Theo báo cáo nhanh của Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường Trần Hữu Linh, tính đến chiều ngày 14.3 vừa qua, dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát tại 16 địa phương trên cả nước và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Xác định 4 nguyên nhân khiến dịch tả lợn châu Phi lan nhanh ở Việt Nam

15/03/2019, 12:13

Theo báo cáo nhanh của Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường Trần Hữu Linh, tính đến chiều ngày 14.3 vừa qua, dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát tại 16 địa phương trên cả nước và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 16 tỉnh thành ở Việt Nam - Ảnh minh họa từ Internet

Trước nguy cơ dịch tả lợn châu Phi bùng phát và lây lan nhanh ra nhiều địa phương, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh ngày 14.3 đã triệu tập cuộc họp khẩn chỉ đạo các đơn vị chức năng trong Bộ phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, ổn định tâm lý người dân, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến quá trình xuất khẩu thịt lợn khi dịch bệnh đi qua.

Cụ thể, Tổng cục Quản lý Thị trường đã xác định dịch tả lợn châu Phi lan nhanh ở Việt Nam thời gian qua là do 4 nguyên nhân:

Thứ nhất là sự gia tăng của tình trạng buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Thứ hai là cư dân biên giới giữa Việt Nam và các nước có nhiều hoạt động giao thương, qua lại giữa Việt Nam và các nước nên rất có thể mang theo mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam.

Thứ ba là lượng khách đi du lịch từ các nước qua đường bộ, đường hàng không và đường biển vào Việt Nam rất lớn, nhất là khách từ các nước châu Á thường có thói quen mang theo thực phẩm có chứa thịt lợn nên có thể đưa mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam (tương tự như đã phát hiện tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan...).

Thứ tư, phần lớn ngành chăn nuôi nước ta vẫn nhỏ lẻ, mật độ cao, khó hoặc không thực hiện đầy đủ, thường xuyên các biện pháp vệ sinh phòng bệnh dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh.

Trước tình trạng trên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị Tổng Cục Quản lý Thị trường phải tổ chức ngay đoàn công tác đi kiểm tra, đánh giá việc tổ chức triển khai nhiệm vụ của quản lý thị trường cũng như phối hợp với các đơn vị quản lý trong bộ và các đơn vị chức năng khác kiểm soát, phòng chống dịch tả lợn châu Phi ở một số địa bàn, trước hết là ở các địa phương có dịch tả lợn có quy mô và điểm dịch lớn. Trọng tâm lúc này là các địa phương đang có dịch tả lợn, có nguy cơ lan nhanh; các địa phương có đường biên giới với các nước có dịch tả lợn và nguy cơ bùng phát dịch tả lợn.

“Tôi đề nghị trước mắt tổ chức 2 đoàn công tác, một là do Thứ trưởng Đặng Hoàng An và hai là do Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh đi kiểm tra và cần thực hiện ngay trong tháng 3.2019”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng nêu rõ, nhiệm vụ của đoàn kiểm tra phải căn cứ, đối chiếu với những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đặc biệt là 2 công điện của Thủ tướng và đề án về phòng chống dịch tả lợn châu Phi của Bộ NN-PT-NT. Đồng thời, phối hợp với Văn phòng Bộ khi tổ chức những cuộc họp liên quan đến dịch tả lợn châu Phi phải bố trí đầy đủ các thành phần tham dự để đánh giá đầy đủ tình hình nhiễm dịch bệnh tại địa phương, những tác động ảnh hưởng đến thị trường, những nguy cơ lây lan qua hoạt động thương mại, qua biên giới và hoạt động xuất nhập khẩu để từ đó thống nhất báo cáo lãnh đạo Bộ đề xuất những phương án và những giải pháp trong thẩm quyền trách nhiệm của Bộ trưởng Công Thương cũng như chủ động phối hợp với Bộ NN-PT-NT để đề xuất những giải pháp cụ thể. Nếu cần thiết có đánh giá cụ thể những nguy cơ từ những quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động xuất khẩu các sản phẩm từ thịt lợn kể cả thương mại và phi thương mại vào Việt Nam.

“Tất cả lãnh đạo Bộ, các đơn vị trong Bộ, Tổng Cục Quản lý Thị trường cần quán triệt, nhận thức rõ các yêu cầu trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi ở đúng mức độ của nó. "Nếu làm không tốt, nó sẽ là nguy cơ rất lớn ảnh hưởng đến cả những hoạt động sản xuất, kinh doanh của bộ phận lớn người nông dân và doanh nghiệp; đồng thời ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội của nhân dân và các chỉ số về tăng trưởng kinh tế, CPI", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xác định 4 nguyên nhân khiến dịch tả lợn châu Phi lan nhanh ở Việt Nam