Hy Lạp hiện đang tiến đến một gói cứu trợ quốc tế khổng lồ thứ 3 bằng việc chính thức yêu cầu sự giúp đỡ từ IMF.
Trong một bức thư gửi tới Giám đốc của IMF, bà Christine Lagarde, Bộ trưởng Tài chính mới của Hy Lạp, ông Euclid Tsakalotos viết rằng Hy Lạp đang "tìm kiếm một khoản vay mới" từ IMF.
Ông lưu ý rằng Quốc hội Hy Lạp đã thông qua hai bộ luật gắn với một loạt các cải cách khó khăn theo yêu cầu của các chủ nợ, bao gồm tăng thuế và cải tổ lương hưu nhằm tiến tới gần thỏa thuận.
"Các nhà chức trách Hy Lạp đã cam kết thực hiện một số chính sách để nâng cao tính bền vững tài chính, tăng cường ổn định tài chính, duy trì tăng trưởng dài hạn và quan trọng, đạt được chi phí điều chỉnh kinh tế một cách công bằng”, Bộ trưởng Tài chính đã viết trong bức thư vào ngày 23.7.
“Chúng tôi nghĩ rằng có thể Hy Lạp phải trải qua một vài quý để đối diện với thách thức này và sau đó quay trở lại một con đường mạnh mẽ và bền vững để tăng trưởng công bằng và hòa nhập xã hội”, ông nói thêm.
Ông Tsakalotos khẳng định rằng Hy Lạp đã được giải cứu từ Liên minh châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và IMF hai lần kể từ năm 2010 và quốc gia này đã chính thức yêu cầu một khoản vay 3 năm mới từ quỹ cứu trợ khu vực đồng Euro, Cơ chế Bình ổn châu Âu.
Chương trình hỗ trợ hiện tại của Hy Lạp từ IMF sẽ kéo dài đến đầu năm 2016.
Hiện tại, Hy Lạp và các chủ nợ đang chịu áp lực rất lớn để đưa ra các thỏa thuận để thanh toán khoản vay 3,2 tỷ euro cho ECB vào ngày 23.8 tới.
Theo đó, IMF một lần nữa vào ngày 23.7 đã cảnh báo Hy Lạp rằng thỏa thuận sẽ đạt được nếu Hy Lạp thực hiện những cải cách hà khắc.
Quỹ này cũng cho biết thêm trong hai gói cứu trợ trước đó, IMF đã tham gia vào. Tuy nhiên lần này, IMF lên tiếng tuyên bố sẽ chỉ tham gia trợ giúp Hy Lạp nếu như số nợ của quốc gia này được giảm từ nhóm chủ nợ châu Âu.
"Rõ ràng, đó là một con đường khó khăn phía trước, chúng tôi chỉ bắt đầu bước vào quá trình này”, phát ngôn viên của IMF, Gerry Rice cho biết.
Vào ngày 23.7, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua những cải cách xa hơn nữa theo yêu cầu của chủ nợ để các cuộc đàm phán có thể bắt đầu. Những cải cách bao gồm cả những thay đổi trong hệ thống tư pháp, việc kiểm soát rút tiền ở ngân hàng và các biện pháp củng cố tính thanh khoản của các ngân hàng Hy Lạp.
Tuyết Nhung (Theo The Straits Times)