Chiều 29.5, Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho hay, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tiếp tục theo dõi, xử lý tình trạng khai thác nghêu giống tại khu vực ven biển thuộc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Vườn quốc gia Mũi Cà Mau chủ trì, phối hợp với chính quyền huyện Ngọc Hiển, công an, biên phòng và các đơn vị chức năng có liên quan tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không khai thác nghêu giống và các giống thủy sản khác tại khu vực thuộc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau.
Chính quyền huyện Ngọc Hiển phối hợp với các đơn vị có liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình, tăng cường quản lý địa bàn để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp gây mất an ninh trật tự (nếu có), tránh để phát sinh điểm nóng.
Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cùng các đơn vị chức năng có liên quan phối hợp kiểm tra, xử lý các vấn đề liên quan đến tranh chấp ngư trường và quản lý khai thác nguồn lợi giống thủy sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ưu tiên tập trung triển khai thực hiện tại địa bàn Vườn quốc gia Mũi Cà Mau.
Khoảng 10 ngày qua, tại khu vực ven biển Trương Phi (thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) xuất hiện nhiều phương tiện khai thác nghêu giống, làm ảnh hưởng đến môi trường và nguồn lợi thủy sản.
Vườn quốc gia Mũi Cà Mau cho biết, trung bình mỗi ngày có từ 40 đến 60 phương tiện. Trong đó, tập trung nhiều trong ngày 25.5 với 90 phương tiện khai thác nghêu giống và khoảng 155 người tham gia. Số lượng giảm dần vào ngày 28.5, chỉ còn 4 phương tiện và đến sáng 29.5, không còn phương tiện nào của người dân tham gia khai thác nghêu giống tại khu vực nói trên.
Theo người dân địa phương, nghêu giống thường xuất hiện vào đầu mùa mưa tại vùng ven biển thuộc xã Đất Mũi nhưng không duy trì được lâu. Người dân xem đây là “lộc trời”, “quà của biển” nên sử dụng các dụng cụ thủ công để khai thác. Trung bình mỗi ngày, hộ khai thác nghêu kiếm được từ vài trăm nghìn đồng đến hơn 1 triệu đồng.
Với người dân địa phương, đây là khoản thu không nhỏ vì đa phần hộ khai thác nghêu giống đều thuộc diện khó khăn, có thu nhập bấp bênh, thường làm thuê, làm mướn theo mùa vụ.
Nghêu giống sau khi khai thác sẽ được bán lại cho thương lái chuyên thuần dưỡng nghêu tại các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Cần Giờ (TP.HCM)… sau đó sẽ bán lại cho người nuôi nghêu thương phẩm tại nhiều vùng ven biển.
Thời gian qua, tình trạng khai thác nghêu giống trong phạm vi Vườn quốc gia Mũi Cà Mau được xem là trái phép. Ngành chức năng cũng tăng cường tuyên truyền cho người dân bằng nhiều hình thức khác nhau.