Lần đầu tiên, vòng chung kết (VCK) World Cup 2030 được tổ chức ở 3 lục địa châu Mỹ, châu Âu và châu Phi.
Kỷ niệm 100 năm lần đầu tiên tổ chức World Cup (1930-2030), FIFA đã quá khéo khi cho phép Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Morocco đồng đăng cai tổ chức VCK World Cup 2030. Tuy nhiên, 3 trận đầu tiên của VCK này lại diễn ra ở Uruguay, Argentina và Paraguay. Nghĩa là 3 lục địa châu Âu, châu Phi, châu Mỹ (Nam Mỹ) cùng tham gia tổ chức.
Quyết định hợp tình hợp lý
Với quyết định này của FIFA, 6 quốc gia trên mặc nhiên chiếm 6/48 suất ở VCK. Sở dĩ 3 nước Nam Mỹ này được chọn mà không phải Brazil là do World Cup lần đầu tiên năm 1930 được tổ chức tại Uruguay và chủ nhà trở thành nhà vô địch thế giới đầu tiên khi thắng Argentina 4-2. Ngoài ra Argentina là đội đương kim vô địch World Cup. Trong khi đó, CONMEBOL - Liên đoàn Bóng đá Nam Mỹ và cũng là liên đoàn duy nhất được thành lập trên thế giới vào thời điểm đó có trụ sở tại Paraguay.
Thêm nữa, trình độ các đội tuyển ở Nam Mỹ cao so với mặt bằng thế giới bóng đá, nên 3 suất cố định trao cho Nam Mỹ là hợp tình, hợp lý trước sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày ra đời World Cup.
Thêm một điểm cộng cho FIFA khi trận khai mạc sẽ diễn ra tại Centenario, sân vận động đã diễn ra trận chung kết World Cup 1930. Thế nhưng lễ khai mạc vẫn được tổ chức ở 3 quốc gia Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Morocco. Như vậy sau 3 trận mở màn, cả 3 đội chủ nhà cùng các đối thủ của họ sẽ di chuyển đến Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Morocco thi đấu những trận còn lại ở VCK.
Cơ hội cho Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á
World Cup 2002 là VCK đầu tiên được tổ chức ở châu Á, và cũng là lần đầu tiên có hai quốc gia đồng tổ chức là Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong khi đó, World Cup 2026 là VCK đầu tiên được tổ chức nhiều hơn 2 quốc gia là Mexico, Mỹ, Canada; và World Cup 2030 là VCK đầu tiên được tổ chức ở 6 quốc gia.
Với quan điểm luân chuyển để VCK World Cup được lưu diễn ở khắp hành tinh, sau khi LĐBĐ Bắc Trung Mỹ và Caribe (CONCACAF) tổ chức VCK 2026; 3 LĐBĐ CONMEBOL (Nam Mỹ), CAF (châu Phi), UEFA (châu Âu) tổ chức VCK 2030 thì 2 LĐBĐ châu Á (AFC) và châu Đại Dương (OFC) sẽ là ứng viên nặng ký nếu nộp đơn đăng cai tổ chức VCK World Cup 2034.
Và như thế đây là cơ hội vàng dành cho LĐBĐ Đông Nam Á (AFF), thành viên của AFC, tham gia vào cuộc đua đăng cai World Cup 2034.
Ngày 5.12.2021, có mặt trong buổi lễ khánh thành trụ sở mới của Liên đoàn Bóng đá Singapore (FAS), Chủ tịch FIFA Gianni Infantino đã phát biểu với truyền thông rằng ông ủng hộ nhiều quốc gia tổ chức VCK World Cup. Ông Infantino mong muốn tất cả các quốc gia trên thế giới đều có thể biến giấc mơ tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh thành hiện thực. Ông Infantino chia sẻ rằng một quốc gia ở Đông Nam Á rất khó tổ chức World Cup, nhưng với nhiều nước thì việc này hoàn toàn có thể.
Cuối cùng, ông Infantino nhấn mạnh khu vực Đông Nam Á có dân số trên 650 triệu người, nền kinh tế đang phát triển, niềm đam mê bóng đá to lớn nên Đông Nam Á có khả năng đăng cai tổ chức World Cup thành công.
Với sự kiện 6 quốc gia tổ chức VCK World Cup 2030, thì nếu có hình thành liên minh 5 quốc gia Đông Nam Á Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam nộp đơn đăng cai tổ chức World Cup 2034 cũng là thuận tự nhiên.
Tất nhiên nói thì dễ khi AFF đang đứng trước cơ hội lớn để có thể tổ chức World Cup 2034, nhưng còn thực tế thế nào? Về kinh phí, liệu liên minh này có đáp ứng được khi Qatar chi 22 tỉ USD để tổ chức VCK 2022 gồm xây mới các sân vận động, hoàn thiện cơ sở vật chất, hệ thống giao thông… Trước đó, Nga đã chi 14 tỉ USD khi tổ chức VCK 2018; còn Brazil, Nam Phi, Đức đã lần lượt chi 11, 10, 5 tỉ USD khi tổ chức các VCK 2014, 2010, 2006.
Về cơ sở vật chất, các sân vận động ở Đông Nam Á liệu có đáp ứng được yêu cầu của FIFA?
Indonesia có sân vận động quốc gia Jakarta (82.000 chỗ ngồi) và Seneyan (77.000 chỗ), đồng thời có nhiều sân với sức chứa trên 40.000 chỗ; Malaysia có 3 sân nổi tiếng là Bukit Jalil (87.000 chỗ), Shah Alam (80.000 chỗ), Sultan Ibrahim (40.000 chỗ) và nhiều sân có sức chứa trên 40.000 chỗ; Singapore có sân vận động quốc gia (55.000 chỗ); Thái Lan có sân Rajamangala (50.000 chỗ) và Việt Nam có sân Mỹ Đình (40.000 chỗ).
Thế nhưng chắc chắn không ít những sân vận động kể trên chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn của FIFA khi muốn đăng cai tổ chức World Cup. Ai cũng biết, để thuyết phục được FIFA, các quốc gia ở Đông Nam Á muốn tham gia đăng cai tổ chức World Cup 2034 thì phải xây thêm sân vận động mới hoặc đại tu các sân hiện nay, trong đó sân vận động Mỹ Đình của Việt Nam là ví dụ rõ nhất.
Đó là lý do chúng ta thấy vì sao chi phí của chủ nhà World Cup 2006 là Đức thấp hơn nhiều so với các chủ nhà World Cup khác. Dù có tính trượt giá, người Đức vẫn ít tốn kém hơn khi tổ chức VCK World Cup vì cơ sở hạ tầng của họ đã hoàn chỉnh.
Và đây là bài toán mà các quốc gia Đông Nam Á nếu liên minh tham gia vào cuộc đua giành quyền đăng cai tổ chức World Cup 2034 cần cùng nhau nghĩ đến, cũng như cùng đưa ra giải pháp tối ưu để chiếm ưu thế về mình!