Theo nhận định của chuyên gia Ngô Trí Long, hiện nay đang có tình trạng EVN báo cáo, Cục điều tiết điện lực xem xét, còn cơ quan chức năng Bộ Công Thương phần lớn đứng về phía nhà sản xuất và đơn vị độc quyền, ít khi về người tiêu dùng. Cho nên mới có nhiều phát ngôn ít được đồng tình, ủng hộ.

Xăng, điện bắt tay tăng giá, các Bộ không hiểu nỗi khổ của dân

Một Thế Giới | 17/03/2015, 13:54

Theo nhận định của chuyên gia Ngô Trí Long, hiện nay đang có tình trạng EVN báo cáo, Cục điều tiết điện lực xem xét, còn cơ quan chức năng Bộ Công Thương phần lớn đứng về phía nhà sản xuất và đơn vị độc quyền, ít khi về người tiêu dùng. Cho nên mới có nhiều phát ngôn ít được đồng tình, ủng hộ.

Cơ quan chức năng chỉ đứng về phía nhà sản xuất!
Tại cuộc Tọa đàm "Kiên trì điều hành giá theo thị trường - Nhìn từ giá xăng và giá điện" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, đại diện các cơ quan chức năng như Bộ Tài chính, Bộ Công thương, cùng chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đã nhiều phân tích xoay quanh việc tăng giá điện và tăng giá xăng dầu trong thời gian vừa qua.
Cụ thể, theo chuyên gia Ngô Trí Long, từ năm 2007 đến nay, giá điện đã tăng 7 lần và kể từ 16.3.2015 thì đây là lần tăng giá thứ 8. Lần này tăng biên độ tương đối lớn so với các lần trước. Chính sự tăng cao như vậy đã gây bức xúc cho người tiêu dùng. Bởi lẽ không phải người tiêu dùng không chia sẻ khó khăn với ngành điện mà người tiêu dùng chưa đồng thuận vì sự minh bạch trong hoạt động của EVN.
"Tất cả hoạt động của EVN hiện nay chưa thực sự có hiệu quả mà lại đổ lên người tiêu dùng, đây là điều bất cập, khiến cho người tiêu dùng chưa đồng thuận. Theo quan điểm của tôi, để tạo sự đồng thuận với người tiêu dùng, đề nghị mỗi lần tăng giá điện phải có sự minh bạch rõ ràng hơn trong việc tính toán giá điện", ông Long nói.
Cũng theo ông Long, việc tính toán giá thành điện rất phức tạp vì phải hạch toán từ trên xuống dưới. Vấn đề này cần sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn kiểm tra độc lập. Còn theo báo cáo kiểm toán và thanh tra, thì lý do ban đầu ngành Điện làm ăn không hiệu quả, hay đầu tư ngoài ngành, năng suất kém, tổn thất lớn, nhưng rồi lại đưa những cái không hiệu quả, thua lỗ vào giá thành để người tiêu dùng chịu thiệt.
"Vì vậy, để người tiêu dùng chấp thuận cần có cuộc “đại phẫu thuật”, phải có các cơ quan tư vấn độc lập đủ chuyên môn mới giải quyết được. Còn như hiện nay,  EVN báo cáo, Cục Điều tiết điện lực xem xét, còn cơ quan chức năng Bộ Công Thương phần lớn đứng về nhà sản xuất và đơn vị độc quyền, ít khi về người tiêu dùng.
Họ có những phát ngôn ít được đồng tình ví dụ “giá điện tăng mọi người hưởng lợi” hoặc “không tăng giá thì EVN phá sản”.  Do đó các cơ quan chức năng cần công tâm, cần phải có cuộc kiểm tra tổng thể, cần có nguồn lực đầy đủ để xem xét chính xác sự việc", ông Long nhận định.
Các Bộ hoàn toàn minh bạch!
Không đồng tình với những ý kiến của chuyên gia Ngô Trí Long, ông Nguyễn Anh Tuấn- Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng, việc tăng giá điện lần này là hoàn toàn hợp lý và minh bạch.
Bởi lẽ, theo ông Tuấn, từ ngày 1.8.2013 đến nay các thông số đầu vào theo báo cáo của EVN đã thay đổi 12,8%, nhưng các cơ quan thẩm quyền chấp nhận 7,5% là thấp nhất trong các phương án và đã tính đến tác động CPI.
"Cho nên mức tăng 7,5% hoàn toàn phù hợp mặt bằng thị trường. Bộ Công Thương cũng đã kiểm tra, kiểm toán giá điện công khai kết quả này. Đây là bước công khai minh bạch để người tiêu dùng có thể giám sát được", ông Tuấn khẳng định.
Tương tự, đối với việc điều hành giá xăng dầu, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương cũng cho biết, giá xăng dầu hiện nay đã hoàn toàn theo cơ chế thị trường, giá phản ánh đầy đủ chi phí hợp lý hợp lệ và theo tín hiệu giá thế giới.
"Khi có lợi cho người tiêu dùng, cho sản xuất, từ tháng 7.2014 đến nay rõ ràng đã có 15 lần điều chỉnh trong đó 14 lần giảm, mức giảm 10.000 đồng/lít. Vừa rồi tăng 1.600 đồng/lít, tăng khoảng 10%, nhưng nhìn chung xu thế giảm giá là chủ yếu, vẫn đang có xu hướng tác động có lợi người dân, cho sản xuất" , ông Quyền nói.
Riêng việc giá xăng dầu và giá điện cùng tăng vào một thời điểm, ông Tuấn lý giải có thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Theo đó, trong tháng 3, giá xăng dầu thế giới có sự điều chỉnh tăng vào hôm 11.3 vừa rồi và ngẫu nhiên rơi vào việc tăng giá điện vào 16.3.
Duyên Duyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xăng, điện bắt tay tăng giá, các Bộ không hiểu nỗi khổ của dân