hồ sơ du học và xin học bổng, các bạn có thể tìm kiếm vô số các bài chia sẻ kinh nghiệm khác trên mạng, có bài chi tiết đến từng phần, thế nhưng chắc hẳn không có nhiều bài truyền cảm hứng về “niềm tin”. Tôi không muốn rao giảng về tầm quan trọng của yếu tố đó như thế nào, tôi chỉ muốn kể cho các bạn nghe câu chuyện nhỏ của chính tôi.

Ngày tôi chọn đi du học Anh là đích đến tiếp theo sau khi bước ra khỏi cánh cửa trường đại học, rất nhiều người nói với tôi rằng du học tại Anh quá đắt đỏ, cơ hội xin học bổng thì gần như là ít so với các nước khác như Mỹ, Úc… Thú thật tôi đã bị ảnh hưởng bởi những lời nói đó đến mức tôi xác định với bản thân mình rằng đừng mơ đến học bổng để rồi thất vọng. Tôi tiến hành chuẩn bị hồ sơ nhập học bình thường mà không có ý niệm nào về việc sẽ nộp xin học bổng cho đến ba tháng trước khi hết hạn nộp hồ sơ khi tôi nghe được lời khuyên của một cựu du học sinh “Nộp hồ sơ xin học bổng, em không mất gì cả, tại sao không nộp?”.

Ý nghĩ đó cứ nung nấu trong đầu tôi cả tuần sau đó và cuối cùng tôi quyết định sẽ đánh liều nộp thử. Với lượng thời gian còn lại quá ít ỏi, tôi không có cơ hội chau chuốt, đánh bóng bộ hồ sơ xin học bổng của mình như các ‘thợ săn học bổng’ khác vẫn làm, các chị tư vấn cũng từ chối hỗ trợ hồ sơ của tôi vì lý do mỗi năm cả Việt Nam chỉ có 1-2 suất học bổng này thôi nên phần trăm thành công của tôi hoàn toàn không cao, bạn bè tôi người thì ngại không nói gì người thì tặc lưỡi bảo ừ thôi thì cứ thử. Thật may mắn là tôi đã không để bản thân mình nản chí mà vẫn mày mò tự hoàn thiện hồ sơ để nộp đến hai trường đại học Anh là đích nhắm cuối cùng của mình. Ngày nhận được kết quả với thành công vượt ngoài sức tưởng tượng: tôi nhận được học bổng của một trường và cũng lọt được vào vòng những ứng cử viên cuối cùng cho học bổng của trường còn lại, tôi nghiệm ra một điều rằng phần thưởng luôn dành cho ai có niềm tin và có quyết tâm theo đuổi đến cùng.

Biến ước mơ du học thành hiện thực, hãy bắt đầu ngay từ hôm nay!

Tôi đã tin, đã nỗ lực và thành công.

Còn bạn, bạn đã có đủ niềm tin và quyết tâm hay chưa?

Xem thêm bí quyết săn học bổng du học:

LOR là gì?

Chuẩn bị LOR như thế nào?

Chọn ai để viết LOR?

Làm thế nào để có LOR tốt?

Phạm Phương Anh (MA Public Relations, University of Westminster)

Theo Ukinmyeyes.vn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuẩn bị hồ sơ du học và xin học bổng