Về đây vào buổi chiều tà, nhiều người rất ngạc khi thấy hàng ngàn con chim trời các loại bay về từ nhiều hướng rồi cùng đáp xuống một vùng cây cối xanh tươi nằm choi loi giữa bạt ngàn vuông tôm – ruộng lúa. Đó là vườn cò Sáu Sôm...

Vườn chim trời giữa vùng tôm - lúa ở Sóc Trăng

Vũ Phong | 22/02/2021, 11:46

Về đây vào buổi chiều tà, nhiều người rất ngạc khi thấy hàng ngàn con chim trời các loại bay về từ nhiều hướng rồi cùng đáp xuống một vùng cây cối xanh tươi nằm choi loi giữa bạt ngàn vuông tôm – ruộng lúa. Đó là vườn cò Sáu Sôm...

Tiếp chuyện với tôi, ông Lâm Văn Huy (tên thường gọi là Tám Huy, 70 tuổi), chủ vườn cò ở xã Gia Hòa 1, H.Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Vườn cò này có từ thời ông nội tôi, rồi qua ba tôi, bây giờ tôi là người thừa kế. Ba tôi tên là Lâm Văn Sôm. Ông thứ 6 nên gọi là Sáu Sôm. Vì vậy người dân địa phương quen gọi là vườn cò Sáu Sôm chứ thực ra vườn cò này có từ thời ông nội tôi, cách đây có lẽ cũng ngót nghét trăm năm”.

12-2-.jpg
Vườn chim nằm giữa vùng tôm - lúa của H.Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng - Ảnh: Vũ Phong

Ông Tám Huy cho biết, diện tích vườn chim khoảng 4ha với các loại chim như cò (có tới 6 loại là cò ngà, lỡ, trắng, trâu, ma, mỏ vàng ăn ruồi), diệc, quắm đen, vạc, cồng cộc, điên điển, bạc má, sáo, cuốc... Buổi sáng, cứ khoảng 6 giờ là các giống cò bắt đầu bay đi kiếm ăn, sau đó khoảng nửa giờ mới đến cồng cộc bay. Khoảng 17 giờ, các giống chim ăn ngày bắt đầu trở về, thì 18 giờ loài vạc mới bắt đầu bay đi kiếm ăn.

Để thu hút đàn chim cò về đây làm tổ, ông Tám Huy đã đào ao, trồng thêm nhiều loại cây xanh tạo nên một quần thể thực vật đa dạng, thích hợp làm nơi cư trú cho chúng. Đến thăm vườn cò của ông Tám Huy, ngoài việc ngắm chim trời bay lượn, kêu líu ríu vui tai, du khách còn được tham quan miếu Bà Chúa Xứ ở ngay trong khu vườn chim này.

14-2-.jpg
Ngôi miếu Bà Chúa Xứ trong vườn chim của ông Tám - Ảnh: Vũ Phong

Ông Tám Huy cho biết: “Miếu Bà Chúa Xứ trong vườn nhà tôi đã có từ trước khi ông nội sang mảnh đất này. Không hiểu vì sao trong những năm chiến tranh ác liệt, bom cày đạn xới từng tấc đất ở Gia Hòa 1 nhưng miếu Bà Chúa Xứ vẫn nguyên vẹn, bom đạn “lạc” đi chỗ khác”.

Một người dân chia sẻ: “Có lẽ nhờ sự linh ứng của bà mà bom đạn không dám đụng vào miếu Bà Chúa Xứ”. Cũng xuất phát từ đó, sau khi hòa bình lập lại, gia đình ông Sáu Sôm đã đầu tư tiền của, công sức xây dựng lại ngôi miếu từ kiến trúc bằng gỗ, tôn... trở nên kiên cố như hiện nay. Trong miếu có đôi câu đối “Chúa Xứ tọa gia nhân đa phúc/Nương nương phù hộ vĩnh bình an”, nghĩa là có bà chúa Xứ ở nhà người được nhiều phúc, bà phù hộ để mãi được bình an.

13-3-.jpg
Ông Tám Huy đón chim về mỗi buổi chiều - Ảnh: Vũ Phong

Tuy là ngôi miếu trong đất của gia đình ông Tám Huy, nhưng hiện nay miếu Bà được người dân trong vùng thường xuyên đến khấn vái, cầu nguyện cho được mùa màng bội thu. Đặc biệt với người nuôi thủy sản, họ tìm đến Bà như một chỗ dựa tâm linh mỗi khi vào vụ và đáp lễ những khi trúng mùa. Hằng năm, vào dịp lễ Kỳ yên (cầu an) ngày 12.3 âm lịch, người dân trong vùng lại tụ họp về miếu Bà để cúng tạ lễ và xem múa bóng.

Bên cạnh miếu Bà Chúa Xứ còn có nhiều cây cổ thụ tuổi đời cả trăm năm như cây cui, gừa, bồ đề... Trong đó những cây cui gây ấn tượng với bộ rễ rất đặc biệt, giống như nhiều miếng ván dày được dựng đứng xòe quanh thân cây. Quả cui cứng, nhẵn bóng, dài khoảng 3cm, hình dạng đẹp, có thể chế tác thành vật lưu niệm đặc sắc.

Điều trăn trở của ông Lâm Văn Huy là tình trạng săn bắn của những người thiếu ý thức khiến đàn chim bị hao hụt rất nhiều. Ông nói: “Vườn chim nằm gần ao tôm, ruộng lúa, đường đi lại dễ dàng nên nhiều người vẫn lén lút săn bắn chim. Họ dùng ná cao su bắn bằng đất sét vo tròn phơi khô. Buổi chiều họ bắn các loại chim bay về vườn, buổi tối họ bắn các loại chim bay đi ăn đêm.

Sáng nào ra dạo quanh vườn tôi cũng nhặt được nhiều con chim chết. Những con chim này bị người ta bắn nhưng chưa chết, chúng ráng bay về vườn rồi chết. Nhìn chim chết mà đứt ruột. Đã có lúc tôi muốn bỏ vườn chim vì tình trạng săn bắt chim mang tính tận diệt, cải tạo thành ao nuôi tôm nhưng nghĩ đến công của ông cha đã khai phá, trồng cây cho chim cò về ở từ trăm năm nay nên không nỡ phá đi. Vả lại, ông cha đã nói “đất lành chim đậu” nên mình phải giữ gìn thôi”.

16-1-.jpg
Cây cổ thụ trong vườn chim - Ảnh: Vũ Phong

Ông Lâm Hoàng Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Gia Hòa 1 cho biết: “Tỉnh đã có dự án đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái vườn cò Sáu Sôm như xây dựng đường giao thông, dịch vụ hậu cần, để nơi đây thành điểm đến hấp dẫn du khách. Đảng ủy, chính quyền địa phương tích cực vận động người dân không săn bắt chim cò để bảo tồn thiên nhiên hoang dã, để phát triển khu du lịch sinh thái”.

Một số hình ảnh ở vườn chim:

11-3-.jpg
10-3-.jpg
08.jpg
07.jpg
06.jpg
05-2-.jpg
04-2-.jpg
03-2-.jpg
02-1-.jpg
01-1-.jpg
15-1-.jpg

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vườn chim trời giữa vùng tôm - lúa ở Sóc Trăng