Trong phần đối đáp, VKS đã đề nghị lại mức án đối với cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai.
Chiều 28.12, phiên tòa xét xử vụ án gian lận đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Công ty AIC tiếp tục phần tranh tụng. Theo đó, đại diện VKS tiến hành đối đáp lại quan điểm bào chữa của các luật sư.
Cụ thể, theo VKS, bị cáo Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) đã chủ động khai báo, phối hợp điều tra và tại tòa cũng thành khẩn khai báo. Từ đó, VKS thay đổi quan điểm, đề nghị án lại mức án đối với ông Thái là 8 - 9 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, thay vì 9 - 10 năm tù như phần luận tội trước đó.
Liên quan đến việc truy tố, xét xử đối với 8 bị cáo đang bỏ trốn, theo VKS, luật quy định khi bị can trốn hoặc không biết ở đâu thì cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã. Luật không quy định thời điểm bỏ trốn nên việc trốn trước hoặc sau thời điểm khởi tố đều thuộc trường hợp bỏ trốn.
Trong vụ án, VKS cho biết 8 bị can sau khi bị khởi tố không có mặt tại nơi cư trú, nơi làm việc và không thực hiện việc triệu tập của cơ quan điều tra.
Cựu Chủ tịch Đồng Nai nhận tội
Trong phần tự bào chữa, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái cho rằng bản thân đã thành khẩn nhận sai phạm trước cơ quan điều tra, chủ động khai báo hành vi phạm tội. Ông không đưa ra những lời bào chữa cho tội danh của mình mà chỉ đề nghị tòa xem xét thêm tình tiết giảm nhẹ liên quan đến thành tích của bản thân, cũng như của gia đình.
Ông Thái trình bày: “Do suy nghĩ đơn giản nên đã phạm tội. Sau khi nhận thức được hành vi của mình là sai phạm, tôi đã thành khẩn nhận tội, nhận sai phạm trước cơ quan điều tra và đã chủ động khai báo”.
Bị cáo Đinh Quốc Thái bị cáo buộc nhận hối lộ 14,5 tỉ đồng từ Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Công ty AIC) và ký một số quyết định tăng vốn cho dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Hành vi này giúp Công ty AIC tham gia rồi trúng 16 gói thầu sai quy định.
Theo luật sư của ông Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã có đơn tự nguyện khai báo hành vi phạm tội của mình, khai báo hành vi đưa hối lộ của bà Nhàn, khắc phục toàn bộ số tiền nhận hối lộ trước khi bị khởi tố. Trong phần bào chữa, luật sư cũng nói rõ thân chủ của mình “không hứa hẹn gì với bà Nhàn khi nhận tiền”.
Từ đó, luật sư đề nghị cần phải xem xét, đánh giá toàn diện về vai trò, vị trí trong bối cảnh và thời điểm mà ông Thái nhận tiền từ lãnh đạo AIC.
“Chịu nhiều sức ép”
Trong phần tự bào chữa trước tòa, bị cáo Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) giải thích rằng thời điểm xây dựng bệnh viện, bản thân phải “chịu nhiều sức ép”; đồng thời xin HĐXX cho mình được nhận sự khoan dung độ lượng, giảm nhẹ hình phạt. Về cáo buộc nhận hối lộ 14,8 tỉ đồng, ông Vũ nói rằng mình không phải “sâu dân, mọt nước”.
Tự bào chữa trước tòa, bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (cựu Phó tổng giám đốc Công ty AIC) cho rằng thời gian đầu, Nga có quan hệ thân thiết với bị cáo Nhàn; sau đó phát sinh nhiều mâu thuẫn nên đã mở công ty ra làm riêng. Theo bà Nga, do Công ty AIC có nhiều việc làm mạo hiểm nên bà quyết định đi con đường riêng.
Bị cáo Nga cho biết, thời điểm thực hiện dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, bà chỉ là trưởng ban, làm việc theo giấy ủy quyền của bà Nhàn. Do mỗi người trong công ty thực hiện các khâu khác nhau, bị cáo không thể chỉ đạo cấp dưới làm trái pháp luật.
Tại tòa, bà Nga không xin giảm nhẹ hình phạt cho mình nhưng đề nghị tòa giảm nhẹ cho những người từng là cấp dưới.
Trong vụ án này, VKS xác định Hoàng Thị Thúy Nga đã giúp sức tích cực cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn gặp gỡ, tiếp xúc với Trần Đình Thành (Bí thư Tỉnh ủy), Đinh Quốc Thái (Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) đặt vấn đề chỉ đạo thực hiện tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu trái pháp luật; ký toàn bộ hồ sơ kỹ thuật tham gia thầu, điều chỉnh thời hạn thực hiện hợp đồng; chỉ đạo nhân viên dưới quyền thông đồng, cấu kết với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng 16 gói thầu của Dự án Bệnh viện Đồng Nai với tổng giá trị hơn 665 tỉ đồng, gây thiệt hại trên 148 tỉ đồng.