Nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - chia sẻ việc xây dựng “môi trường văn hóa báo chí” phải được tiếp tục hiện thực hóa thường xuyên và là việc làm sống còn.
Tại phiên thảo luận “Xây dựng môi trường văn hóa báo chí” trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024, nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ, việc xây dựng “môi trường văn hóa báo chí” là việc tiếp tục phải được hiện thực hóa thường xuyên, thực chất, quyết liệt, phải thực sự là việc làm sống còn tại hết thảy các cơ quan báo chí trong cả nước.
Phát biểu về “Sự cấp thiết của xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí”, nhà báo Nguyễn Đức Lợi cho biết phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” đã nhận được sự hưởng ứng tích cực, sự vào cuộc mạnh mẽ của hầu hết các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo trên cả nước, đáp ứng nhu cầu thiết thực trong đời sống báo chí nói chung và hoạt động tác nghiệp của những người làm báo nói riêng, bước đầu đã tạo được nhiều sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động.
Tuy nhiên, ông cũng đánh giá, trong năm 2023 vừa qua, một trong những điều khiến chính những người làm báo nặng lòng nhất đó là việc đã có nhiều trường hợp là nhà báo, cộng tác viên tại các cơ quan báo và tạp chí bị khởi tố với tội danh "Cưỡng đoạt tài sản". Cũng trong năm 2023 vừa qua, vẫn còn không ít hiện tượng, không ít nhà báo bất chấp những quy định về đạo đức nghề nghiệp, bất chấp mọi hệ lụy để đưa tin, chụp hình nhiều nhân vật, sự kiện chỉ để câu view, vẫn còn hiện tượng nhiều nhà báo viết sai mà không xin lỗi, không đính chính; viết tin theo kiểu “nghe hơi”; không “mắt thấy, tai nghe”…
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi đánh giá với những người làm báo cách mạng, những hành vi thiếu chuẩn mực, thiếu đạo đức, thiếu văn hóa phải được ngăn chặn, khắc phục. Và để ngăn chặn, khắc phục, ngoài việc cần tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho các nhà báo, yêu cầu các nhà báo phải tuân thủ luật pháp, Luật Báo chí.
Thực hiện nghiêm quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo thì một “việc cần làm ngay” nữa là tiếp tục đưa phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” đi vào chiều sâu, lan tỏa rộng rãi hơn nữa từ đó tạo nên những kết quả, hiệu quả thực chất hơn nữa.
Mục tiêu tối thượng của báo chí cách mạng là phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân và hướng con người tới những giá trị nhân văn trong cuộc sống. Bên cạnh việc tuân thủ pháp luật trong tác nghiệp, người làm báo và cơ quan báo chí phải luôn xuất phát từ góc nhìn nhân văn, văn hóa để tiếp cận và phản ánh các vấn đề, sự việc, tạo ra những tác phẩm báo chí có giá trị, hướng tới xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.
Bàn về những giải pháp trong thời gian tới, nhà báo Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập báo Đời sống và Pháp luật chia sẻ, điều quan trọng là xây dựng được giá trị cốt lõi văn hóa trong cơ quan báo chí. Mỗi cơ quan báo chí cần giữ gìn giá trị thương hiệu của cơ quan báo chí đó, xây dựng môi trường văn hóa mới tạo ra được cảm hứng trong đơn vị đó. Không chỉ là cách ứng xử mà còn liên quan đến cảm hứng sáng tạo của phóng viên ở cơ quan báo chí đó. Xây dựng môi trường văn hóa báo chí - đó không chỉ hình thức, khẩu hiệu kêu gọi mà cần gắn với đạo đức của người làm báo với sự tồn vong của cơ quan báo chí.
Nói về vấn đề nhà báo vi phạm quy chế, vi phạm quy định về đạo đức người làm báo, nhà báo Phạm Văn Báu, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Chủ tịch Hội Nhà báo Thanh Hóa cho rằng có một thực tế rõ ràng, khi chúng ta ban hành một quy tắc, quy định nào đó thường xuất phát từ thực tế đời sống. Trong đó nêu rõ những điều được làm và không được làm. Trên thực tế không ít nhà báo đã có vi phạm trong quy tắc sử dụng mạng xã hội, như thông tin một chiều, dẫn dắt thông tin trên mạng.
"Nhiều nhà báo bày tỏ ý kiến cá nhân trên mạng, nhiều nội dung không đăng báo mà đăng trên mạng. Cố gắng lèo lái dư luận, hoang tưởng về sức mạnh của mình, có những bộ phận vẫn có tình trạng vi phạm những quy tắc này. Chúng ta đã ban hành những quy định rất chặt chẽ để chúng ta thực hiện", nhà báo Phạm Văn Báu chia sẻ.
Việc triển khai phong trào thi đua "Xây dựng cơ quan văn hóa và người làm báo văn hóa" thành công, đi vào chiều sâu sẽ tránh việc các phóng viên, hội viên viết trên báo một đằng, phát ngôn trên mạng xã hội lại một nẻo, tránh được sơ suất nhỏ, hậu quả lớn. Các cơ quan báo chí sẽ đoàn kết, xốc lại đội ngũ của mình, mỗi một thành viên, người làm báo sẽ thấy trách nhiệm trong xây dựng cơ quan báo chí đáp ứng theo đúng môi trường văn hóa vốn có trước đây mà bây giờ đang được kiện toàn, tổ chức lại cho phù hợp...
Cơ quan báo chí hy vọng việc tích cực triển khai thực hiện phong trào thi đua "Xây dựng cơ quan văn hóa và người làm báo văn hóa" từ Trung ương tới cơ sở thống nhất, quyết liệt hiệu quả sẽ hạn chế được các vi phạm.