Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị các đơn vị chức năng xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý nhằm trục lợi.
Ngày 13.9, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ký công điện gửi bộ ngành, UBND các địa phương về việc tăng cường biện pháp quản lý, điều hành giá sau cơn bão số 3 (bão Yagi).
Công điện nêu rõ, ảnh hưởng bởi bão Yagi, ngành nông nghiệp một số địa phương bị thiệt hại nặng nề, làm đứt gãy giao thông vận chuyển hàng hóa. Một số nơi, một số thời điểm đã xuất hiện khan hiếm, tăng giá cục bộ rau củ quả, thực phẩm, nước uống...
Phó thủ tướng yêu cầu kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Đồng thời, sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường.
Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.
Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị các bộ theo chức năng, nhiệm vụ chủ động trong công tác tham mưu cho Chính phủ đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu bị đứt gãy, hạn chế nguồn cung sau bão lũ.
Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp.
Chuẩn bị và tính toán kỹ các phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường để tránh tác động cộng hưởng lên CPI trong thời điểm thị trường giá cả bị tác động do bão lũ.
Phó thủ tướng cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nắm bắt sát diễn biến giá cả thị trường, cung cầu hàng hóa trên địa bàn nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu của người dân, giám sát thị trường hàng hóa tại các chợ đầu mối, trung tâm mua sắm, siêu thị không để xảy ra tình trạng tạo khan hiếm, đầu cơ nâng giá, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý nhằm trục lợi.
Đảm bảo và tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa nhất là đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng chịu thiệt hại của bão lũ.
Các Sở Tài chính chủ động phối hợp với các sở, ban ngành để kịp thời tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố tăng cường điều hành, bình ổn giá; căn cứ điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương để xem xét quyết định việc thực hiện chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn khi có biến động bất thường xảy ra theo thẩm quyền và quy định pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Dự trữ Nhà nước chỉ đạo các Cục Dự trữ nhà nước khu vực bố trí lực lượng 24/24h; tổ chức xuất cấp gạo, các phương tiện, vật tư cứu nạn, cứu hộ… kịp thời từ các kho dự trữ quốc gia cho các tỉnh, thành phố theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền, đúng quy định pháp luật.
Trước đó, tại một số địa phương trong đó có Hà Nội, nguồn cung giảm, nhu cầu mua hàng tích trữ của người dân tăng cao khiến giá rau xanh một số thời điểm tăng giá gấp đôi so với bình thường.
Ngày 13.9, Tổng cục Dự trữ nhà nước (Bộ Tài chính) xuất cấp 50 tấn gạo dự trữ cho tỉnh Cao Bằng để hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng cơn bão số 3. Thời gian hoàn thành giao, nhận gạo đến ngày 15.9.