Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) khuyến nghị rằng với các diễn biến phức tạp gần đây trong quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và các nước khác, việc Trung Quốc tăng đầu tư vào Việt Nam nên được xem xét thận trọng, tránh để nước ta trở thành nước trung gian để Trung Quốc xuất khẩu sang các thị trường khác.

Xem xét thận trọng việc doanh nghiệp Trung Quốc tăng đầu tư vào Việt Nam

21/07/2020, 12:24

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) khuyến nghị rằng với các diễn biến phức tạp gần đây trong quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và các nước khác, việc Trung Quốc tăng đầu tư vào Việt Nam nên được xem xét thận trọng, tránh để nước ta trở thành nước trung gian để Trung Quốc xuất khẩu sang các thị trường khác.

Tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý 2 và 6 tháng đầu năm - Ảnh: LT

Số DN ngừng hoạt động có thể giảm

Ngày 21.7, VEPR đã công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý 2 và 6 tháng đầu năm.

Báo cáo nhận định, đại dịch COVID-19 có ảnh hưởng tiêu cực lên lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong quý 2. Nhiều quốc gia trên thế giới nhất là Trung Quốc đóng cửa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng. Số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng đều giảm đáng kể do sụt giảm nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu. Trong khi đó mức độ lạc quan về kinh tế của các doanh nghiệp suy giảm.

Những nguyên nhân trên khiến chỉ số PMI suy giảm mạnh. Bắt đầu từ tháng 2, PMI giữ mức dưới 50 cho thấy nền sản xuất vẫn đang có xu hướng co hẹp, tuy vậy tốc độ co hẹp đang chậm lại. Bước sang tháng 6, PMI đạt 51,1 cho thấy các dấu hiệu hồi phục ban đầu.

VEPR nhận định các diễn biến phức tạp gần đây của dịch COVID-19 tại các nước đối tác quan trọng của Việt Nam khiến khả năng hồi phục mạnh sản xuất trong năm nay là không mấy khả quan.

Kết quả khảo sát về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Tổng cục Thống kê cho thấy có 49,1% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất sẽ tốt lên trong quý 3; 19,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 31,5% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Số liệu cho thấy niềm tin kinh doanh trong quý 2 tốt hơn nhiều so với quý 1/2020. Trong sáu tháng đầu năm, cả nước có 62.048 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 697 nghìn tỉ đồng. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 29,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước; 19,6 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 10,2%.

“Từ nay cho đến hết năm, COVID-19 vẫn sẽ gây ảnh hưởng lên hoạt động của doanh nghiệp, nhưng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thể giảm do nền kinh tế đã bắt đầu sôi động trở lại, không còn bị cản trở bởi các biện pháp phong tỏa”, VEPR nhận định.

Tăng trưởng vốn đầu tư từ khu vực FDI giảm mạnh

Theo báo cáo này, nhờ vào động thái quyết liệt của Chính phủ trong việc giải quyết ách tắc đầu tư công, cùng chủ trương thúc đẩu đầu tư nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế, trong quý 2/2020, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện ước tính đạt 481,2 nghìn tỉ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn khu vực Nhà nước tăng 7,8% ; khu vực ngoài Nhà nước tăng 4,9% ; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 2,4%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, vốn đầu tư toàn xã hội tăng 3,4% và bằng 33% GDP. Có thể thấy trong nửa đầu năm 2020, do quá trình đẩy nhanh đầu tư công, tăng trưởng đầu tư của khu vực nhà nước đang giúp bù đắp khu vực ngoài nhà nước.

Tuy vậy, VEPR cho rằng đây có thể không phải là xu hướng lâu dài mà chỉ là biện pháp tình thế trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh. Dự báo trong tương lai, khu vực ngoài nhà nước sẽ tiếp tục chi phối trên bình diện đầu tư.

Báo cáo này cũng nêu, là một trong số các quốc gia may mắn kiểm soát được dịch từ sớm, Việt Nam không bị gián đoạn trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trong quý 2, vốn đầu tư nước ngoài đăng kí mới chỉ đạt 2,94 tỉ USD, giảm 18% nhưng vốn đăng kí bổ sung đạt 2,62 tỉ USD, tăng 64% và tăng 139%.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong quý 2 đạt 4,75 tỉ USD, tăng 22%, (năm 2019 đạt tương ứng là 4,98 tỉ USD, tăng 20,8%. Tính chung sáu tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài đăng kí mới đạt 8,43 tỉ USD, tăng 14%; vốn đăng kí bổ sung tăng 28,4%.

Vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng chảy mạnh vào các dự án đã được cấp phép và đang được triển khai, trong khi vốn đổ vào các dự án mới giảm mạnh, một điều không phổ biến với FDI ở Việt Nam.

Nguyên nhân cho hiện tượng này có thể là do các doanh nghiệp không chuyển lợi nhuận ra nước ngoài mà giữ lại tái đầu tư ở Việt Nam dưới dạng vốn bổ sung, có xu hướng cam kết hơn với các dự án đã được phát triển tại Việt Nam.

Vốn đăng ký mới giảm mạnh trong quý 2 có thể do niềm tin kinh doanh bị giảm tạm thời do cú sốc COVID-19, nhưng với xu hướng cam kết sâu vào thị trường Việt Nam, các dự án mới có thể quay trở lại sau khi thế giới kiểm soát được bệnh dịch.

“Đây là lúc cần xem xét lại các yếu tố về ưu đãi thuế với các doanh nghiệp FDI, loại bỏ các ưu đãi dư thừa để đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh”, VEPR nêu.

VEPR cũng khuyến nghị rằng với các diễn biến phức tạp gần đây trong quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và các nước khác, việc Trung Quốc tăng đầu tư vào Việt Nam nên được xem xét thận trọng, tránh để nước ta trở thành nước trung gian để Trung Quốc xuất khẩu sang các thị trường khác.

Thêm vào đó, các vấn đề liên quan đến môi trường, bảo hộ lao động và chất lượng công nghệ cũng nên được đặc biệt xem xét với các dự án FDI từ Trung Quốc.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xem xét thận trọng việc doanh nghiệp Trung Quốc tăng đầu tư vào Việt Nam