Hôm 11.1.2022, quan chức hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Âu dự báo hơn 1/2 dân số châu lục này sẽ nhiễm biến thể Omicron trong vòng 6 đến 8 tuần tới.

WHO: Hơn 1/2 dân số châu Âu sẽ nhiễm Omicron trong 6-8 tuần tới, chưa thể coi COVID-19 là bệnh đặc hữu

Sơn Vân | 11/01/2022, 19:16

Hôm 11.1.2022, quan chức hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Âu dự báo hơn 1/2 dân số châu lục này sẽ nhiễm biến thể Omicron trong vòng 6 đến 8 tuần tới.

Châu Âu đã ghi nhận hơn 7 triệu ca mắc COVID-19 mới trong tuần đầu tiên của năm 2022, tăng gấp đôi so với 2 tuần trước, với hơn 1% dân số mắc COVID-19 mỗi tuần ở 26 quốc gia. Giám đốc WHO khu vực châu Âu - Hans Kluge cho biết thông tin này trong cuộc họp báo hôm 11.1.2022.

"Với tốc độ này, Viện Đo lường và Đánh giá Y tế dự báo hơn 50% dân số trong khu vực sẽ nhiễm Omicron trong 6-8 tuần tới", Hans Kluge nói. Đây là một quy mô lây truyền vi rút mà ông mô tả là chưa từng có.

Hans Kluge nói “làn sóng thủy triều” từ tây sang đông về số ca nhiễm Omicron có nguy cơ nhấn chìm các hệ thống y tế trên khắp châu Âu.

Ông cho biết biến thể này hiện đã được ghi nhận ở 50 trong số 53 bang của khu vực châu Âu và đang trở nên thống trị ở Tây Âu.

Hans Kluge dự đoán tác động của Omicron sẽ là nghiêm trọng nhất ở những nơi có tỷ lệ tiêm vắc xin thấp hơn như Trung và Đông Âu.

Ông bày tỏ lo ngại sâu sắc khi Omicron di chuyển về phía đông: “Chúng tôi vẫn chưa thấy tác động đầy đủ của nó ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm vắc xin thấp hơn và nơi chúng ta sẽ thấy bệnh nặng hơn ở những đứa trẻ chưa được tiêm chủng”.

who-hon-1-2-dan-so-chau-au-nhiem-omicron-trong-6-8-tuan-toi1.jpg
Ông Hans Kluge dự báo hơn 1/2 dân số châu Âu sẽ nhiễm Omicron 6-8 tuần tới - Ảnh: Intenet

Hans Kluge cho biết tại Đan Mạch, nơi các số ca nhiễm Omicron “bùng nổ những tuần gần đây”, tỷ lệ nhập viện do COVID-19 với những bệnh nhân chưa chích vắc xin trong tuần lễ Giáng sinh cao gấp 6 lần so với những ai đã tiêm chủng đầy đủ.

Theo Giám đốc WHO khu vực châu Âu, trong khi vắc xin cung cấp sự bảo vệ tốt chống lại bệnh tật và tử vong, số người nhập viện ngày càng tăng đang “thách thức hệ thống y tế và cung cấp dịch vụ ở nhiều quốc gia, đe dọa áp đảo chúng ở nhiều nước khác”.

Hans Kluge cho biết các quốc gia chưa bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát dịch Omicron có “cơ hội đóng cửa để hành động ngay bây giờ” bằng cách bảo vệ những công dân dễ bị tổn thương nhất của họ, cũng như cố gắng hết sức để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe và các nhân viên chủ chốt khác có thể duy trì hoạt động của các dịch vụ.

Ông nói chính phủ ở các nước này nên yêu cầu đeo khẩu trang chất lượng cao bắt buộc trong tất cả không gian kín và trong nhà, đảm bảo cung cấp đầy đủ các loạt vắc xin và liều tăng cường càng sớm càng tốt, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế và dịch vụ thiết yếu.

Hans Kluge gợi ý: “Khi Omicron bắt đầu bùng phát, ưu tiên nên là tránh và giảm tác hại của những người dễ bị tổn thương, giảm thiểu sự gián đoạn với hệ thống y tế và các dịch vụ thiết yếu. Điều này có nghĩa là ưu tiên những người dễ bị tổn thương cho liệu trình tiêm vắc xin chính và liều tăng cường, khuyên họ tránh không gian kín, đông đúc và cung cấp khả năng làm việc từ xa bất cứ nơi nào có thể cho đến khi đợt dịch qua đi”.

Ông nói xét nghiệm PCR nên được ưu tiên cho những cá nhân có nguy cơ mắc bệnh nặng và xét nghiệm nhanh kháng nguyên nên được triển khai rộng rãi hơn, một lần nữa “ưu tiên những người có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao cũng như bị nặng”.

Sau các động thái của một số chính phủ châu Âu nhằm rút ngắn thời gian cách ly để ngăn các nền kinh tế ngừng hoạt động, Hans Kluge cho biết các quyết định như vậy nên được thực hiện “chỉ khi cần thiết để duy trì tính liên tục của dịch vụ quan trọng”.

Theo ông, thời gian cách ly ngắn hơn cũng nên gồm cả điều kiện xét nghiệm âm tính.

Hans Kluge nói thêm rằng tất cả các quyết định như vậy “phải được thực hiện với cân nhắc cẩn thận về rủi ro và lợi ích của việc làm như vậy”.

Trong 3 tuần qua, Anh, Pháp, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha và Bỉ đều đã giảm thời gian cách ly và nới lỏng một số điều kiện để nhân viên từng mắc COVID-19 trở lại làm việc.

Pháp và Thụy Sĩ đều đã giảm thời gian cách ly từ 10 ngày xuống còn 7 ngày với những người có kết quả xét nghiệm dương tính.

Ở Anh, mức giảm tương tự nếu người nhiễm SARS-CoV-2 có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong 2 ngày liên tiếp, điều mà Cơ quan An ninh Y tế Anh cho biết gần như có hiệu quả tương đương với 10 ngày cách ly.

Bộ Y tế Tây Ban Nha đã đặt ngưỡng tải lượng vi rút dưới mức mà bệnh nhân COVID-19 có thể được coi là không lây truyền vi rút khi xét nghiệm PCR và phù hợp để làm việc.

Các bộ trưởng Cộng hòa Séc đang lập danh sách những người lao động quan trọng sẽ được phép tiếp tục làm việc dù nhận kết quả dương tính với COVID-19, trong đó có các nhân viên y tế, xã hội và giáo dục, tài xế cùng những người làm các dịch vụ thiết yếu khác như giặt là cho bệnh viện.

Hans Kluge khẳng định việc giữ cho trường học mở cửa có “những lợi ích quan trọng với sức khỏe tinh thần, xã hội và giáo dục của trẻ em”, đồng thời kêu gọi các chính phủ xem xét các quy trình về xét nghiệm, cách ly những F1 trong lớp học để giảm thiểu gián đoạn việc học. Tuy nhiên, ông cho biết khả năng lây truyền lớn hơn của Omicron có nghĩa là các nhà chức trách nên chuẩn bị cho sự kết hợp giữa học trực tuyến và trực tiếp.

WHO cảnh báo không nên xem COVID-19 như bệnh cúm

WHO cảnh báo không nên coi COVID-19 là một căn bệnh phổ biến như cúm, cho biết sự lây lan của biến thể Omicron vẫn chưa ổn định.

Hôm 10.1.2022, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nói có thể đã đến lúc phải thay đổi cách thức theo dõi sự tiến hóa của COVID-19 để sử dụng phương pháp tương tự như cách theo dõi dịch cúm, vì khả năng gây chết người của vi rút SARS-CoV-2 đã giảm. Theo ông Pedro Sanchez, điều đó có nghĩa là coi COVID-19 như bệnh đặc hữu, chứ không phải là một đại dịch.

Thế nhưng, Catherine Smallwood, quan chức cao cấp của WHO ở châu Âu về cấp cứu, nói tại cuộc họp báo: "Chúng ta vẫn còn rất nhiều điều chưa chắc chắn và một loại vi rút đang phát triển khá nhanh, đặt ra những thách thức mới. Chúng ta chắc chắn chưa đến lúc có thể gọi nó là bệnh đặc hữu".

Bài liên quan
Anh: Một công ty dừng bán kit test nhanh vì không phát hiện ra Omicron ở tải lượng vi rút thấp
Công ty công nghệ sinh học Avacta Group (Anh) hôm 10.1.2022 cho biết đã tạm dừng bán AffiDX để thay thế bằng thiết bị tăng cường khả năng phát hiện ra biến thể Omicron ở lượng vi rút thấp hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
WHO: Hơn 1/2 dân số châu Âu sẽ nhiễm Omicron trong 6-8 tuần tới, chưa thể coi COVID-19 là bệnh đặc hữu