Đại biểu quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng xăng dầu không còn là mặt hàng đặc biệt nữa, mà là mặt hàng rất cần thiết, nên không có lý do gì đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu.

Xăng dầu là mặt hàng cần thiết, không có lý do gì lại đánh thuế tiêu thụ đặc biệt

Lam Thanh | 25/05/2022, 15:40

Đại biểu quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng xăng dầu không còn là mặt hàng đặc biệt nữa, mà là mặt hàng rất cần thiết, nên không có lý do gì đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu.

Thảo luận tại tổ ngày 25.5, đại biểu quốc hội Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho biết, trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Việt Nam được đánh giá cao về công tác phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế so với các nước trên thế giới.

“Có thể nói, những kết quả đạt được về phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua là sự nỗ lực rất lớn của hệ thống chính trị, cũng như sự điều hành của Chính phủ và các địa phương”, ông Sang nói.

Tuy nhiên, đại biểu Sang chỉ ra rằng giữa tờ trình của Chính phủ với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chưa có sự thống nhất về các chỉ tiêu, do đó đề nghị Chính phủ cần rà soát, bổ sung các chỉ tiêu sao cho thống nhất với cơ quan thẩm tra.

Ngoài ra, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cũng đề nghị Chính phủ cũng quan tâm đến sự biến động của giá cả thị trường. Trong đó, tình trạng tăng vật tư nguyên liệu là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là nông dân. Đồng thời cần có những chính sách quan tâm hỗ trợ, đặc biệt trong thời điểm thực hiện phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng sự chỉ đạo, điều hành phù hợp đã giúp nền kinh tế từ tăng trưởng âm đã tăng trưởng dương và 5 tháng đầu năm 2022 ở TP.HCM cho thấy phục hồi rất rõ nét, trên tất cả các lĩnh vực. Chỉ số CPI vẫn được kiểm soát dưới 4% trong liên tiếp 7 năm là thành quả rất lớn, góp phần ổn định kinh tế vi mô. Thu ngân sách tăng 16,8% đã kéo giảm bội chi ngân sách, nên nợ công cũng thấp hơn so với đầu năm.

thn.jpg
Đại biểu quốc hội Trần Hoàng Ngân phát biểu tại kỳ họp - Ảnh: Báo Tiền Phong

Theo ông Ngân, đầu năm nay, do chính sách kích thích kinh tế của các nước, lạm phát có dấu hiệu gia tăng. Đồng thời, những vấn đề về khủng hoảng năng lượng, lương thực, nhân đạo, đói nghèo... cũng trở thành những nội dung rất lớn trên những diễn đàn kinh tế của thế giới. Hầu hết các quốc gia đều cắt giảm các chỉ số tăng trưởng từ 1 - 15%.

Riêng Việt Nam, IMF đưa ra dự báo mức 6% tăng trưởng GDP trong năm 2022, và năm 2023 tăng trưởng 7%. Đây là một tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên các dự báo này sẽ được cập nhật và điều chỉnh theo thực tế.

Ông Ngân cũng đề cập đến tình trạng lạm phát hiện nay và cho biết Việt Nam đã trải qua nhiều đợt lạm phát. Đợt nặng nề nhất là từ sau khi đổi mới năm 1986 và đợt gần nhất là lạm phát do suy thoái kinh tế năm 2008. Chỉ số lạm phát lúc đó lên tới 23%. Chỉ số lạm phát vào năm 2011 cũng lên 2 con số. Khi đó, tất cả các chi phí giá cả, hàng hóa đều tăng lên và đời sống của người dân vô cùng khó khăn.

“Thời điểm đó, chúng ta buộc phải dùng “thuốc liều cao” để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội”, ông Ngân nói và cho rằng với tình hình giá xăng dầu tăng cao như hiện nay, các cơ quan cần có tiếng nói để nhanh chóng kiểm soát giá xăng dầu, không để giá xăng dầu lên quá cao.

“Chúng ta chấp nhận theo cơ chế thị trường, nhưng chúng ta có những công cụ kiểm soát. Công cụ là gì, đó là thuế bảo vệ môi trường, đã giảm 50%, sắp tới có thể đề xuất giảm tiếp. Cần giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu. Xăng dầu không còn là mặt hàng đặc biệt nữa, mà là mặt hàng rất cần thiết. Không có lý do gì chúng ta đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu”, ông Ngân nhấn mạnh, đồng thời nói, trong kỳ họp này, đại biểu quốc hội nên đưa ra vấn đề này, để Quốc hội xem xét.

Theo ông Trần Hoàng Ngân, nếu không kiểm soát được giá xăng dầu, có thể dẫn tới "hiệu ứng domino" trong giá cả các loại mặt hàng khác. Người dân trong 2 năm qua đã gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, do vậy trong cơn “bão giá” này chúng ta phải kiểm soát.

Đại biểu Đào Hồng Vận (Hưng Yên) cho rằng, thời gian gần đây, giá vàng tăng đột biến, mặc dù có nguyên nhân khách quan do chiến tranh giữa Nga và Ukraine, nhưng giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới tới hơn 20 triệu đồng/lượng. "Nguyên nhân của tình trạng này là gì? Do độc quyền thao túng đẩy giá vàng lên cao trong lúc tâm lý người dân lo lắng bởi dịch bệnh nên muốn tích trữ, muốn an toàn? Có sự móc nối bắt tay với nhau để đẩy giá vàng lên cao hay không? Chúng ta phải có biện pháp để kiểm soát thị trường vàng, đảm bảo minh bạch, an toàn; cần làm rõ lợi ích nhóm trong việc thao túng giá vàng", ông Vận kiến nghị.

Đại biểu Vận cũng cũng nêu lại con số hiện ước tính lượng vàng trong dân còn rất lớn, lên tới khoảng 500 tấn. "Đồng tiền không đưa ra sản xuất kinh doanh là đồng tiền chết. Chính vì vậy, chúng ta cần có cơ chế, chính sách để người dân yên tâm đồng ý đưa số vàng, tiền lớn đang tích trữ để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Có như vậy kinh tế mới phát triển được", đại biểu Vận nhấn mạnh.

Bài liên quan
Giá xăng dầu giảm đồng loạt, về mức 20.520 đồng/lít
Giá xăng dầu tại kỳ điều hành hôm nay (21.11) được điều chỉnh giảm lần thứ 2 liên tiếp. Trong đó, giá xăng RON95 giảm về mức 20.520 đồng/lít.

(1) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xăng dầu là mặt hàng cần thiết, không có lý do gì lại đánh thuế tiêu thụ đặc biệt