Kể từ lúc bé trai 2 tuổi bị đuối nước qua đời, con chó cứ quẩn quanh bên mộ phần cậu chủ. 3 năm qua, vị trí con chó nằm đã in thành vết, rõ nét trên mộ. Tình cảm, sự trung thành của con chó khiến người thân của bé trai xúc động và dân sống gần đó lấy làm kỳ lạ.

Xúc động chuyện con chó nằm canh mộ phần cậu chủ 2 tuổi suốt 3 năm ở Long An

Ngọc Thanh | 17/11/2020, 14:54

Kể từ lúc bé trai 2 tuổi bị đuối nước qua đời, con chó cứ quẩn quanh bên mộ phần cậu chủ. 3 năm qua, vị trí con chó nằm đã in thành vết, rõ nét trên mộ. Tình cảm, sự trung thành của con chó khiến người thân của bé trai xúc động và dân sống gần đó lấy làm kỳ lạ.

Ra mộ chủ nằm sau 3 ngày chôn cất

Những ngày qua, con chó mực (tên gọi cũng là Mực) của gia đình bà Nguyễn Thị Út (thường gọi Út Méo, 58 tuổi, ngụ ấp 1, xã Tân Thành, H.Tân Thạnh, tỉnh Long An) bỗng dưng nổi tiếng. Ngoài bà con trong xóm ấp, nhiều người sống ở nơi khác cũng biết đến con chó kỳ lạ suốt ngày nằm canh mộ phần của bé trai 2 tuổi. Ngay như bà Mai bán nước giải khát ở ngoài đường N2 cũng có thể rành rọt hướng dẫn cung đường ngoằn ngoèo vào nhà bà Út Méo ở tận trong bưng. Lý do vì trong ngày bà Mai đã tiếp chuyện và được nhiều người hỏi han về con Mực cùng gia đình bà Út Méo.

Bưng dùng để chỉ vùng đất trũng thấp, nước đọng nhưng không quá sâu. Nơi đây, có nhiều tôm cá và mọc lên những loại cây thấp như sậy, đế, đưng, năn, lác. Người ta phải phát sạch để trồng lúa.

Biền ở đây nói về đất ruộng nghĩa là chạy cặp theo sông hay kinh rạch lớn, có nước thủy triều lên xuống thường xuyên.

Bưng biền ghép chung lại chỉ vùng đất có cả bưng lẫn biền.

Theo chỉ dẫn của bà Mai, chúng tôi len lỏi giữa đám chuối, men theo con đường mòn dọc con kênh lớn đi vào sâu bên trong bưng biền. Nhà của bà Út Méo nằm ngay mặt lộ, phía trước con kênh đang lúc cạn nước, đìu hiu. Bà Út đang sửa soạn đi đám ma trong xóm, thấy chúng tôi đến nên bà nán lại nhà. Con Mực thấy người lạ vẫn không sủa, bà Út lý giải: “Trước đây, nó hay sủa người lạ nhưng mấy bữa nay, mọi người đến nhiều nên nó quen, không thèm sủa nữa”.

Mực ngoan ngoãn nằm dưới gầm bàn, chốc chốc đưa mũi đánh hơi xung quanh. Bà Út tiếp tục kể: “Bình thường, con Mực hay ra mộ cháu nội tôi nằm, rồi ngủ ở đó. Hổm rày chắc người lạ đến quay phim nhiều, nó sợ nên ở miết trong nhà. Khi nào tôi ra mộ, nó mới chạy theo, ra đó nằm tiếp”.

Bà Út nhớ lại: “Chồng tôi xin con chó này về nhà lúc Kiệt được hơn 1 tuổi. Lúc đó, con chó nhỏ xíu mà bộ lông đen thủi đen thui, mọi người mới kêu tên là Mực. Lúc đầu tôi còn định không cho nuôi mà thằng Kiệt mến con chó quá. Tôi thương cháu mới để con chó ở lại mà nuôi. Bé Kiệt rất thích con Mực lắm, cứ ôm, vuốt ve hoài. Tôi sợ dơ, bé hít phải lông chó lại bệnh. Nhưng thằng nhỏ mê con chó quá, cứ ôm ấp, cho ăn chung, ngủ chung. Thấy vậy tôi tắm rửa, vệ sinh cho con chó sạch sẽ”.

Nhắc đến đứa cháu nội tên Kiệt đã mất lúc 2 tuổi, bà Út thoáng buồn dù chuyện đã xảy ra 3 năm. Bà kể: “Hồi đó nhà tôi lợp lá xập xệ, không cửa nẻo, rào chắn. Thường ngày cha mẹ của bé Kiệt đi làm hết, tôi ở nhà giữ cháu. Hôm đó mẹ bé Kiệt xin nghỉ một bữa nên tôi giao thằng nhỏ cho con dâu trông coi. Tôi đi hái rau ở sau nhà. Trời tháng 5 mưa dầm, thằng nhỏ thấy mưa thì thích thú, cứ mò ra mé kênh vọc nước. Ông nội bé Kiệt nhìn thấy nên ẵm cháu vô nhà, kêu cháu ở với mẹ trong nhà. Vậy mà không biết sao khoảng 10 phút, mẹ nó la hét hoảng loạn, nói nó té kênh. Khi vớt được thằng nhỏ lên bờ, đưa vô bệnh viện, bác sĩ nói bé Kiệt chết rồi, không cứu được nữa”.

6.jpg
Con Mực nằm trên mộ phần của bé trai vắn số - Ảnh: Ngọc Thanh

Theo bà Út, chỉ ít phút trước đó hàng xóm còn thấy bé Kiệt hát líu lo, chơi đùa dưới mưa. Họ còn nhắc Kiệt đi về nhà. Vậy mà không hiểu hà cớ gì Kiệt lại chạy ra mé kênh để rồi trượt té. Kiệt mất, cả nhà khóc lên khóc xuống nên cũng không ai ngó chừng biểu hiện của con Mực có gì lạ hay không. Cho đến khi mộ phần của bé trai 2 tuổi hoàn tất, con Mực bỏ nhà, ra mộ nằm bất kể ngày đêm. Lúc còn sống bé Kiệt đi trong xóm, con Mực cũng lẽo đẽo theo sau. Kiệt ăn gì cũng đút cho con Mực ăn cùng. Buổi tối Kiệt cũng ôm con chó vào lòng mà ngủ. Có lẽ con Mực quen mùi cậu chủ. Thế nên khi Kiệt mất, con Mực chạy ra mộ nằm ngủ, quấn quýt ngày cũng như đêm.

Con chó chết sẽ được chôn cạnh mộ chủ

Anh Nguyễn Thanh Rỡ, cha của bé Kiệt thoáng buồn, nhắc đến con trai đã mất: “Kiệt mất lúc hơn 2 tuổi, tính ra bây giờ bé cũng 5 tuổi rồi. Kiệt mất, vợ chồng tôi mới sinh thêm bé trai khác, đến nay cũng được hơn 11 tháng tuổi. Tôi làm thợ hồ ở Bến Lức, vợ làm công nhân ở tận Đức Hòa. Đi làm xa nhưng chiều nào chúng tôi cũng ráng chạy về nhà với con. Nỗi đau mất con trai sau 3 năm vẫn còn nguyên vẹn. Ngay cả con vật còn có tình cảm trung thành, tôi làm cha sẽ không tránh khỏi cảm giác day dứt khi không bảo vệ được con trai”.

“Con Mực và bé Kiệt giống như đôi bạn, lớn lên bên nhau. Lúc an táng bé Kiệt, con Mực cũng lẽo đẽo ra phía sau nhà, chạy lăng xăng quanh chiếc quan tài bé cỏn con. Đến khi gia đình xây mộ cho bé Kiệt xong, con Mực tự động ra đó nằm. Nó không đi loanh quanh như bao con chó khác, không theo cha mẹ tôi, không đùa giỡn với chó hàng xóm nữa. Con Mực chỉ nằm yên trên mộ, đôi mắt buồn thiu, chân cào cào trên phiến đá đá hoa cương”, anh Rỡ cho biết.

Con Mực ở ngoài mộ từ sáng đến đêm. Nhiều đêm nó không vào nhà mà ở luôn bên mộ. Nếu mưa to gió lớn, ngoài mộ không có chỗ tránh mưa, nó mới vào nhà. Nếu mưa nhỏ, nắng gắt, nó vẫn nằm đó, không di chuyển. Người nhà bà Út Méo cho biết, con Mực cứ nằm trên mộ cậu bé, không tru, không hú. Nó nằm đầu hướng về phía bia mộ chứ không bao giờ nằm ngược lại. Khi đói, Mực vào nhà kiếm cái ăn rồi lại ra nằm tiếp.

Suốt 3 năm, con Mực nằm trên mộ, tấm đá hoa cương trên nắp mộ phần cũng đã in hằn dấu vết. Nhà của bà Út có nhiều chó nhưng chỉ có mỗi con Mực có hành động kỳ lạ. Nó nằm bất chấp cái nắng gắt đến độ cháy cả lông. Thương con vật trung thành, bà Út làm tạm mái che cho con chó có chỗ tránh nắng. Thấy có mái che Mực ở luôn ngoài mộ, mưa nắng cũng không vào. Thấy vậy, bà Út cùng gia đình càng thương con vật trung thành, giàu tình cảm.

Một người hàng xóm của gia đình bà Út chia sẻ: “Có đêm đi soi ếch, tôi thấy nó nằm trên phần mộ của bé Kiệt. Thấy tôi, nó không sủa, chỉ nhìn rồi mắt lại lim dim. Có lúc tôi thấy nó đi xung quanh mộ, cào cào, rồi lại nhảy lên phía trên nằm ngủ tiếp. Nó ngủ nhiều đến độ lông rụng đầy dưới chân mộ. Vẫn biết chó là loài vật trung thành nhưng tôi chưa bao giờ chứng kiến chuyện lạ như vậy. Không chỉ trung thành với chủ, dường như con Mực có một tình cảm rất đặc biệt với đứa bé xấu số”.

Bà Út nói ngày cháu nội mất, gia đình bà ai cũng đau buồn. Bà khóc nhiều đến nỗi bây giờ đôi mắt lờ mờ, nhìn không rõ. Còn chị gái của Kiệt buồn thương đứa em xấu số khóc đến mất giọng. Bà Út kể: “Lúc em nó mất, nó buồn lắm. Nó khóc hoài rồi không thèm nói chuyện với ai. Nó ngồi thu lu một góc nhà, nước mắt lúc nào cũng chảy dài trên má. Rồi nó mất giọng luôn cả tháng trời. Tôi sợ nó câm luôn nên càng buồn hơn. Thế rồi sau 1 tháng, nó nói chuyện lại được. Câu đầu tiên nó trách tôi: Sao hôm đó, nội không dẫn em con theo mà chỉ dẫn con thôi. Nội không dẫn em theo, để em ở nhà nên em con mới té kênh chết”.

Cũng theo bà, những ngày làm đám tang cho bé Kiệt, gia đình không ai để ý nhiều đến con Mực nên không biết nó có biểu hiện gì lạ không. Tuy nhiên, bà nhận thấy, trong những ngày ấy, Mực mất hẳn sự hiếu động. Nó không chạy nhảy, đùa giỡn với các con chó khác mà chỉ nằm một góc nhà, đầu gối trên hai chân trước. Mắt nó buồn thiu, ngơ ngác nhìn xung quanh nhà.

Bà Út còn kể, không chỉ canh mộ cho cậu bé suốt gần 3 năm qua, con chó còn có những hành động rất lạ. Nó thường mang bánh, kẹo trong nhà ra để ở phía đầu mộ rồi nằm đó canh. “Bao năm qua, chúng tôi không còn lo Kiệt cô đơn nữa. Sau này có điều kiện, tôi sẽ dời mộ cháu vào gần nhà. Lúc đó, tôi sẽ làm mái che cho con Mực nằm trên mộ khỏi phải nắng mưa. Nếu nó già yếu, chết đi, tôi cũng sẽ chôn nó gần mộ của bé Kiệt”, bà Út nói với đôi mắt đỏ hoe.

Bài liên quan

(1) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xúc động chuyện con chó nằm canh mộ phần cậu chủ 2 tuổi suốt 3 năm ở Long An