Từ ngày 23-31.3, tình hình xâm nhập mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa lớn nhất Việt Nam - có xu thế tăng nhẹ, sau đó sẽ giảm dần. Riêng độ mặn ở một số trạm như Long An, Cà Mau vẫn duy trì ở mức cao, xấp xỉ và cao hơn tuần trước đó.

Xâm nhập mặn ở vựa lúa lớn nhất Việt Nam có thể tăng trong tuần tới

22/03/2020, 12:01

Từ ngày 23-31.3, tình hình xâm nhập mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa lớn nhất Việt Nam - có xu thế tăng nhẹ, sau đó sẽ giảm dần. Riêng độ mặn ở một số trạm như Long An, Cà Mau vẫn duy trì ở mức cao, xấp xỉ và cao hơn tuần trước đó.

Cánh đồng lúa ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng đang thiếu nước ngọt trầm trọng - Ảnh từ báo Đại Đoàn Kết

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PT-NT Nguyễn Hoàng Hiệp, đợt hạn mặn năm 2015-2016 đã khiến Việt Nam mất 1 triệu tấn lúa và 500.000 hộ gia đình thiếu nước ngọt. Năm đó, ngành nông nghiệp lần đầu tiên tăng trưởng âm. Điều này cho thấy sự tác động từ Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đối với toàn quốc là rất lớn.

Theo Tổng cục Thủy lợi, tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL năm nay sẽ diễn ra sâu hơn và nghiêm trọng hơn năm 2015-2016, năm được coi là nặng nề nhất.

Dự báo ở mức cấp độ 1-2

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia mới đây dự báo, trong tuần tới, khu vực Nam Bộ tiếp tục duy trì tình trạng ít mưa, ngày nắng, cục bộ có nơi xuất hiện nắng nóng, độ ẩm trưa chiều giảm khá thấp.

Trong 10 ngày tới, mực nước tại thượng lưu sông Mekong biến đổi chậm và thấp hơn cùng kỳ năm 2016 từ 0,1-0,5m. Do vậy, mực nước trên sông Tiền và sông Hậu cũng biến đổi chậm theo triều.

Với diễn biến trên, cơ quan khí tượng dự báo xâm nhập mặn ở ĐBSCL có xu thế tăng nhẹ đến ngày 26.3, sau đó giảm dần. Độ mặn cao nhất trong đợt này ở mức thấp hơn độ mặn thời kỳ 11.3 - 20.3, riêng độ mặn một số trạm Long An, Cà Mau duy trì ở mức cao, xấp xỉ và cao hơn tuần trước.

Mức độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL trong thời kỳ này được dự báo ở mức cấp độ 1-2.

Cũng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mặc dù xâm nhập mặn ở cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần nhưng vẫn ở mức cao đến cuối tháng 3 này.

Đặc biệt, trong trường hợp cực đoan, nếu thời gian thiếu mưa kéo dài và việc tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập thì tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài và trầm trọng hơn.

Do đó, trong thời gian từ 26.3-5.4, các địa phương vùng ĐBSCL cần tranh thủ tích trữ nước ngọt ngay khi có thể khi triều thấp, khi tưới cho cây ăn trái cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn tránh thiệt hại.

Dự báo trong thời gian tới, xâm nhập mặn tiếp tục đe dọa đến sinh trưởng, năng suất của 332.000ha lúa, 136.000ha cây ăn quả, 158.900 hộ có nguy cơ cao bị thiếu nước sinh hoạt…

Người dân huyện Long Phú (Sóc Trăng) xót xa vì lúa chết khô - Ảnh từ Đại Đoàn Kết

Cần giải pháp để thích ứng hơn là phòng, chống

TTXVN cho rằng hiện các địa phương ở vùng ĐBSCL đã kịp thời điều chỉnh lịch thời vụ sản xuất nông nghiệp, khuyến cáo nông dân sử dụng các bộ giống lúa ngắn ngày, chủ động trữ nước tưới để đối phó với hạn mặn đang xâm nhập.

Tuy nhiên, HNMO dẫn lời chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL - Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, không thể vì thời điểm hạn hán, xâm nhập mặn khắc nghiệt đỉnh điểm như năm nay mà đưa ra các quy hoạch chống lại thiên nhiên. Hay nói cách khác, các tỉnh ĐBSCL cần có giải pháp thích ứng hơn là phòng, chống hoặc là đối phó tạm thời.

Theo GS.TS Nguyễn Bảo Vệ - nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp Đại học Cần Thơ, giải pháp giảm thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra cần thực hiện theo hướng bền vững và đồng bộ.

Chẳng hạn: tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước, tuân thủ khuyến cáo về thời vụ; sử dụng giống lúa chịu hạn mặn tốt nhất; tiếp tục gia cố cống, đập, đê bao và bờ bao ngăn mặn, làm nhiều hồ trữ nước ngọt. Các cơ quan hữu quan cần rà soát, cập nhật, điều chỉnh các loại quy hoạch thủy lợi, giao thông.

Đặc biệt, đối với sản xuất nông nghiệp, cần chuyển dịch lịch thời vụ để né hạn mặn; sử dụng giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với hạn mặn; mạnh dạn chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi nào hiệu quả hơn cây lúa.

Thứ trưởng Bộ NN-PT-NT Nguyễn Hoàng Hiệp dự báo, thiệt hại năm 2019-2020 sẽ thấp hơn rất nhiều so với năm 2015-2016 vì diện tích lúa dự báo bị ảnh hưởng chỉ khoảng 100.000ha, cây ăn trái khoảng 130.000 ha, 100.000 hộ thiếu nước.

Tuy nhiên, vấn đề đáng lưu ý là khả năng xâm nhập mặn vẫn tiếp tục và không còn theo quy luật thường 5 năm lặp lại như trước đây, do tình hình bị tác động mạnh mẽ từ thượng lưu, biển và nội tại của vùng.

Về thượng lưu, các thủy điện chính trên sông Mekong, sông Lan Thương - hai dòng chảy chính về ĐBSCL càng ngày sẽ càng có nhiều hơn và bắt đầu đưa vào sử dụng. Nguy cơ cao là các nước thượng nguồn như Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc... cũng rất khó khăn về nguồn nước. Như vậy nước về ĐBSCL sẽ ngày càng ít đi.

Nếu ĐBSCL tăng trưởng thấp...

Từ năm 2007-2018, tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước luôn tăng và tốc độ tăng ngày càng cao. Giai đoạn 2007-2012, trung bình mỗi năm tăng 5,8%; giai đoạn 2013-2018 trung bình tăng 6,4%. Tuy nhiên, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) vùng ĐBSCL lại giảm.

Giai đoạn 2007-2012, GRDP của ĐBSCL tăng trung bình 5,7%, thấp hơn cả nước 0,1 điểm phần trăm; đến giai đoạn 2013- 2018, trung bình mỗi năm chỉ tăng 5,5%, thấp hơn 0,9 điểm phần trăm.

Nhóm ngành nông, lâm, thủy sản giảm 10%, GRDP của vùng ĐBSCL có thể giảm 1,84%, GDP cả nước có thể giảm 0,09%. Nếu nhóm ngành nông, lâm, thủy sản giảm 15% thì GRDP vùng giảm 2,75% và GDP cả nước giảm 1,2%. Nếu nhóm ngành này giảm 20%, GRDP vùng giảm 3,7% và GDP cả nước giảm 1,7%.

Như vậy có thể thấy, nếu ĐBSCL tăng trưởng thấp sẽ ảnh hưởng không chỉ đối với trong vùng mà còn là với cả nước, vì khu vực này là vựa lúa, vựa trái cây, vựa lúa của cả nước.

Trong một bài viết đăng trên Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ năm 2017, một kết quả điều tra lấy ý kiến từ 80 hộ thuộc 5 xã ở huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) về tình hình hạn mặn ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất cho thấy:

Trong 4 yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường và tự nhiên thì yếu tố kinh tế mang lại từ sản xuất nông nghiệp được quan tâm nhiều nhất, tiếp theo lần lượt là yếu tố xã hội, môi trường và tự nhiên.

Thi Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xâm nhập mặn ở vựa lúa lớn nhất Việt Nam có thể tăng trong tuần tới